Liên tiếp động đất mạnh ở Kon Tum, sẽ tập huấn kỹ năng ứng phó cho người dân

01-09-2022 15:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Trận động đất 4.1 độ Richter vừa xảy ra ở Kon Plông, tỉnh Kon Tum là trận động đất mạnh hiếm gặp tại đây, gây hoang mang lo lắng cho người dân vùng bị ảnh hưởng.

Đâu là nguyên nhân khiến Kon Tum gánh chịu 12 trận động đất trong 1 ngày?Đâu là nguyên nhân khiến Kon Tum gánh chịu 12 trận động đất trong 1 ngày?

SKĐS - Chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng đã có tới 12 trận động đất xảy ra ở Kon Tum, trong đó trận đầu tiên lên đến 4,7 độ richter gây rung lắc mạnh.

Liên tiếp các trận động đất mạnh

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi bản tin cảnh báo động đất ở Kon Plông, Kon Tum. Theo đó, vào hồi 14 giờ 03 phút 45 giây ngày 1/9, tại tọa độ 14.903N-108.221E, trận động đất có độ lớn 2.8, độ sâu khoảng 8.1km đã xảy ra tại Kon P lông, tỉnh Kon Tum.

Tiếp đó, vào 14 giờ 19 phút 44 giây, ngày 01/09/2022, trận động đất có độ lớn 3.9, độ sâu 8,1km xảy ra tại tọa độ 14.900N-108.230E thuộc Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Đáng chú ý, trận động đất có cường độ mạnh vừa xảy ra trước đó chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Cụ thể, vào hồi 13 giờ 39 phút 43 giây ngày 1/9/2022, một trận động đất có độ lớn 4.1 đã xảy ra ở tọa độ 14.916N-108.235E, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km thuộc khu vực Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Liên tiếp động đất mạnh ở Kon Tum, sẽ tập huấn kỹ năng ứng phó cho người dân - Ảnh 2.

Vị trí xảy ra trận động đất mạnh 4.1 độ chiều nay ở Kon Tum.

Sáng nay, tại khu vực này cũng đã xảy ra động đất. Cụ thể vào hồi 09 giờ 13  phút 38  giây (giờ Hà Nội) ngày 01/09/2022  một trận động đất có độ lớn  2.7  xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.863  độ vĩ Bắc, 108.225  độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8  km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Hôm qua (31/8), tại đây cũng xảy ra liên tiếp 2 trận động đất có độ lớn lần lượt là 2.6 và 2.5. Liên tiếp các ngày trước đó đều lẻ tẻ xảy ra các trận động đất tại khu vực này. 

Đáng lưu ý, trận động đất vào chiều 23/8, trận động đất có độ lớn 4.7 độ xảy ra ở Kon Plông, Kon Tum là trận động đất lớn nhất trong vòng 100 năm qua ghi nhận được tại đây.

Theo số liệu thống kê của Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Kon Tum trong hơn chuỗi hàng trăm trận động đất tính từ tháng 4/2021 đến nay, cũng là trận động đất mạnh nhất trong hơn một thế kỷ qua ở khu vực này. Trước đó, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.5 xảy ra ngày 18/4, gây rung chấn mạnh cho Kon Plông và khu vực lân cận.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết trong vòng khoảng hơn 100 năm, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra một loạt trận động đất với khoảng gần 200 trận mới. Tần suất các trận động đất có độ lớn cao tăng lên đột biến là điều phải nghiên cứu.

Nhận định bước đầu là động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện. Hiện vẫn cần tiếp tục quan trắc hoạt động động đất, nghiên cứu các mạng trạm để đánh giá chi tiết, xem xét các đứt gãy ở khu vực cũng như vấn đề tích nước.

Sẽ có thêm 6 trạm quan trắc động đất trong tháng 9

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Viện Vật lý địa đầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã và đang triển khai một số hoạt động cụ thể ứng phó với động đất khu vực Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Về quan trắc động đất, ngoài mạng trạm quốc gia, Viện Vật lý địa cầu đang triển khai bổ sung mạng trạm quan trắc địa phương để đảm bảo tốt hơn việc quan trắc động đất tại khu vực. Trong đó, hiện đã có 3 trạm hoạt động, dự kiến đến 30/9/2022 sẽ có 6 trạm hoạt động.

Về công tác thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận, trong tháng 6/2022, Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thành đầy đủ các tài liệu phục vụ 05 hội thảo tuyên truyền (bao gồm: sách giấy, tờ gấp, tờ rơi) và USB, sao chép video hướng dẫn kỹ năng ứng phó giảm thiểu rủi ro do động đất gây ra. Hiện đang phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum thống nhất lịch cụ thể để triển khai đến người dân.

"Chính quyền địa phương cần tuyên truyền cho người dân, nâng cao hiểu biết và học cách ứng phó để chủ động và không sợ hãi, hoang mang. Phía Viện Vật lý địa cầu sẽ phối hợp tổ chức lớp tập huấn, kỹ năng ứng phó ở những vùng thường xuyên xảy ra", TS Nguyễn Xuân Anh cho biết.

Viện Vật lý địa cầu đã trình Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất thực hiện đề tài "Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra" với mục tiêu chính là làm rõ đặc điểm địa chấn kiến tạo và mối quan hệ giữa hoạt động động đất và việc tích nước các hồ chứa lớn khu vực Kon Tum và lân cận; đánh giá được độ nguy hiểm động đất khu vực Kon Tum và lân cận; và dự báo được xu thế phát triển động đất kích thích và đề xuất các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ hậu quả thiên tai động đất cho khu vực Kon Tum.

Lại động đất 3.3 độ richter gây rung lắc ở Kon Tum, chuyên gia cảnh báo thế nào?Lại động đất 3.3 độ richter gây rung lắc ở Kon Tum, chuyên gia cảnh báo thế nào?

SKĐS - Trận động đất có độ lớn 3.3 vừa xảy ra ở Kon Tum sáng nay gây rung lắc nhẹ cho khu vực này. Chuyên gia dự báo động đất vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trung Bình Việt Nam Có 1 Người Tử Vong Vì Covid-19/Ngày, Nguyên Nhân Là Gì? | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn