Liên tiếp các vụ đuối nước: Hè chưa kịp vui, nỗi đau đã tới

22-05-2025 18:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Chỉ trong vài ngày, liên tiếp những vụ đuối nước thương tâm xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Khi kỳ nghỉ hè vừa "chạm ngõ", nỗi lo này lại trở thành ám ảnh của nhiều gia đình.

Mùa hè - mùa cảnh giác

Khi tiếng ve vang râm ran báo hiệu mùa hè đến, học sinh bước vào kỳ nghỉ dài ngày cũng là lúc các bậc phụ huynh bắt đầu một "mùa cảnh giác". Đáng lo ngại, cứ đến thời điểm này hằng năm, các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em lại liên tiếp xảy ra, dù đã có vô số cảnh báo và thông tin tuyên truyền từ cơ quan chức năng.

Ngày 21/5, tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh), 7 học sinh rủ nhau đi tắm suối thì bị lũ cuốn. Người dân kịp thời cứu được 3 em, 2 em được xác nhận đã tử vong và 2 em còn lại đang được các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm.

Liên tiếp các vụ đuối nước: Hè chưa kịp vui, nỗi đau đã tới- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích. Ảnh: XĐ.

Chỉ một ngày trước đó, tại tỉnh Phú Thọ, một nam thanh niên đã không may thiệt mạng trong lúc nỗ lực cứu bốn học sinh đuối nước. Vụ việc xảy ra khoảng 15h ngày 20/5 tại sông Hồng, đoạn qua xã Cao Xá, huyện Lâm Thao. Anh Đặng Duy Doanh (31 tuổi, trú tại huyện Lâm Thao) đã lập tức nhảy xuống nước để cứu các em nhỏ. Sau khi đưa được 2 em vào bờ an toàn, anh Doanh kiệt sức và không may tử vong. Hai học sinh còn lại sau đó được một người dân làm nghề chài lưới gần đó kịp thời cứu sống.

Những sự kiện liên tiếp này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa đuối nước - mối nguy rình rập không chỉ ở các điểm du lịch biển, sông, suối, mà còn ngay trong chính gia đình.

Không chỉ ở ngoài trời, ngay tại nhà, trẻ nhỏ cũng có thể gặp nguy hiểm nếu người lớn chủ quan. Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một ca bệnh là bé trai 19 tháng tuổi bị đuối nước trong chiếc xô nhựa đựng nước thải điều hòa đặt ở đầu hồi nhà. Khi phát hiện, bé trong tình trạng ngưng thở, tím tái toàn thân. Rất may, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của người thân có kiến thức y tế, bệnh nhi được sơ cứu đúng cách và đã có dấu hiệu tự thở trở lại sau vài phút cấp cứu.

BSCKII Phạm Công Khắc, Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Việc người nhà biết cách sơ cứu đúng kỹ thuật là yếu tố quyết định giúp bé thoát khỏi nguy kịch”. Theo bác sĩ Khắc, khi gặp trẻ đuối nước, cần nhanh chóng đưa ra khỏi vùng nguy hiểm, đặt trên mặt phẳng cứng, ngửa đầu và nâng cằm để mở đường thở. Sau đó, tiến hành thổi ngạt và ép tim theo đúng chu kỳ 30 ép – 2 thổi cho đến khi trẻ thở lại hoặc có sự trợ giúp y tế. Việc bế ngược trẻ và chạy vòng quanh là phản xạ sai lầm, có thể làm chậm quá trình cứu sống.

Cứu người không đúng cách: Anh hùng "bất đắc dĩ" có thể thành nạn nhân

Tình huống tại Phú Thọ cho thấy, tinh thần dũng cảm là đáng quý, nhưng hành động cứu người thiếu kỹ năng có thể dẫn đến hậu quả đau lòng. Các chuyên gia khuyến cáo, tuyệt đối không nên nhảy xuống cứu người nếu không có kỹ năng bơi cứu hộ và không có phương tiện bảo hộ như áo phao, dây cứu hộ, sào cứu sinh...

Trong trường hợp phát hiện người bị đuối nước, người dân nên hô hoán kêu gọi sự giúp đỡ, đồng thời gọi ngay lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp qua số 115 hoặc 114. Nếu có thể, hãy tìm cách đưa vật nổi như sào, áo phao, can nhựa... để nạn nhân bám vào, tránh nguy cơ tử vong kép do cứu hộ thiếu kỹ năng.

Liên tiếp các vụ đuối nước: Hè chưa kịp vui, nỗi đau đã tới- Ảnh 2.

Trẻ nên được tham gia các lớp học bơi và kỹ năng sinh tồn dưới nước. Ảnh minh hoạ.

Công an TP Hà Nội cùng nhiều cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra các khuyến cáo phòng tránh đuối nước trong cộng đồng. Cụ thể, các địa phương cần gắn biển cảnh báo tại những khu vực ao, hồ, sông suối nguy hiểm. Gia đình cần giám sát con em, tuyệt đối không để trẻ tự ý ra sông, hồ, ao, bể bơi mà không có người lớn đi cùng. Trẻ nên được tham gia các lớp học bơi và kỹ năng sinh tồn dưới nước, đồng thời không chơi đùa, xô đẩy gần khu vực có nước sâu.

Về lâu dài, việc trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý tai nạn đuối nước cho trẻ và phụ huynh là giải pháp bền vững, cần được lồng ghép trong nhà trường, truyền thông và hoạt động cộng đồng.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Đi tắm suối, 7 học sinh bất ngờ gặp nạn đuối nướcĐi tắm suối, 7 học sinh bất ngờ gặp nạn đuối nước

SKĐS - Trong quá trình tắm suối, nhóm học sinh gồm 7 người bất ngờ bị nước lũ từ đầu nguồn đổ về cuốn trôi...


Đ.Tâm
Ý kiến của bạn