Liên tiếp nhiều vụ tai nạn đường sắt: Hệ quả của cách làm và “tư duy 0.4”

06-06-2018 06:30 | Xã hội

SKĐS - Những vụ tai nạn đường sắt liên tiếp trong thời gian gần đây đã cho thấy một sự thật khác. Ngoài việc gây ám ảnh cho người đi tàu với những toa tàu cũ kỹ, những nhà vệ sinh hôi hám, hằng ngày “lặc lè” từ Bắc vào Nam với những tiếng kim loại rít lên ghê rợn, tra tấn hành khách suốt chặng hành trình và lừ đừ theo phong cách “không đi đâu mà vội”.

Câu hỏi đặt ra là sau hàng chục năm qua, ngành đường sắt được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng và đã thay đổi được gì?

Trưa 2/6, tàu chở hàng mang số hiệu 9320 chạy hướng Vinh - Hà Nội khi đến đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt tại Km 254 030 trên đường sắt Bắc - Nam thuộc địa phận xóm 7, xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu (Nghệ An) thì đâm ngang xe tải chở đá. Đầu máy tàu hỏa bị đâm trật khỏi đường ray. Chiếc xe tải thì bị hư hỏng phần đầu và văng khỏi đường sắt hơn 15m. Thông tin về vụ việc tàu đâm xe tải này sẽ không mấy được chú ý nếu như không phải đây là vụ tai nạn đường sắt thứ 5 trong vòng 2 tuần qua.

Ngành đường sắt lạc hậu đang đòi hỏi ở đội ngũ lãnh đạo một tư duy khác.

Ngành đường sắt lạc hậu đang đòi hỏi ở đội ngũ lãnh đạo một tư duy khác.

Ở đây sẽ không bàn về nguyên nhân của những vụ tai nạn đường sắt bởi người ta đã quá chán ngán với cái “thường lệ” mọi tai nạn đường sắt luôn là lỗi tại người điều khiển phương tiện khi qua các rào chắn. Từ lâu đã trở thành luật “bất thành văn”, tàu hỏa không bao giờ có lỗi. Lỗi kiểu gì cũng nằm ở người phóng qua thiếu quan sát, người chủ quan không nghe còi tàu, đôi khi lỗi ở người gác chắn… ngủ quên hoặc lỗi tại cái… barie.

Mà điều ít người nhắc tới, là làm sao để chúng ta có một hệ thống đường sắt hiện đại, trải dài mọi miền đất nước, thay thế cho hàng trăm ngàn cái xe ôtô đang luôn trong tình trạng quá tải và đặc biệt là xóa bỏ gần 6 ngàn cái điểm đen (đường ngang) có thể gây thảm họa bất cứ lúc nào kia.

Lâu nay, đường sắt được coi là phương tiện an toàn nhất trong các “vật chuyển động” trên đường, tính theo tỷ lệ tai nạn và thương vong của hành khách. Cho nên những vụ tai nạn đường sắt liên tiếp trong thời gian gần đây đã cho thấy một sự thật khác, đã khiến người dân và đặc biệt là những lãnh đạo ngành đường sắt cần suy nghĩ với một tư duy khác. Sự thật là hệ thống đường sắt của nước ta đã quá mức lạc hậu, quá mức “cổ điển” so với đòi hỏi của sự phát triển.

Những vụ tai nạn đường sắt liên tiếp trong thời gian gần đây đã cho thấy một sự thật khác. Ngoài việc gây ám ảnh cho người đi tàu với những toa tàu cũ kỹ, những nhà vệ sinh hôi hám, hàng ngày “lặc lè” từ Bắc vào Nam với những tiếng kim loại rít lên ghê rợn, tra tấn hành khách suốt chặng hành trình và lừ đừ lăn bánh. Sau hàng chục năm qua, ngành đường sắt Việt Nam được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, vậy đã có gì đổi khác so với xưa kia?

Gần đây, một vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu một câu nói khá ấn tượng, đại khái rằng: “Nếu không tư duy đúng về vấn đề, thì không thể có cách giải quyết vấn đề đúng đắn”. Câu nói này vị đại biểu nói về lĩnh vực khác, tuy nhiên lại cũng rất đúng trong mọi trường hợp, cụ thể ở đây là toàn bộ hệ thống đường sắt “công nghệ 0.4” của ta hiện nay.

Những vị lãnh đạo ngành đường sắt và cả ngành đường bộ nói chung, cần suy nghĩ theo một tư duy làm sao để cánh lái xe, người dân không còn phải nơm nớp quan sát mỗi khi qua đường ngang. Dẫu cho có là người không giỏi về toán học cũng có thể làm phép tính xác suất với 6.000 điểm giao cắt và mỗi ngày chỉ cần ít nhất 5 chuyến tàu, vậy là sẽ có tới 30.000 lượt có thể xảy ra xác suất của tai nạn. Mỗi lượt lại có ít nhất hàng chục xe đi qua lại lúc tàu hỏa qua, vậy ai dám đảm bảo cả hàng trăm ngàn tài xế hoặc người dân luôn đủ quan sát, luôn đủ cẩn thận và thậm chí cả… may mắn để đi trót lọt qua các điểm đen ấy.

Về nguyên tắc, một sự kiện không thể xảy ra nếu không có căn nguyên để xảy ra. Sẽ ra sao nếu không còn các đường ngang? Tại sao không phải là rào chắn các đường ngang nhỏ, rồi gom vào mở những đường điểm giao cắt lớn và thay vào đó là những cầu vượt hoặc hầm chui để đảm bảo không có sự giao nhau trực tiếp giữa đoàn tàu và các phương tiện khác?!

Đó chỉ là một gợi ý chủ quan, còn có lẽ câu trả lời đầy đủ là của những người trực tiếp lãnh đạo ngành đường sắt và giao thông. Tuy nhiên, việc “cách ly” các đoàn tàu với toàn bộ các phương tiện ở các đường ngang không phải là việc không thực tế. Trở lại vấn đề, thực trạng cấp bách đang đòi hỏi ngành đường sắt và đường bộ, một cách tư duy đúng đắn của những lãnh đạo ngành, một tư duy ở tầm rộng hơn, cao hơn mới có thể giải quyết tận gốc những tai nạn đường sắt. Thay vì việc lo đối phó với hàng trăm ngàn cái sự “thiếu quan sát” mỗi ngày kia.


Bình An
Ý kiến của bạn