Liên tiếp các vụ án oan, sai, gây khiếu nại ở Bình Thuận: Oan, sai - Sao nhiều thế?

02-12-2015 07:11 | Pháp luật

SKĐS - Vụ việc chấn động dư luận vừa qua là người tù “xuyên thế kỷ” Huỳnh Văn Nén sau hơn 17 năm phải thụ án chung thân vừa được các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận công bố quyết định đình chỉ điều tra vì án oan sai. Đáng lo ngại là trước đó tỉnh này còn nhiều vụ án oan, sai như “vụ án vườn điều”, “kỳ án trộm dê” kéo dài gần một thập kỉ, trải qua hơn 14 phiên tòa xét xử, với nhiều tình tiết “có một không hai” trong lịch sử tố tụng, hay vụ “Tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận mà báo Sức khỏe&Đời sống có loạt bài điều tra phản ánh... Vậy tình cờ Bình Thuận gặp phải nhiều vụ án “ly kỳ” khó khăn, hay là sự yếu kém của cơ quan xét xử ?

17 năm “vò nát” tuổi xuân

Người tù xuyên thế kỷ Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã chính thức tự do khi được công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can vào ngày 28/11. Như vậy là sau hơn 17 năm tù tội, với bản án giết người, Huỳnh Văn Nén thực sự được giải oan.

Điều đáng nói là trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén có thể xem là án oan có một không hai trong lịch sử tố tụng vì ông Nén từng cùng lúc bị kết tội là thủ phạm trong một vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” và đồng phạm trong một vụ giết người khác cũng xảy ra trong cùng địa phương nơi ông cư ngụ.

Văn bản đề nghị giải quyết đơn kêu oan của bà Đặng Thị Linh của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Thuận, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận gửi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.

Ông Nén bị bắt giam ngày 17/5/1998 do cơ quan điều tra xác định là nghi can duy nhất trong vụ bà Lê Thị Bông (ngụ cùng địa phương) bị hung thủ vào nhà dùng dây dù siết cổ đến chết và cướp 1 chỉ vàng vào đêm 23/4/1998. Trước khi ra tòa, ông Nén được cho là đã “lập công” khi thành khẩn khai đã cùng gia đình bên vợ giết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án đã xảy ra từ 5 năm trước cũng tại xã Tân Minh. Đây là vụ án mà cơ quan điều tra bế tắc do không tìm ra thủ phạm. Từ lời khai được cho là của ông Nén, 9 người trong gia đình vợ ông, cả mẹ vợ và ông bị kết án oan.

Người tiên phong trong việc kêu oan cho Nén chính là ông Nguyễn Thận, lúc bấy giờ là chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh). Ông Thận trước lúc làm chủ tịch UBND xã Tân Minh, ông đã nhiều năm làm trưởng công an xã, biết ít nhiều nghiệp vụ nên rất phân vân khi tại địa phương chỉ trong 5 năm xảy ra 2 vụ trọng án. Hơn nữa, khi công an khám nghiệm hiện trường, ông Thận đều có mặt nên rất băn khoăn trước những kết luận thiếu chứng cứ của cơ quan điều tra. Ông từng gặp gỡ, gửi gắm suy nghĩ đến nhiều cán bộ ở huyện, tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Bình Thuận nhưng không ai nghe. Ngay khi cả gia đình vợ ông Nén bị bắt giam, trong những lần họp HĐND huyện Hàm Tân và tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh cũng như Đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Thuận, ông Thận đều đặt vấn đề xem xét lại cả 2 vụ án này, chứ không thể nghe vào lời nhận tội của ông Nén.

Chưa một nạn nhân oan sai nào có án oan chồng án oan với tội danh giết người kinh khủng như Huỳnh Văn Nén. “Vụ án vườn điều” liên quan đến cái chết của bà Dương Thị Mỹ chấn động dư luận vì một gia đình 7 người vào tù oan, sai, trong đó có Huỳnh Văn Nén. Những tù nhân đó được giải oan và được tự do, nhưng Huỳnh Văn Nén vẫn tiếp tục ở tù vì tội giết bà Lê Thị Bông.

17 năm tù tội, vợ con, gia đình tan nát theo án oan của Huỳnh Văn Nén. Ngần ấy năm người cha già của Huỳnh Văn Nén bán hết tài sản, ruộng vườn lặn lội kêu oan cho con. Ông Nén không thể tự dưng nhận tội giết người, mà bị bức cung, nhục hình đến mức không thể chịu đựng được. Những điều đó Huỳnh Văn Nén đã từng khai trước tòa, nhưng những người cầm cân nảy mực ở Bình Thuận này lại quá lạnh lùng trước những quyết định đến mạng sống của người khác.

