Hà Nội

Liên tiếp các vụ ngộ độc nấm lạ, chuyên gia chỉ cách xử lý khi ăn phải

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên

Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai

23-06-2023 17:58 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân không nên tự ý ăn các loại nấm lạ. Khi bị ngộ độc có thể tự gây nôn để giảm thiểu độc tố tích trong cơ thể và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám.

Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp nhập viện, thậm chí tử vong do ngộ độc nấm tự nhiên. Gần đây nhất, ngày 23/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân 37 tuổi bị suy thận cấp, tổn thương tế bào gan chỉ vài giờ sau khi ăn loại nấm có màu đỏ rất đẹp được mua ở chợ. Trước đó, ngày 21/6 tại Lai Châu cũng đã có 14 người nhập viện cấp cứu do ăn canh nấm lạ.

Trao đổi với Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: "Tất cả các loại nấm tự nhiên đều không thể nhận dạng bằng mắt thường là có độc hay không có độc, trừ mộc nhĩ".

Nguyên nhân của những vụ ngộ độc nấm

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nấm lạ, chuyên gia bày cách xử lý khi ăn phải - Ảnh 1.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

BS. Nguyên cho biết: "Người dân không thể tự nhận biết được loại nấm nào là nấm có độc, thậm chí đến chuyên gia cũng có thể nhầm. Có hàng nghìn các loại nấm, số nấm độc không quá nhiều nhưng rất dễ nhầm lẫn".

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc nấm đó chính là người dân ăn phải nấm có chất độc, ngoài ra một số ít là do người dân chế biến chưa đảm bảo vệ sinh.

Khi nhận dạng nấm, bằng mắt thường người dân không thể phân biệt được nấm có độc hay không độc. BS. Nguyên ví dụ, một số nấm trong rất đẹp mắt nhưng lại chứa chất độc như amatoxin khiến rất nhiều bệnh nhân tử vong khi ăn phải những loại nấm này.

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc nấm

Triệu chứng của những trường hợp ngộ độc nấm xảy ra sẽ rất khác nhau. Triệu chứng phổ biến thường gặp nhất sẽ liên quan đến tiêu hóa trước như đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy.

"Mỗi một loại nấm độc khi ăn phải sẽ có những dấu hiệu riêng. Có những loại nấm khi ngộ độc chỉ gây đau bụng, tiêu chảy. Một số loại nấm lại gây ảnh hưởng đến thần kinh như hoang tưởng, ảo giác, sảng, kích thích, co giật... Hay có một số loại nấm lại có biểu hiện ngộ độc như tụt huyết áp, tim mạch. Có loại nấm khi kết hợp với một số thành phần khác lại gây ngộ độc chẳng hạn như kết hợp với uống rượu", BS. Nguyên chia sẻ.

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nấm lạ, chuyên gia bày cách xử lý khi ăn phải - Ảnh 2.

Không thể nhận dạng nấm có độc hay không độc bằng mắt thường. (Ảnh bác sĩ cung cấp).

Thông thường sẽ chia thành 2 nhóm biểu hiện nhiễm độc khi ăn nấm. Nhóm đầu tiên là biểu hiện sớm, thường có biểu hiện trong vòng 6 tiếng sau ăn. Nhóm thứ hai là biểu hiện muộn 6 tiếng sau ăn, thậm chí sau 12 tiếng và lâu hơn, khi đó độc tố đã ngấm vào cơ thể, lúc này những biện pháp sơ cứu sẽ không còn tác dụng.

Đặc biệt, BS. Nguyên nhấn mạnh, nhóm biểu hiện muộn rất nguy hiểm đồng thời có thể "bẫy" bệnh nhân. Tức là ban đầu cũng có những dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn sau đó lại tự đỡ rồi mới tiếp tục phát tác. Lúc này trong gan đã bị tổn thương, rối loạn cơ quan bên trong và phải xét nghiệm mới thấy. Khi phát hiện thì bệnh nhân đã trong tình trạng suy gan, hôn mê, suy thận thậm chí tử vong.

Cách xử lý khi có biểu hiện ngộ độc nấm

Trong vòng 6 tiếng đầu khi có những dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy, nôn nhiều... người có biểu hiện ngộ độc cần bù nước lọc, uống oresol, hay nước canh, nước hoa quả để duy trì chức năng thận, duy trì chức năng tim mạch và giúp thải độc tố ra. Đồng thời người bị ngộ độc có thể tự gây nôn để giảm thiểu độc tố tích trong cơ thể và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám.

Đặc biệt, BS. Nguyên chia sẻ, toàn bộ mẫu nấm, chất nôn khi có biểu hiện ngộ độc phải được giữ lại để kiểm nghiệm. Điều này rất quan trọng giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân cũng như chất độc nào để tiến hành điều trị nhanh chóng.

Để phòng tránh ngộ độc nấm, BS. Nguyên khuyến cáo người dân không được ăn những loại nấm mọc dại trừ mộc nhĩ nếu chưa có sự kiểm nghiệm. Đối với những trường hợp tự ý bán những loại nấm dại, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý, cấm bán các loại nấm tự hái, tránh để người dân mua về, sử dụng.

Tổn thương tế bào gan, suy thận cấp vì ăn loại nấm nàyTổn thương tế bào gan, suy thận cấp vì ăn loại nấm này

SKĐS – Chỉ vài giờ sau khi ăn loại nấm có màu rất đẹp được mua ở chợ, nam bệnh nhân 37 tuổi đã nhập viện cấp cứu với chẩn đoán suy thận cấp, tổn thương tế bào gan.



Hồng Ngọc
Ý kiến của bạn