Theo các chuyên gia, trầm cảm thường bắt đầu do chịu không nổi áp lực trong cuộc sống, dẫn đến những thiếu hụt về dẫn chất thần kinh trong não. Đó có thể là áp lực vì thất bại trong yêu đương; mất việc làm; mất vị trí, bị bạn bè trấn áp, áp lực học hành, thi cử;…
Nhiều người nghĩ rằng ở lứa tuổi trưởng thành, người ta vững vàng hơn, song không phải ai cũng vậy.
PGS.TS. Tô Thanh Phương - Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Trưởng khoa Cấp tính nữ cho biết: Trầm cảm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi trong bất kỳ một thời điểm nào đó của cuộc đời và khoảng 10-15% dân số có thể bị bệnh trầm cảm. Điểm lưu ý quan trọng nhất là khi có các dấu hiệu trầm cảm như lo lắng, mệt mỏi, căng thẳng xảy ra thường xuyên và kéo dài, người bệnh không nên cố gắng chịu đựng một mình mà nên tìm gặp bác sĩ.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều người bệnh trầm cảm còn cố gắng giấu giếm cảm xúc của mình, vì thế nếu thấy người thân có dấu hiệu khác thường, hãy khuyên họ đi gặp bác sĩ để được điều trị bệnh kịp thời - BS. Phương cho biết thêm.
1. Cách nhận biết người mắc bệnh trầm cảm
Trầm cảm thường khởi phát lặng lẽ, mơ hồ, phần lớn các triệu chứng biểu hiện khác nhau tùy theo từng người, từng giới tính, độ tuổi, không ai giống ai. Để chẩn đoán một người mắc bệnh trầm cảm thường căn cứ có ít nhất 5 trong 9 triệu chứng sau, kéo dài ít nhất hai tuần:
- Tâm trạng buồn bã, chán nản gần như cả ngày
Có thể nhận biết chủ quan qua cảm giác buồn chán, trống rỗng hoặc khách quan bởi người khác (ví dụ như thấy người bệnh hay khóc…).
- Giảm hứng thú hoặc niềm vui trong hầu như tất cả mọi hoạt động
- Giảm hay tăng cân một cách đáng kể mà không phụ thuộc vào chế độ ăn (thay đổi hơn 5% trọng lượng cơ thể) hoặc giảm hay tăng cảm giác thèm ăn so với mọi ngày.
- Mất ngủ hay ngủ quá mức
- Quá kích động hoặc quá chậm chạp (có thể quan sát bởi những người khác chứ không đơn thuần là cảm giác chủ quan).
- Mệt mỏi hoặc cảm giác mất năng lượng.
- Cảm giác vô dụng, tội lỗi quá mức hoặc ảo tưởng mỗi ngày.
- Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung, thiếu quyết đoán.
- Suy nghĩ thường xuyên về cái chết, có ý định tự tử lặp đi lặp lại nhiều lần.
Ngoài những triệu chứng kể trên có thể có sự khác biệt theo giới tính, độ tuổi. Trẻ em trầm cảm thường có biểu hiện buồn bã, khó chịu, thất vọng. Thanh thiếu niên thường có biểu hiện như lo lắng, hay cáu giận, ngại giao tiếp.
Người trưởng thành thường biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, không hài lòng với mọi thứ, thích ngồi lỳ trong nhà. Thông thường nam giới bị trầm cảm không có sự đa sầu yếu đuối như phụ nữ mà ngược lại họ có thể trở nên bạo lực hơn.
2. Gia đình, người thân là "liều thuốc" trị trầm cảm
Theo các chuyên gia, cuộc sống hiện đại làm cho con người có nhiều mối lo toan, các thành viên trong gia đình đều rất bận rộn. Họ ít có thời gian dành cho nhau và cũng ít tâm sự, chia sẻ với nhau. Ngoài ra, sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng còn hạn chế nên thường bỏ qua những trường hợp người thân có ý tưởng tự tử.
Trong khi đó, nếu trầm cảm nặng không được can thiệp y khoa sớm, rất dễ dẫn đến ý tưởng toan tự tử, cộng thêm thiếu sự nâng đỡ của bạn bè, người thân..., người trầm cảm dễ có hành vi toan tự tử.
Nhưng trầm cảm cũng chỉ là một dạng bệnh lý, có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên thời gian điều trị, theo dõi phải cần ít nhất 6 tháng bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Chính vì lẽ đó, trước tiên điều cần thiết phải làm là cần phát hiện người thân có biểu hiện trầm cảm, có ý tưởng định tự tử để đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa để khám và có những can thiệp y khoa phù hợp.
Song song đó, người bệnh trầm cảm cần sự quan tâm, lắng nghe của người thân, bạn bè hằng ngày… Đây chính là một "liều thuốc" vô cùng quan trọng, có thể giúp phát hiện và làm dịu đi ý tưởng tự tử, giảm bớt những mệt mỏi hoặc cảm giác thấy mình vô dụng, hoặc tự thấy tội lỗi quá đáng… của người bệnh .
3. Lời kết
Trầm cảm có thể khởi phát ở bất cứ lứa tuổi nào với các triệu chứng đặc trưng xuất hiện trong khoảng vài ngày đến vài tuần và thường bắt đầu với các triệu chứng như lo âu lan tỏa, cơn hốt hoảng, ám ảnh sợ, các triệu chứng trầm cảm nhẹ.
Đây là một bệnh lý liên quan đến tâm trí và cơ thể, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Vì thế khi thấy các triệu chứng trầm cảm của chính mình hoặc bạn bè, người thân xung quanh, cần đi khám chuyên khoa sớm nhất để được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý phù hợp.
Mặc dù không có cách chữa khỏi trầm cảm, nhưng có những phương pháp điều trị hiệu quả giúp phục hồi. Bắt đầu điều trị càng sớm thì khả năng điều trị thành công càng cao.
Mời xem video được quan tâm:
Những bài tập thể dục buổi sáng giúp bạn tăng cường sức khỏe