Liên tiếp các vụ tai biến tại các cơ sở thẩm mỹ: Vì đâu nên nỗi?

02-01-2020 14:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong nhiều số báo gần đây, báo SK&ĐS liên tục có bài viết về tình trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động vượt phạm vi chuyên môn, hoạt động không có giấy phép đã xảy ra nhiều ca tai biến, nhưng tình trạng coi thường tính mạng của chính bản thân người có nhu cầu làm đẹp vẫn không giảm.

Mới đây nhất, tại Hà Nội, lại xảy ra  khách hàng nam giới sau khi tiến hành làm đẹp tại một thẩm mỹ viện trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã bất ngờ tử vong.

Cụ thể, bước đầu, cơ quan chức năng xác định nạn nhân là nam giới, khoảng hơn 40 tuổi. Được biết hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Vẫn lại không phép

Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS, ông Nguyễn Quang Trung (Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế Hà Nội) vừa cho biết thẩm mỹ viện này hoạt động trái phép. Cơ sở này chỉ đăng ký hoạt động trong lĩnh vực phun xăm, thẩm mỹ, không phải phòng khám. “Sở Y tế Hà Nội không cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở này bởi theo Luật Khám chữa bệnh, cơ sở thẩm mỹ phun xăm không phải cấp giấy phép hoạt động, không có bác sĩ phụ trách chuyên môn mà chỉ có giấy phép kinh doanh (đăng ký tại quận). Theo luật, cơ sở này không được phép cung cấp các dịch vụ y tế”, ông Trung nói. Ngoài ra, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép cũng không được thực hiện kỹ thuật hút mỡ.

Thẩm mỹ viện Việt Hàn không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên nhận khách hàng.

Thẩm mỹ viện Việt Hàn không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên nhận khách hàng.

Hiện nay, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày một tăng lên, kèm theo đó là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và loại hình các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Hiện có hai loại hình thẩm mỹ là dịch vụ thẩm mỹ có phẫu thuật, thủ thuật và các dịch vụ thẩm mỹ không xâm lấn (không chảy máu).

Vì nhu cầu ngày càng lớn của xã hội cũng như những lợi nhuận do loại hình dịch vụ này mang lại, dẫn đến việc hiện nay có một bộ phận cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phẫu thuật, thủ thuật khi không đủ điều kiện và không được cấp giấy phép. Trong bối cảnh đó, yêu cầu phải có một cơ chế, kế hoạch quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ một cách toàn diện; công tác quản lý cần sự tham gia của nhiều tổ chức chính trị xã hội và cả người dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời tạo kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có 83 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế Hà Nội cấp phép. Các bệnh viện ngoài công lập được Bộ Y tế cấp phép có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ gồm 10 bệnh viện: BV Hồng Ngọc, BV Thu Cúc, BV Việt Pháp, BV Trí Đức, BV Vinmec, BV Đa khoa An Việt, BV ĐK quốc tế Bắc Hà, BVĐK Tư nhân Hà Thành, BV ĐK Tư nhân Hà Nội, BV Phương Đông.

Có một thực tế không thể phủ nhận, thời gian qua, các sự cố, tai biến y khoa đều xảy ra tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân. Thực tế cho thấy, đa số khách hàng lựa chọn làm đẹp tại các thẩm mỹ viện, bệnh viện thẩm mỹ tư nhân nhiều hơn các cơ sở y tế công lập. Theo BSCKII. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, hiện không có thống kê hay nghiên cứu nào chỉ ra thực trạng nhiều người “quay lưng” với phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện công. Tuy nhiên, ông thừa nhận các thẩm mỹ viện tư nhân vẫn thu hút được nhiều khách hàng hơn so với bệnh viện công. Đó là do các yếu tố như đảm bảo sự riêng tư, nhanh gọn, tiện lợi, có thể trả giá, cơ sở sạch sẽ, khang trang.

Theo một chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tư thường rất tích cực quảng cáo để bán dịch vụ của mình. Về điểm này, các cơ sở bệnh viện công dù đã cố gắng nhưng vì nhiều lý do, vẫn còn đi sau rất xa so với các cơ sở tư nhân.

Làm thế nào để tự bảo vệ mình khi làm đẹp?

ThS.BS. Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ, BV Việt Đức, Hà Nội khuyến cáo các chị em và cả nam giới khi có ý định làm đẹp hãy lựa chọn cơ sở đã được cấp phép, cần phải được các bác sĩ tư vấn trực tiếp, tìm hiểu thật kỹ về phương pháp đó và những nguy cơ mà mình có thể gặp phải để đưa ra lựa chọn phù hợp. Tại cơ sở này, khách hàng cần tìm hiểu xem người thực hiện kỹ thuật mình định làm có được cấp phép hành nghề hay không.

“Không có phẫu thuật hay thủ thuật nào là tuyệt đối an toàn. Bản thân phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng cũng như các phẫu thuật khác nói chung đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dị ứng thuốc, chảy máu, nhiễm trùng... Nhưng thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, đặc biệt các trang thiết bị và quy trình cấp cứu, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm thì nguy cơ sẽ ít đi”, BS. Vũ Trung Trực nhấn mạnh.

Ngoài ra, hiện nay, việc tìm kiếm thông tin về làm đẹp vô cùng đơn giản, trong khi đó tình trạng mạo nhận thương hiệu các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp đang diễn ra khá phổ biến. Thêm vào đó, việc quảng cáo không được kiểm soát, ngày càng nhiều cơ sở quảng cáo vượt quá phạm vi cho phép. Do đó, BS. Trực khuyến cáo người có nhu cầu làm đẹp cần phải tỉnh táo trong lựa chọn cơ sở thực hiện làm đẹp để tránh “tiền mất, tật mang”.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế Hà Nội nói, ngành y tế chúng tôi đã chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị công lập phải tham gia quản lý, theo dõi giám sát người hành nghề của đơn vị hoạt động hành nghề ngoài công lập. Qua các cuộc giao ban, hội nghị, chúng tôi đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện chỉ thực hiện ký hợp đồng hợp tác - hỗ trợ chuyên môn với các cơ sở đủ điều kiện (là các cơ sở có giấy phép hoạt động).

Thực hiện Chỉ thị 09/2013/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến của người dân về chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thông qua đường dây nóng: Hiện tại Sở Y tế Hà Nội đã công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân dễ dàng phản ánh thông tin về hoạt động của các cơ sở hành nghề y dược trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, để đưa các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đi vào khuôn khổ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các giải pháp cơ bản, tổng thể để giám sát quản lý hoạt động các cơ sở thẩm mỹ (spa, cơ sở  dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở cắt tóc, gội đầu, cơ sở làm nail...) người dân cần tỉnh táo trong việc lựa chọn dịch vụ một cách đúng đắn; đồng thời, tăng cường và đề cao vai trò, trách nhiệm giám sát của chính quyền địa phương (tổ dân phố, tổ y tế xã hội phường/xã). Phối hợp giữa cơ quan cấp mã số thuế (mã số, giấy phép kinh doanh) đối với các hộ kinh doanh dịch vụ làm đẹp và cơ quan quản lý y tế trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ các cơ sở đào tạo dạy nghề phun xăm, thẩm mỹ để đảm bảo chất lượng đầu ra của học viên.

Cần sự vào cuộc của cả xã hội, từ người dân đến chính quyền xã phường, quận huyện, cơ quan báo chí cùng tích cực tuyên truyền và giám sát các cơ sở thẩm mỹ, liên tục tuyên truyền trên các phương tiện nhằm tăng hiểu biết và lựa chọn cơ sở đúng, lựa chọn đúng bác sĩ để sử dụng dịch vụ y tế.

Về phía người dân, khi có nhu cầu làm đẹp, cần đến các cơ sở được ngành y tế cấp phép có số giấy phép trên biển hiệu hành nghề, thông tin trên biển hiệu gồm: Tên phòng khám, loại hình hành nghề (phòng khám, bệnh viện), tên người phụ trách, giờ làm việc, số giấy phép. Trong cơ sở hành nghề có các thông tin: Niêm yết bảng giá dịch vụ, niêm yết chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, niêm yết phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở.

Người dân cần hiểu biết và nắm rõ được các thông tin về phạm vi kỹ thuật nào được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám hoặc cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Những loại thẩm mỹ như nâng ngực, hút mỡ, nâng mông... phải được làm tại bệnh viện.


Mai Anh
Ý kiến của bạn