Liên tiếp trẻ bị rắn độc cắn nguy kịch, bác sĩ khuyến cáo cách xử trí và cấp cứu kịp thời

12-08-2023 13:32 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Những ngày vừa qua mưa nhiều nên liên tiếp trẻ bị rắn độc cắn nguy kịch. Điều đáng nói, nhiều gia đình bệnh nhân chủ quan áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn, cho đến khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, xuất huyết nặng… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế.

Biểu hiện khi bị rắn độc cắnBiểu hiện khi bị rắn độc cắn

SKĐS - Tùy loại rắn cắn mà nạn nhân có những biểu hiện đặc trưng. Vết cắn do nhóm rắn hổ: tại vết cắn nạn nhân bị đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc)

Sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân bị rắn cắn là áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, xuất huyết nặng… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế. Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử chi thể, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.

Cảnh báo nguy cơ bị rắn cắn khi trời mưa nhiều

Theo các chuyên gia y tế, rắn độc cắn xảy ra nhiều trong mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Ở nước ta loại rắn độc chủ yếu là rắn hổ mang thường, rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong cạp nia, rắn lục nưa (còn gọi là rắn chàm vạp) và rắn lục đuôi đỏ… thường sinh sống tại vùng núi, nương rẫy. Khị bị rắn độc cắn sẽ nguy hiểm đến tính mạng và tổn hại sức khỏe về lâu dài nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên phát quang bụi rậm, hạn chế đi lại vào ban đêm ở những vùng đồi núi, nơi ẩm thấp, nhất là thời điểm sau khi mưa.

Liên tiếp trẻ bị rắn độc cắn nguy kịch, bác sĩ khuyến cáo cần được xử trí và cấp cứu kịp thời - Ảnh 2.

Ở nước ta loại rắn độc chủ yếu là rắn hổ mang thường, rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong cạp nia.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong hai tuần trở lại đây bệnh viện đã tiếp nhận 03 bệnh nhi bị rắn độc cắn nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhi đầu tiên là bé trai V.T (28 tháng tuổi, ở Tuyên Quang), theo lời kể của gia đình, lúc trẻ đang nằm ngủ dưới nền nhà thì bị rắn cắn vào vị trí ngón cái bàn chân trái. Sau khi bị cắn, bệnh nhi đau và quấy khóc, gia đình phát hiện 1 con rắn trong gầm giường gần đó và đã đánh chết rắn (không lưu lại hình ảnh). Biết đây là rắn độc, gia đình đã đưa bệnh nhi đến nhà một thầy lang lấy thuốc về đắp. Sau 1 ngày đắp thuốc, bàn chân bệnh nhi xuất hiện sưng nề, hoại tử lan lên tới đùi, co giật toàn thân, tới lúc này gia đình mới hốt hoảng đưa trẻ đi bệnh viện cấp cứu.

Bệnh nhi N.H (3 tuổi, ở Nghệ An) bị cắn vào vùng cánh tay phải bởi 1 loại rắn sọc đen sọc trắng khi đang ngủ dưới nền nhà (không mắc màn và vẫn thắp đèn ngủ). Ngay lập tức, gia đình đưa trẻ đến nhà thầy lang tại địa phương để chữa trị. Tuy nhiên, trong 1giờ đắp thuốc lá, gia đình nhận thấy trẻ rơi vào tình trạng sụp mi, giãn đồng tử 2 bên, nói khó, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp tiến triển. Trẻ nhanh chóng được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Gần đây nhất, trưa ngày 01/8/2023, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai Q.H (13 tuổi, ở Thái Nguyên) bị rắn lục cắn khi cháu đang đi lao động. Sau khi phát hiện, gia đình đã đưa bệnh nhi đến bệnh viện địa phương sơ cấp cứu và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Gia Lai, theo bác sĩ Nguyễn Công Huấn, trưởng kíp trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, nửa tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân nhập viện vì rắn cắn.

