Hà Nội

Liên tiếp các vụ thảm án, vì sao?

18-09-2019 14:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ đầu tháng 9 đến nay, hàng loạt các vụ thảm án liên tiếp xảy ra gây bàng hoàng trong dư luận.

Vì sao những người thân thuộc, gắn bó trong mối quan hệ ruột thịt lại có thể đang tâm xuống tay giết hại chính người thân của mình. Phải chăng, cuộc sống thay đổi, những giá trị đảo lộn làm cho các vụ thảm án thương tâm nguyên nhân từ sự đổ vỡ cấu trúc gia đình.

Bàng hoàng...

Sau vụ án Nguyễn Văn Đông sát hại cả nhà người em ruột tại huyện Đan Phượng - Hà Nội, một trong những vấn đề dễ dàng nhận thấy, đó là ngày càng có nhiều án mạng do chính người thân trong gia đình gây ra. Và đâu là nguyên nhân của những thảm án ấy?

Thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp người thân sát hại lẫn nhau đều do những mâu thuẫn tích tụ lâu ngày. Không bàn tới những vụ án mà đối tượng chuyên nghiệp gây ra, bởi cứ 100 người phạm tội thì có tới 70 người không phải là các đối tượng hình sự, thì các thảm án đều mang yếu tố dồn nén.

Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường sau vụ thảm án ở Đan Phượng.

Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường sau vụ thảm án ở Đan Phượng.

“Bàng hoàng”, “đau xót” là những cụm từ được nói thường xuyên sau những vụ thảm án xảy ra. Những tội ác “không thể nào tin được”, vô cùng khó hiểu khi người anh vốn dĩ hiền lành lại có thể cầm dao đoạt mạng của chính em gái mình xảy ra tại TP. Thái Nguyên. 18 giờ ngày 14/9/2019, Bùi Xuân Hồng đến nhà em gái là bà Bùi Thị Hà (sinh năm 1959), ở tổ 14, phường Chùa Hang để giải quyết mâu thuẫn về việc gia đình bà Hà vay tiền của Hồng. Trước khi đi, đối tượng này mang theo 1 con dao nhọn, 1 chai xăng và 1 khẩu súng có 3 viên đạn bên trong. Tại nhà bà Hà, Hồng đã dùng con dao mang theo đâm trọng thương 3 người trong gia đình em gái gồm: Bà Bùi Thị Hà, ông Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1954) là chồng của bà Hà và anh Nguyễn Thành Vương (sinh năm 1981) là con rể của vợ chồng bà Hà. Hậu quả khiến cả 3 người phải đi cấp cứu, bà Hà do bị thương quá nặng nên đã tử vong. Theo tin mới nhất, ông Thành chồng của bà Hà cũng đã tử vong tại bệnh viện do vết đâm quá nặng.

Theo một nghiên cứu thì có tới 15% số vụ giết người là do người thân gây ra. Nếu cứ xét trong số liệu mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 vụ án hình sự, thì số vụ xảy ra trong cùng gia đình là 6.000. Một con số rất lớn tổng hợp một loạt những vụ trọng án con giết cha mẹ, anh em, vợ chồng sát hại lẫn nhau.

Giá trị của đạo đức gia đình

Cuộc sống ngày nay, với sự tác động dữ dội của nền kinh tế thị trường, đã khiến cho thước đo về giá trị thay đổi nhanh chóng. Những cốt lõi đạo đức, giá trị sống truyền thống đã bị đẩy lùi bởi tiền bạc. Nhiều người nhận thức rằng chỉ có tiền, nhiều tiền và rất nhiều tiền mới làm nên “giá trị” của họ.

Và mỗi người tìm cách phát tác khác nhau. Người muốn mình mạnh như hàng xóm nên dùng rượu để giải sầu, để kích động cái tôi cao lên theo độ cồn đổ vào người. Kẻ lại tìm cách “đập đá” để thấy sung sướng hạnh phúc một cách dễ dàng. Kẻ đánh đập vợ con để trút hận, để thấy mình “oách”.

Lại có người chỉ lành lành, hiền hiền ngẫm nghĩ thâu đêm suốt sáng. Lâu ngày, sự ghen ghét thành nỗi ám ảnh đến mất ăn mất ngủ, đến đau đầu, đau dạ dày... Nhiều người sa vào trầm cảm, vào hoang tưởng một cách bệnh hoạn. Khi đó, tội ác tày trời xảy ra...

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an lo lắng: Đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Đạo đức kéo theo sự vô cảm lớn dần trong mỗi cá nhân. Người ta không cảm thấy căm phẫn, ghét bỏ trước những cái xấu, cái tiêu cực và cũng không cảm thấy hứng thú, rung động trước những điều tốt đẹp trong xã hội một khi đạo đức xuống cấp. Cùng với đó, kẻ gây án thường hạn chế về mặt nhận thức, tâm lý coi thường pháp luật. Rất nhiều người trẻ bị ảnh hưởng vì họ là đối tượng rất dễ bị tổn thương, nhiễm nhanh những giá trị lệch chuẩn của xã hội.

Lý giải cho những tội ác trong gia đình hiện nay, các chuyên gia cho rằng sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình lỏng lẻo hơn. Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác. Đó là con người cùng một gia đình sống lạnh nhạt với nhau. Trên một nền như thế, nếu phát sinh mâu thuẫn. Họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.

Các chuyên gia tâm lý đã đưa ra biểu đồ diễn tiến tâm lý ức chế xoáy theo hình trôn ốc. Tâm đường xoáy chính là điểm cùng cực gây ra những hành động phạm tội. Chính vì vậy, không cho vòng xoáy ấy đi đến điểm cùng cực là việc cần ngăn chặn kịp thời. Điều đó cũng có nghĩa, những người thân trong gia đình cần quan tâm, không chỉ là biết, mà quan trọng là có những giải pháp để giải tỏa tâm lý bức xúc của các đối tượng.

Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng: Cần xử nghiêm tất cả hành vi vi phạm pháp luật, không có ngoại lệ, điều này sẽ tạo ra uy lực của pháp luật. Khi người dân cảm thấy pháp luật là phương tiện để bảo vệ mình thì họ sẽ tự nguyện chấp hành. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở cần làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, nắm bắt và giải quyết triệt để các mâu thuẫn khi vừa mới xuất hiện. Tội phạm không phải điều gì xa lạ, nó bước ra từ bất cứ ngôi nhà nào. Ngay từ cấp tổ dân phố phải làm tốt việc phòng ngừa.

Ngoài việc nâng cao cảnh giác, từng gia đình phải tăng cường các biện pháp giáo dục. Nhiều đối tượng dù am hiểu pháp luật nhưng vẫn hành động giết người man rợ. Vậy nên, chúng ta cần một giải pháp mang tính đột phá, đòi hỏi nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội, đặc biệt là từ giáo dục.


Diệu Hoa
Ý kiến của bạn