Liên tiếp tai nạn lao động thương tâm: Quy định chặt chẽ, buông lỏng thực hiện

11-05-2024 10:24 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai, vụ tai nạn lao động tại nhà máy xi măng Yên Bái làm nhiều người thiệt mạng..., chuyên gia cho rằng, người sử dụng lao động cần phải thực sự coi công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là điều kiện tiên quyết trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Báo Sức khỏe & Đời sống đã phỏng vấn TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về nguyên nhân và giải pháp đảm bảo an toàn lao động.

- Thưa ông, trong ít ngày vừa qua đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại Yên Bái và Đồng Nai, làm 13 người tử vong. Điều đó cho thấy công tác an toàn vệ sinh lao động đã ở mức báo động. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS Nguyễn Anh Thơ: Qua hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở Yên Bái và Đồng Nai, có thể thấy nhiều quy định về an toàn, vệ sinh lao động theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được chấp hành. Các quy trình làm việc, phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp không được triển khai; việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, đặc biệt là máy, thiết bị, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động chưa được thực hiện một cách đầy đủ theo đúng yêu cầu.

Điều đó cho thấy doanh nghiệp chưa thực sự tuân thủ các quy định pháp luật, chưa thực hiện hết trách nhiệm về đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc.

Qua thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023 và khoảng 10 năm qua cho thấy, số vụ, số người chết và mức độ nghiêm trọng của từng vụ tai nạn lao động cũng đã được kiềm chế ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, con số thống kê chưa nói lên hết thực tế. Những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng gần đây tại Yên Bái, Đồng Nai và vụ 5 người chết, 66 người bị bệnh bụi phổi silic tại Nghệ An đã cho chúng ta thấy nhiều tín hiệu rõ rệt về nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến tại nhiều lĩnh vực, ngành sản xuất, khu công nghiệp không chỉ ở mức độ tiềm ẩn mà đã chuyển sang nguy cơ thường trực.

Liên tiếp tai nạn lao động thương tâm: Quy định chặt chẽ, buông lỏng thực hiện- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Anh Thơ (người mặc áo xanh) thứ 3 từ phải sang có mặt tại hiện trường vụ nổ lò hơi Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh, Đồng Nai ngày 2/5. Ảnh: NVCC

- Sau các vụ tai nạn lao động ông đều là người có mặt trực tiếp tại hiện trường, một cảm giác đau xót và thương tâm chắc chắn hiện diện ở ông. Là người từng là quản lý, bây giờ là lãnh đạo cơ quan nghiên cứu về An toàn vệ sinh lao động, theo ông, cần làm gì để chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động quan tâm hơn nữa đến an toàn vệ sinh lao động?

TS. Nguyễn Anh Thơ: Nhiều năm thực hiện trách nhiệm tại cơ quan quản lý và gần đây ở cơ quan nghiên cứu, tôi được phân công tham gia chỉ đạo, phối hợp khắc phục các sự cố tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đến hiện trường, tận mắt chứng kiến mất mát của cá nhân người lao động, thân nhân của họ, tổn thất của doanh nghiệp và địa phương, thật sự rất buồn.

Có công nhân là lao động chính của gia đình mất đi vì tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để lại gia đình hoàn cảnh éo le gồm bà nội, mẹ, vợ và 4 con nhỏ mồ côi, những người ở lại đều không có thu nhập.

Hoặc tại Công ty TNHH Châu Tiến, Nghệ An đã có hàng chục người lao động bị mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, hiện tại sức khỏe đang kém dần mà không có cách gì để hồi phục, người lao động và gia đình họ phải sống trong đau ốm, khổ cực.

Điều đó cho ta thấy nỗi đau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tác động rất lớn đến gia đình người lao động, địa phương, doanh nghiệp và an sinh toàn xã hội.

Sau các vụ tai nạn lao động, đã đến lúc người sử dụng lao động cần thực sự phải coi công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là điều kiện tiên quyết trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Họ hãy đặt người lao động vào vị trí là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, là điều kiện cần thiết và nền tảng cơ bản cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng cho người lao động cũng là sứ mệnh của một doanh nhân, mang lại điều nhân văn và giá trị cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng, gieo trồng những giá trị tốt đẹp cho sự thịnh vượng của gia đình, gia tộc và hạnh phúc của chính từng thành viên trong đại gia đình các doanh nhân. Đó cũng chính là văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn, điều mà Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới.

- Trở lại vụ tai nạn tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh, Đồng Nai, quy trình về sử dụng lò hơi bị xem nhẹ, cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, siết chặt lại về an toàn lò hơi như thế nào và qua đó chúng ta rút ra bài học gì?

TS. Nguyễn Anh Thơ: Ngày 1/5/2024, vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng do nổ lò hơi tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) khiến 6 công nhân thiệt mạng và 5 người khác bị thương rất nặng phải nhập viện.

Qua khảo sát hiện trường vụ việc, cũng như trên cơ sở quy định quản lý, có thể thấy việc chế tạo, sử dụng, quản lý, vận hành, sửa chữa bảo dưỡng nồi hơi, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động bị buông lỏng.

Dù vấn đề này đã có hẳn các quy định rất chặt chẽ, đầy đủ trong Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định của Chính phủ, đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được ban hành, nhưng có vẻ như những quy định chặt chẽ đó chưa được thực thi nghiêm túc, đầy đủ tại công ty này.

Do đó, việc cấp thiết hiện nay, chính là các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng nồi hơi nói riêng và thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nói chung cần tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật, nếu năng lực không có khả năng thực hiện thì cần có sự tư vấn từ các đơn vị, tổ chức dịch vụ kỹ thuật về an toàn. Cơ quan quản lý nhà nước cần có chỉ đạo ngay việc các cơ sở đang sử dụng các thiết bị này phải tiến hành rà soát, tự kiểm tra.

Theo tôi, nên có chương trình, dự án hỗ trợ về tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, song song với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, thắt chặt quản lý các thiết bị này từ khâu chế tạo, chuyển giao đến bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định, vận hành.

Doanh nghiệp và cơ quan quản lý các cấp cần coi vụ tai nạn này là bài học đau xót nhất để có những hành động thực chất, cụ thể, hiệu quả đúng như tinh thần của "Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động" được Ban chỉ đạo Trung ương phát động cùng với "Tháng công nhân" hàng năm.

- Chủ đề của Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 là "Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng", qua 2 vụ tai nạn lao động gần nhất cho thấy an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc không bao giờ hết nóng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng từ người lao động. Theo ông, người lao động sẽ phải tự bảo vệ mình như thế nào tại nơi làm việc?

TS. Nguyễn Anh Thơ: Trong các văn bản nói về an toàn vệ sinh lao động của Đảng, Nhà nước ta, đều yêu cầu người lao động: "Tự giác thực hiện các quy trình, quy phạm an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp và nêu cao ý thức tự bảo vệ mình".

Vì thế, từ góc độ cán bộ công đoàn, chúng tôi luôn mong muốn người lao động, trước khi làm việc, hãy luôn nhớ rằng mình có một gia đình phía sau, có những người thân yêu nhất đang ở nhà, là những người bố, người mẹ cần chăm sóc khi về già, là những đứa con cần tiền đi học, cần những bữa cơm no, là những người vợ, người chồng cần một nửa yêu thương để chia sẻ trong hành trình còn lại của cuộc đời họ.

Người lao động, hãy làm việc có năng suất, trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe của mình và đồng nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!


Anh Văn (thực hiện)
Ý kiến của bạn