"Nửa tháng qua, chúng tôi tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân bị rắn cắn. Đa số ca bệnh là nông dân, người làm vườn, đi rẫy bị rắn cắn. Có trường hợp đang ngủ ở nhà, bị rắn bò vào cắn hoặc rắn núp dưới tủ lạnh, thò ra ngoài cắn người", bác sĩ Huấn cho biết.

Liên tiếp trẻ bị rắn độc cắn nguy kịch, bác sĩ khuyến cáo cần được xử trí và cấp cứu kịp thời - Ảnh 3.

Các bác sĩ Khoa Chỉnh BV Nhi Trung ương hình tiến hành phẫu thuật mở cân để giải phóng chèn ép khoang tại vị trí chân trái của trẻ bị rắn độc cắn.

Cách sơ cứu và phòng ngừa rắn cắn cho trẻ

Theo ThS.BS Trần Thị Mỹ Hạnh - Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn cần thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách như sau:

- Động viên, trấn an, để bệnh nhi nằm yên. Đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.

- Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.

- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị rắn cắn.

- Băng ép tại chỗ bị cắn lên tới gốc chi, băng tương đối chặt nhưng vẫn còn sờ thấy mạch đập, không garô động mạch.

- Dùng nẹp cứng để cố định chi.

- Duy trì băng ép, bất động chi và vận chuyển kịp thời người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Cung cấp hình dạng, màu sắc hoặc ảnh chụp con rắn cho bác sĩ để dễ dàng nhận biết loại rắn, nhằm có biện pháp cấp cứu kịp thời.

Đặc biệt, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn. Trích, rạch, nặn, bóp tại vùng vết cắn. Không loay hoay tìm kiếm và áp dụng các kinh nghiệm dân gian hoặc thầy lang để sơ cứu.

Để phòng rắn độc cắn, cha mẹ cần chú ý đến trẻ, nhất là thời gian trẻ còn nghỉ hè chưa phải đến trường.

- Tránh tới những nơi có thể có rắn như những khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm, hang có nhiều gạch đá, khu vực gần chuồng gia cầm.

- Khi đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô, nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày. Tránh ra vườn sau khi mưa rào và lúc trời tối.

- Không cho trẻ nằm ngủ dưới nền nhà.

- Nếu thấy rắn trong tự nhiên, nên để rắn tự đi. Tránh bắt hay chọc phá rắn.

Mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển và cũng là thời điểm số bệnh nhi bị rắn cắn có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tại các địa phương gần vùng sông nước, đồi núi. Các bệnh nhân thường bị rắn cắn trong hoàn cảnh nằm ngủ trên nền nhà, sinh hoạt gần cánh đồng hoặc các nơi có gia cầm…

Theo BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm - Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bị rắn độc cắn, người bệnh thường thấy đau buốt tại chỗ cắn, thấy dấu răng sâu, vết thương chảy máu khó cầm, vùng bị cắn sưng nề, nổi phỏng nước, hoại tử lan dần, có thể có các dấu hiệu toàn thân như nhìn mờ, sụp mi, đau rát họng, nói khó, nuốt sặc, liệt cơ tiến triển lan xuống tứ chi, thậm chí co giật, hôn mê. "Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử chi thể, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, thậm chí tử vong" – BSCKII Phạm Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Khi bị rắn cắn cần chú ý:

Không mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc.

Không đợi ở nhà và chờ khi có các biểu hiện nhiễm độc rõ mới đến bệnh viện, vì sẽ muộn và mất cơ hội cứu chữa tại bệnh viện.

Không chích rạch vết cắn nếu rắn lục cắn, vì có thể gây chảy máu khó cầm ở vết rạch.

Không làm các biện pháp khác, như: Chườm đá, gây điện giật…

Kỹ thuật băng ép bất động sơ cứu rắn cắn:

Dùng băng rộng khoảng 5 - 10 cm, có thể băng chun, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Cởi đồ trang sức ở vùng bị cắn vì dễ gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.

Không cố cởi quần áo vì dễ làm vùng bị cắn cử động, có thể băng đè lên quần áo.


Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-



Đăng Anh
Ý kiến của bạn