Liên tiếp triệt phá các đường dây sản xuất bằng giả cực lớn

08-06-2018 10:03 | Pháp luật
google news

SKĐS - Công an TP. HCM vừa triệt phá đường dây sản xuất bằng giả quy mô cực lớn. Thêm một lần vấn nạn bằng giả lại được nhắc tới; thêm một lần đạo đức của người sử dụng bằng giả và trách nhiệm của các cơ quan quản lý lại được đặt ra. Biện pháp nào để ngăn chặn bằng giả - tác nhân nguy hiểm tạo ra những giá trị ảo trong xã hội.

Sản xuất bằng giả, cam kết nếu bị phát hiện sẽ trả lại tiền

Ngày 7/6, Đội Phòng chống trộm cắp, lừa đảo (Đội 4), Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP.HCM cho biết, vừa triệt phá thành công một đường dây sản xuất giấy tờ giả với số lượng cực lớn. Nhóm đối tượng bị bắt giữ gồm: Lương Ngọc Định (SN 1988, là người cầm đầu), Lê Ngọc Hạnh (SN 1996) và Nguyễn Văn Thắng (SN 1996, cùng ngụ tỉnh Thanh Hóa). Cụ thể, sau khi củng cố hồ sơ, cuối tháng 5/2018, các trinh sát đã ập vào một điểm bán vé máy bay ở đường Dương Công Khi, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM bắt giữ 3 đối tượng trên. Tang vật thu giữ gồm: 1.600 con dấu của các cơ quan, tổ chức; hơn 10.000 phôi bằng chứng chỉ các loại cùng nhiều máy in, máy dập….

Bước đầu, các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, đường dây của Định hoạt động khoảng từ đầu năm 2018 và đặt cơ sở sản xuất trong một điểm bán vé máy bay khang trang. Để giúp sức và tránh bị phát hiện, Định không thuê người ngoài mà chỉ thuê anh em họ hàng để làm việc cho mình và trả công rất hậu hĩnh để đổi lấy lòng trung thành. Nhóm đối tượng này chủ yếu giao dịch qua điện thoại. Khi khách hàng có nhu cầu, chúng sẽ giao hàng qua các dịch vụ chuyển phát nhanh chứ ít khi xuất đầu lộ diện. Đặc biệt, công nghệ làm giả của các đối tượng này cực kỳ tinh vi và cam kết nếu bị phát hiện sẽ trả lại tiền. Với các loại bằng đại học, kỹ sư, bác sĩ… chúng sẽ bán với giá từ 4-4,5 triệu đồng/bằng. Với các loại chứng chỉ thì giá rẻ hơn khoảng 1 triệu đồng so với bằng đại học.

Liên tiếp triệt phá các đường dây sản xuất bằng giả cực lớnCác đối tượng trong đường dây sản xuất bằng giả quy mô lớn bị PC45 - Công an TP. HCM triệt phá.

Trước đó, vào giữa tháng 4/2018, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã bắt giữ hai đối tượng, gồm: Phạm Công Duy (28 tuổi, trú tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) và Cấn Văn Tuấn (23 tuổi, trú tại thôn 2, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Ngay sau khi bắt giữ Tuấn, lực lượng chức năng đã đồng loạt tổ chức bắt và khám xét Phòng 1709, Khu CT36 phường Định Công và Phòng 3906, Tòa HH1A (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), là những địa điểm Duy thuê nhà để sinh sống và phục vụ cho việc làm các văn bằng, chứng chỉ giả. Vào thời điểm kiểm tra, cơ quan công an thu giữ tang vật, gồm: hai bộ máy tính, một máy scan quét ảnh, máy ép lọc, dụng cụ dập dấu nổi, hàng nghìn mẫu phôi cùng nhiều công cụ, phương tiện khác để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan công an đã làm rõ Duy bán cho Tuấn với giá 800 nghìn đồng/văn bằng, chứng chỉ giả. Trung bình mỗi tháng, Duy thu lời khoảng 100 triệu đồng. Qua kiểm tra máy tính và điện thoại của đối tượng sau khi bắt giữ, cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn giao dịch.

Cần thiết việc xử lý hình sự người sử dụng bằng giả

Liên quan đến thực trạng sản xuất và sử dụng bằng giả, theo luật sư Hoàng Cao Sang - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật cho biết, lẽ thường là có cầu ắt sẽ có cung. Ngay cả chuyện bằng giả, có người cần ắt có người bán mặc dù pháp luật cấm. Gần đây chúng ta đã đưa ra ánh sáng nhiều đường dây làm và cung cấp bằng giả, xử lý hành chính nhiều cán bộ, công chức dùng bằng giả. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự vẫn chỉ nhằm vào người cung cấp bằng giả. Xử lý hình sự người cung cấp là đúng nhưng không xử lý hình sự người sử dụng thì chẳng khác nào chỉ xử lý phần ngọn của vấn đề.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 267 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009, “người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Như vậy, tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức không chỉ nhằm trừng phạt, răn đe những người làm giả cung cấp con dấu, tài liệu giấy tờ mà xử lý hình sự cả những người sử dụng con dấu, tài liệu giấy tờ làm giả để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đáng tiếc quy định của pháp luật khá rõ ràng như vậy nhưng nhiều vụ việc mới chỉ đưa những người trực tiếp cung cấp làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ giả ra xử lý hình sự mà chưa xử lý hình sự những người sử dụng bằng giả.

Thực ra, những người sử dụng mới là người chủ động yêu cầu, người biết được lợi ích của bản thân, thiệt hại cho xã hội trong việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó. Nếu chỉ xử lý nghiêm những người cung cấp, làm giả mà không xử lý những người sử dụng thì chưa xử lý được gốc rễ vấn đề.

Nếu xét về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì hành vi làm giả với hành vi sử dụng giấy tờ giả không khác nhau, thậm chí có trường hợp sử dụng bằng giả còn nghiêm trọng hơn làm ra bằng giả. Nếu một người dùng bằng giả để lừa dối cơ quan, tổ chức và trên thực tế đã lừa được, do dùng bằng giả mà từ một cán bộ bình thường được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức thì phải xử lý hình sự.


Thanh Quang
Ý kiến của bạn