Vụ “Tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận: Tòa án lại...vi phạm luật

Liên quan đến vụ “Tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận, trước vụ việc có dấu hiệu oan sai với bà Đặng Thị Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm Mắt tỉnh Bình Thuận (thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận), từ năm 2011 đến nay, báo Sức khỏe&Đời sống đã có hàng loạt bài phản ánh vụ án xét xử “Tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận đã gây bức xúc trong dư luận với việc cơ quan xét xử đã vi phạm nghiêm trọng điều luật trong Bộ luật Hình sự, vi phạm luật...

Báo Sức khỏe&Đời sống cũng đã có Công văn số 192/CV-SKĐS ngày 27/10/2011 của Tổng biên tập gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét lại Bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận về vụ án tại Trung tâm Mắt Bình Thuận, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có Công văn số 215/UBTP13 gửi đồng chí Chánh án TAND Tối cao, đồng chí Viện trưởng Viện KSND Tối cao yêu cầu báo cáo về việc giải quyết vụ án nêu trên.

Cũng liên quan đến vụ án trên, Văn phòng Chủ tịch nước liên tiếp có Công văn số 1064/VPCTN-PL và 411/VPCTN-PL gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước giải quyết vụ việc sau khi có ý kiến của đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, và kiến nghị của GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam về việc BS. Đặng Thị Linh (nguyên Giám đốc Trung tâm Mắt Bình Thuận) đang có đơn đề nghị xét xử lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm vì cho rằng bị oan sai.

Trước đó, TAND Tối cao đã có Văn bản số 06/KN-HS kháng nghị đối với bản án hình sự phúc thẩm số 143/2011/HSPT ngày 13/10/2011 của TAND tỉnh Bình Thuận và đề nghị Tòa hình sự TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần trách nhiệm đối với Đặng Thị Linh; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 25/8/2014, báo Sức khỏe&Đời sống số 135 có bài:  Vụ “Tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận - Án oan sai vẫn chưa được giải quyết, trong đó phản ánh việc bà Đặng Thị Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm Mắt tỉnh Bình Thuận (thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận) đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 83/2014/HSPT ngày 12 tháng 6 năm 2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc bị oan, hoàn toàn không có hành vi tham ô, hoặc hành vi “Sử dụng trái phép tài sản” như bản án đã buộc tội.

Ngày 10/9/2014, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 1063/HĐND-PCDN gửi Chánh án TAND Tối cao đề nghị giải quyết đơn kêu oan của bà Đặng Thị Linh. Qua nghiên cứu nội dung kêu oan của bà Đặng Thị Linh, bản án hình sự phúc thẩm số 83/2014/HSPT ngày 12/6/2014 của TAND tỉnh Bình Thuận và các tài liệu có liên quan trong vụ án, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Thuận nhận thấy: TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm (lần 1) và bản án hình sự phúc thẩm số 143/2011/HSPT ngày 5-13/10/2011 tuyên bố: Bị cáo Đặng Thị Linh phạm tội “tham ô tài sản”. Xử phạt bị cáo Đặng Thị Linh 5 năm tù, bị cáo đã chấp hành hình phạt tù từ ngày 7/4/2012 đến 22/6/2013 (1 năm 2 tháng 16 ngày). Ngày 5/6/2013, TAND Tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 17/2013/HS-GĐT hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận và đình chỉ thi hành án phạt tù với bà Đặng Thị Linh, giao cho Tòa phúc thẩm tỉnh Bình Thuận giải quyết lại. Tuy nhiên, bản án hình sự phúc thẩm số 83/2014/HSPT ngày 12/6/2014 của TAND tỉnh Bình Thuận căn cứ đơn kháng cáo của bị cáo Đặng Thị Linh, kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phan Thiết đối với bản án sơ thẩm số 95/2011/HSST ngày 24/6/2011 của TAND thành phố Phan Thiết để xét xử Đặng Thị Linh về tội “sử dụng trái phép tài sản” mà không căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm số 17/2013/HS-GĐT ngày 5/6/2013 Chánh án TAND Tối cao là không phù hợp với đường lối xét xử của TAND Tối cao và không phù hợp với quy định của pháp luật.

