Nhiều trẻ em đến Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê do tai nạn, thương tích, ngộ độc hóa chất.
Bé G.H (3 tuổi) chui vào gầm bàn gấp ở nhà ông bà chơi, trong lúc vui đùa sơ ý khiến ngực của bé H. bị kẹp giữa hai chân bàn gây ra chẹn vào ngực, không thở được. Khi bà của H. phát hiện ra thì bé đã tím tái, gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện để sơ cứu rồi chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh.
Tại bệnh viện tỉnh, trẻ trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, mạch bắt yếu, huyết áp thấp, hôn mê. Sau khi được sơ cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bé H. trong tình trạng suy hô hấp phải hỗ trợ thở bằng bóp bóng qua nội khí quản, hôn mê, huyết áp thấp.
Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, sử dụng thuốc trợ tim đảm bảo huyết áp ổn định tình trạng nguy hiểm ban đầu sau đó được đưa về Khoa Điều trị tích cực Nội khoa để thở máy và chăm sóc đặc biệt.
Tương tự, bệnh nhi thứ hai nhập viện cũng 3 tuổi, bị trâu nhà hàng xóm húc vào đầu trong lúc bé chạy đuổi theo trâu. Sau khi bị trâu húc, bé bị chảy nhiều máu và được gia đình đưa đi bệnh viện tuyến tỉnh cấp cứu.
Tại cơ sở y tế này ghi nhận bé bị lõm xương sọ và một phần tổ chức não bị lộ ra ngoài. Ngay lập tức trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong đêm ngày 18/1. Các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương xác định trẻ bị vết thương sọ não do trâu húc, được băng cầm máu và làm các xét nghiệm cấp, chuyển bệnh nhi phẫu thuật ngay sau khi bệnh nhi nhập viện khoảng 3 giờ đồng hồ.
Cũng nguy kịch tính mạng là bệnh nhi L.A (10 tuổi, trú tại Nghệ An), bố mẹ đi làm ăn xa, sống cùng với ông nội. Trưa 18/1, bé L.A cùng hai bé khác chơi trong vườn, thấy có ống nước màu đỏ nên bẻ ra uống.
Sau khoảng 30 phút, L.A thấy buồn nôn, lơ mơ, co giật. Bé được đưa đến bệnh viện huyện sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán, xác định bé L.A bị ngộ độc thuốc diệt chuột và được chuyển điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa., Do không có biện pháp điều trị đặc hiệu ngộ độc thuốc diệt chuột, trẻ tử vong sau gần 1 ngày vào viện dù đã được hỗ trợ tích cực chức năng các cơ quan.
BSCKII Nguyễn Tân Hùng – Phó trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Mỗi ngày Khoa Cấp cứu và Chống độc tiếp nhận khoảng 4-5 ca tai nạn thương tích ở trẻ với rất nhiều hình thái: chảy máu, vết thương ngoài da, bong gân, gãy xương, chấn thương các tạng, đuối nước, bỏng, , ngộ độc, hóc dị vật,.. Trong các dịp Tết Nguyên đán hàng năm thì số ca nhập viện vì tai nạn thương tích đều tăng cao hơn".
Cũng theo BS. Nguyễn Tân Hùng, nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ tăng cao trong dịp Tết là do bản thân trẻ hiếu động, chưa có phản xạ bảo vệ bản thân hoặc trẻ vị thành niên đang ở gia đoạn thích thể hiện cái tôi cá nhân. Đặc biệt với những trẻ sống ở thành phố, dịp tết về đón Tết cùng gia đình ở các vùng nông thôn có nhiều ao, hồ, cây cối,… trong khi đó người lớn nhiều khi vì bận rộn mà lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống đáng tiếc gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.
Những tai nạn thương tích trẻ thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán gồm: Ngộ độc thực phẩm; bỏng; té ngã và các tai nạn sinh hoạt trong gia đình; ngộ độc hóa chất, thuốc, độc chất; hóc dị vật; điện giật; đuối nước…
Mời xem thêm video:
Những bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp trong dịp Tết