Liên tiếp các vụ hành hung, đe dọa phóng viên

19-06-2015 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Liên tiếp trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc các nhà báo bị hành hung, đe dọa bất chấp luật pháp đã dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận.

Liên tiếp trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc các nhà báo bị hành hung, đe dọa bất chấp luật pháp đã dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận. Các phóng viên, nhà báo đau về thể xác một phần nhưng nỗi đau lớn nhất là họ bị tổn thương vì cảm thấy mình không được bảo vệ đúng nghĩa, không có được tự do hoạt động nghề một cách đúng pháp luật.

Nhiều vụ phóng viên bị hành hung, đe dọa

Mới đây nhất, thông tin từ Công an quận 9, TP. HCM cho biết, công an quận đang thụ lý điều tra một vụ hành hung hai phóng viên (báo Giao thông vận tải - Văn phòng đại diện phía Nam) xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 ngày 8/6 trên địa bàn phường Long Trường, quận 9. Theo tường trình của hai nạn nhân, phóng viên Vĩnh Phú và cộng tác viên Linh Hoàng bị tấn công khi đang trong quá trình tác nghiệp tại cầu Tăng Long, phường Long Trường, quận 9, TP.HCM. Theo đó, họ bị một nhóm khoảng 7 người lạ mặt tới đánh đập, giật máy quay khi đang ngồi tại quán cà phê. Hai phóng viên đã bỏ xe, chạy khỏi hiện trường nhưng nhóm đối tượng này vẫn không buông tha và truy đuổi trên đoạn đường hơn 500m khiến hai phóng viên phải chạy xuống phía bờ sông gần đó để lẩn trốn. Sau khi bị tấn công, cả hai được đưa vào Bệnh viện quận 9 cấp cứu. Chẩn đoán ban đầu, cộng tác viên Linh Hoàng bị rách da dầu, phải khâu ba mũi; phóng viên Vĩnh Phú bị chấn thương vùng mặt, đầu.

Cơ quan công an đang thực nghiệm tại hiện trường vụ hai phóng viên báo Giao thông vận tải bị hành hung trong khi tác nghiệp.

Được biết, hai phóng viên này đang thực hiện đề tài phản ánh việc các xe tải chở cát gây bức xúc cho người dân tại khu vực trên. Cụ thể, họ đã ghi lại phản ánh của người dân sống hai bên tuyến đường Lò Lu và Lã Xuân Oai thuộc phường Trường Thạnh và Long Trường (quận 9, TP.HCM) đang phải chịu cảnh sống chung với bụi và nguy hiểm. Việc những chiếc xe tải chở cát chất đầy thùng với tải trọng lớn hơn 30 tấn vẫn ngang nhiên chạy qua cầu Tăng Long có tải trọng cho phép tối đa chỉ 13 tấn, gây nguy hiểm cho người đi đường và phá hỏng các công trình giao thông trong khu vực.

Trước đó, vụ việc hai phóng viên Phạm Quốc Cường và Trịnh Văn Trọng (báo điện tử Dân Trí) được cơ quan cử về huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn thu thập tư liệu điều tra một số cây cầu dân sinh ở huyện này do xí nghiệp cơ khí Quang Trung (trụ sở tại Ninh Bình) thi công có hiện tượng không đảm bảo chất lượng, dễ xảy ra tai nạn. Trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường, phóng viên đã thực hiện đúng quy định của Luật Báo chí cũng như pháp luật liên quan. Toàn bộ chứng cứ về hiện trạng cây cầu và các ý kiến phát biểu của người dân, cơ quan chức năng địa phương đều được ghi âm, ghi hình đầy đủ. Để đảm bảo thông tin đa chiều, sáng 3/6, phóng viên Phạm Quốc Cường (đã được cấp thẻ nhà báo) đã chủ động gọi điện thoại liên lạc với giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung để đặt lịch phỏng vấn. Tuy nhiên ông Nguyễn Tăng Cường đã dùng lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa (tát vào mặt, vả gãy răng) lăng mạ, sỉ nhục nhà báo Phạm Quốc Cường.

Cần được điều tra, xử lý nghiêm

Trước vụ việc hai phóng viên báo Giao thông vận tải bị một nhóm đối tượng hành hung khi đang tác nghiệp, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã có công văn gửi chủ tịch ủy ban nhân dân kiêm trưởng ban ATGT thành phố đề nghị chỉ đạo, điều tra, xử lý nhóm đối tượng trên. Công văn nêu rõ đây là hành động côn đồ, cố ý hành hung và cướp tài sản của phóng viên khi tác nghiệp. Hành động của nhóm đối tượng ngang nhiên thể hiện hành vi coi thường luật pháp.

Theo Thượng tá Trịnh Văn Sâm, Đội trưởng Đội CSĐT về tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận 9, qua hai ngày sàng lọc, các trinh sát đã nhận dạng được một số đối tượng tham gia hành hung 2 phóng viên Vĩnh Phú và Linh Hoàng. Theo đó, cơ quan này vừa ký quyết định khởi tố vụ án cướp giật tài sản liên quan đến việc 2 phóng viên (PV) của báo Giao thông bị hành hung, cướp máy quay phim.

Xung quanh vụ việc nhà báo Phạm Quốc Cường bị doanh nghiệp dọa hành hung, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định, hành vi như vậy của doanh nghiệp là đáng lên án, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ ngay lập tức thanh tra đối với các công trình xây cầu tại Bắc Kạn do Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đảm nhiệm. Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Văn Huyện (Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam) cho biết, sau khi nhận phản ánh, ông đã trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Tăng Cường (Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung) theo đó ông Cường đã giải thích ngày xảy ra sự việc, do đang ốm đau dẫn đến bực bội và xin rút kinh nghiệm.

Qua những vụ việc trên, rõ ràng cần phải có ngay những cơ chế hữu hiệu, để bảo vệ danh dự, tính mạng của nhà báo, và đặc biệt là bảo vệ quyền được thu thập thông tin, bảo vệ quyền được tác nghiệp của nhà báo một cách cụ thể.

Trao đổi về việc nhà báo liên tiếp bị hành hung trong thời gian qua, TS.Trần Ðình Triển, Trưởng Văn phòng luật sự  Vì dân- Ðoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, quyền và nghĩa vụ của báo chí và nhà báo cũng đã được thể hiện đầy đủ và  rõ ràng trong Luật Báo chí. “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động” (Ðiều 2 - Luật Báo chí). Nhà báo: “ Ðược pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. (Ðiều 15-Luật Báo chí).

Hải Phong

 

 


Ý kiến của bạn