TAND tỉnh Bình Thuận trong quá trình xét xử phúc thẩm lần 2 đã chuyển tội danh của bị cáo Đặng Thị Linh từ tội danh “tham ô tài sản” sang tội danh “sử dụng trái phép tài sản”. Trong tội danh “sử dụng trái phép tài sản” chưa được các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, chứng minh được hành vi sử dụng trái phép tài sản của bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào, thiệt hại bao nhiêu theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình xét xử, tòa cũng chưa chứng minh được bị cáo đã sử dụng số tiền 50 triệu đồng (do Công ty La Ngâu tài trợ cho Trung tâm Mắt Bình Thuận để mổ mắt cho người nghèo) làm việc gì để sinh lợi cho cá nhân bị cáo. Do đó, bản án hình sự phúc thẩm lần 2 tuyên buộc bị cáo Đặng Thị Linh phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “sử dụng trái phép tài sản” theo điểm b, Khoản 2, Điều 142; các điểm g, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự là không thuyết phục, vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật tố tụng Hình sự, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo Đặng Thị Linh.

Kỳ án trộm dê kéo dài gần một thập kỉ

Kéo dài gần một thập kỉ, trải qua hơn 14 phiên tòa xét xử, đến phiên tòa gần đây nhất, bị cáo đã “nằm” trên giường xếp nghe tuyên án với nhiều tình tiết “có một không hai” trong lịch sử tố tụng.

Theo cáo trạng, năm 2004, Trần Thị Kim Nguyệt (43 tuổi, ngụ xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) đến thôn Hòn Mốc (xã Sông Bình cùng huyện) tìm mua đất lập trang trại chăn nuôi dê. Sau đó bà Nguyệt ký hợp đồng hợp tác nuôi dê với ông Trần Văn Lý. Bà Nguyệt thả nuôi 15 con dê và trông coi giúp vợ chồng ông Lý 12 con.

Vào năm 2005, khi bà Nguyệt đi vắng thì ông Lý âm thầm làm giấy tờ chuyển nhượng đàn dê, quyền sử dụng khu đất làm chuồng dê cho vợ chồng bà Lê Thị Kim Y và ông Lê Văn Thái (cùng ngụ xã Sông Bình). Trở về, phát hiện sự việc trên, bà Nguyệt làm đơn gửi chính quyền nhờ can thiệp giải quyết. Sau khi hòa giải không thành, UBND xã chuyển hồ sơ lên TAND huyện.

Cũng trong thời gian này, bà Nguyệt phát hiện bà Y lén lút bắt dê đem bán nên đã gửi tiếp đơn lên công an xã. Trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết, vì lo cho sự an toàn của đàn dê, nên vào đêm 28/5/2005, bà Nguyệt cùng một số thanh niên đến chuồng dê lùa đi 52 con dê lớn nhỏ trị giá trên 117 triệu đồng. Trong đó, 24 con chở đến xã Lương Sơn gửi người quen, số còn lại 28 con đem về huyện Hàm Thuận Bắc giữ.

Sáng 29/5/2005, gia đình bà Y phát hiện mất dê đã trình báo công an. Công an vào cuộc điều tra, phát hiện 24 con dê bà Nguyệt dắt trộm đang gửi nuôi tại nhà một người quen.

Sau đó, Công an huyện Bắc Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng đối với bà Nguyệt về tội trộm cắp tài sản. Năm tháng sau, Viện KSND huyện ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, hủy bỏ biện pháp tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyệt. Cuối tháng 11/2005, bà Nguyệt bị bắt giam trở lại, nhưng lại được thả vào đầu năm 2006. Bắt rồi thả, thả rồi bắt liên miên, tổng cộng bà Nguyệt bị giam đúng 210 ngày.

Vấn đề cốt lõi của vụ án “trộm cắp tài sản” này, là đến giờ “tang vật” là đàn dê không còn sót con nào, và vẫn chưa chính thức xác định được ai là người sở hữu thật của đàn dê.

Xâu chuỗi các vụ án oan, sai, nhầm lẫn, gây khiếu nại kéo dài này, có thể thấy vấn đề nằm ở những điều tra viên và những người trực tiếp xét xử các vụ án này. Dư luận đòi hỏi phải làm rõ để tra lại công bằng, nếu đủ chứng cứ, phải đưa ra tòa để xét xử chính những người gây ra oan, sai. Họ chứ không phải ai khác phải “bỏ tiền túi” để đền bù cho những sai lầm mười mươi mà do sự cẩu thả, trình độ kém, không đủ tư cách hoặc “mập mờ” của mình gây ra. Nếu cứ tiếp tục dùng tiền Nhà nước để đền bù cho những án oan, sai này, liệu rằng những vị quan tòa, chủ tọa kia có còn “biết sợ” khi đưa ra những bản án “chết người” như vậy, và chắc chắn sẽ còn nhiều oan, sai cùng những thân phận sống trong tủi hổ.


Nhóm PV TS
Ý kiến của bạn