Đặc biệt, để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã gom hàng từ các tháng trước, rồi chờ thời điểm thị trường “nóng” mới bung hàng. Và dù lực lượng chức năng có căng mình đối phó thì vẫn không tránh khỏi những “vụ pháo xịt” thoát lưới…
Thủ đoạn buôn lậu pháo ngày càng tinh vi
Theo lực lượng chức năng các tỉnh, tình hình buôn lậu pháo năm nay tăng đột biến, các đối tượng buôn bán và vận chuyển pháo ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi và manh động. Trước đây, các đối tượng thường vận chuyển pháo vào dịp trước Tết từ 1-2 tháng, nhưng năm nay, các đối tượng đã buôn bán và vận chuyển pháo với rất nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng.
Rất nhiều loại pháo hoa, pháo sáng trà trộn với pháo nổ gây khó cho lực lượng chức năng.
Từ tháng 7 đến nay, lực lượng chức năng ở Quảng Trị đã phát hiện trên 24 vụ, bắt giữ trên 28 đối tượng, thu giữ gần 4.000kg pháo, trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, chỉ bắt giữ 5 vụ, 2 đối tượng thu giữ trên 600kg pháo.
Những ngày cuối năm, tình trạng buôn bán pháo nổ qua biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) với số lượng lớn đang có chiều hướng gia tăng. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh đang quyết liệt chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm đấu tranh mạnh vào loại tội phạm này. Ở biên giới Quảng Ninh, các cửu vạn được thuê đứng đợi hàng ở khu vực vắng vẻ sát biên, sau đó ngụy trang cho lên xe máy tăng bo về điểm tập kết. Do cuộc sống khó khăn, một số cư dân khi được thuê vẫn bất chấp nhận lời. Đặc biệt, có nhiều lao động ở vùng nông thôn ra Móng Cái làm cửu vạn đã bị các đầu nậu lôi kéo vận chuyển hàng cấm.
Lực lượng trinh sát của Công an tỉnh Quảng Ninh đã phải theo dõi nhiều ngày tại khu vực biên giới và liên tiếp bắt được các vụ vận chuyển, buôn bán pháo nổ. Điển hình như vụ đối tượng Nguyễn Xuân Luận (SN 1968, Nghệ An) chở pháo lậu sau xe máy. Có 60 bánh pháo, tổng trọng lượng 79,2kg. Luận khai được một người đàn ông thuê chở số pháo trên từ Móng Cái về Nghệ An với tiền công là 5 triệu đồng. Để đánh lạc hướng, Luận ngụy trang pháo trong các bọc giấy lộn, cho vào sọt để ở giữa và hai bên sau xe máy như chở đồng nát. Bên trên mỗi sọt, hắn phủ một lớp khoai lang. Nếu nhìn vào, người đi đường tưởng hắn chở nông sản hoặc đồng nát, không ai để ý.
Một cửa khẩu giáp biên là Quảng Bình, gần đây, ngày 24/12, tại Trạm Kiểm soát liên ngành Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình tiến hành kiểm tra xe ôtô đầu kéo chở hoa quả cho Công ty TNHH MTV Nguyễn Hoàng Gia Khánh ở tỉnh Lạng Sơn, phát hiện có nhiều loại pháo nổ có tổng trọng lượng 63kg được cất giấu cùng với hoa quả trên xe. Tài xế khai nhận số pháo trên được mua tại thị xã Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn (Lào) rồi đưa về Việt Nam bán kiếm lời. Đây là vụ thứ 3 vận chuyển pháo trái phép bị bắt giữ. Trong 3 vụ, lực lượng chức năng đã bắt tổng cộng 5 đối tượng cùng tang vật gần 200kg pháo và nhiều hung khí khác.
Đáng chú ý, trước đó, một số đối tượng đã “găm hàng” từ trong năm để chờ giáp Tết bán kiếm lời và tránh các đợt cao điểm truy quét. Tháng 9/2018, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện, thu giữ hơn nửa tấn pháo lậu. Tổ công tác của Đồn Biên phòng Bắc Xa, Lạng Sơn trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực thôn Bản Mạ, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, phát hiện một chiếc xe tải có biểu hiện nghi vấn nên đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện và thu giữ 20 thùng pháo hoa phụt nổ 36 lỗ/giàn, 3 thùng pháo trứng gồm 1.296 quả, tổng trọng lượng pháo nổ là 570kg. Đối tượng khai nhận đã vượt biên sang Trung Quốc mua toàn bộ số pháo trên với giá 30 triệu đồng để vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời.
Vẫn khó xử lý
Trước đây, các loại pháo (pháo nổ, pháo hoa...) thuộc danh mục hàng cấm, người nào tàng trữ, buôn bán, sản xuất sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Tuy nhiên, khi Luật Đầu tư 2014 ra đời, có hiệu lực từ năm 2017 thì chỉ có “pháo nổ” mới thuộc danh mục hàng cấm, còn pháo hoa và các loại pháo khác không thuộc danh mục hàng cấm.
Sự thay đổi này khiến tình trạng bùng phát nhập lậu pháo hoa từ Trung Quốc vào nội địa ngày càng gia tăng và làm lực lượng chống buôn lậu ở các tỉnh biên giới gặp nhiều khó khăn. Đại diện lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phản ánh, 80% số lượng các loại pháo bắt được trong các vụ vận chuyển qua biên giới sau khi giám định là pháo hoa, chỉ có 20% là pháo nổ. Điều đáng lưu ý, nhiều loại pháo hoa có mức độ nguy hiểm giống như pháo nổ nhưng lực lượng chức năng chỉ có thể tịch thu hàng hóa và xử phạt hành chính.
Các lực lượng truy quét pháo lậu tỏ ra lo ngại tình hình buôn lậu mặt hàng này sẽ thêm phức tạp, nhất là dịp cuối năm, nếu không sớm có hình thức xử lý nghiêm khắc. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, đưa loại pháo hoa khi đốt có phát ra tiếng nổ, màu sắc, ánh sáng (gồm pháo hoa, pháo hoa đơn, pháo hoa kép…) vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh như các văn bản quy định trước đây để có chế tài đủ mạnh phục vụ công tác đấu tranh, xử lý, truy tố có hiệu quả, không để tình hình diễn biến phức tạp.
Theo thông lệ, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu pháo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ các ngành chức năng và đặc biệt là người dân cần có trách nhiệm hơn trong việc tố giác tội phạm.