Liên tiếp các trường hợp tử vong do bệnh dại, phòng bệnh cách nào?

07-08-2022 13:07 | Y tế
google news

SKĐS - Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.

Gia tăng ca bệnh tử vong do chó, mèo dại cắn

Thời gian gần đây số bệnh nhân tử vong do bệnh dại liên tiếp gia tăng tại nhiều địa phương trong cả nước. Điều đáng nói, tất cả các trường hợp đều chưa tiêm phòng vaccine dại.

Chiều 6/8, đại diện xã Phước An (Tuy Phước, Bình Định) cho biết trên địa bàn xã vừa ghi nhận một bệnh nhi 8 tuổi tử vong vì bệnh dại sau 3 tháng bị chó cắn.

Trước đó bệnh nhân cùng 2 người khác trong thôn bị con chó của người hàng xóm cắn. Cả 3 người đều đi chích vaccine phòng dại, bệnh nhi mới chích 1 liều và đến khoảng đến cuối tháng 7/2022, bắt đầu có dấu hiệu sức khỏe bất thường. Gia đình đưa đến bệnh viện điều trị và đã tử vong sau đó ít ngày.

Huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cũng vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong sau 3 tháng bị chó dại cắn. Người đàn ông 62 tuổi bị chó cắn trong lúc giữ chó để tiêm phòng. Ba ngày sau khi xảy ra sự việc thì con chó này đã chết. Đây là trường hợp tử vong thứ 3 do chó dại cắn trên địa bàn huyện này.

Liên tiếp các trường hợp tử vong do bệnh dại, phòng bệnh cách nào? - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Cuối tháng 6 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận một trường hợp tử vong nghi bệnh dại do bị mèo cắn. Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do dại tính từ đầu năm đến nay.

Từ đầu năm đến nay tỉnh Lào Cai đã ghi nhận hơn 600 trường hợp người dân đi tiêm phòng dại do bị chó mèo cắn, cào. Đáng chú ý, trong số những người bị chó mèo cắn, có đến gần 200 người phải tiêm huyết thanh kháng dại do vết cắn sâu hoặc ở gần những khu vực nguy hiểm như gần thần kinh trung ương.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại.

Các trường hợp tử vong do bệnh dại chủ yếu là chưa tiêm vaccine và thường gặp ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại.

Đường lây truyền của bệnh dại

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình "tàn phá".

Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, "đoạn đường" di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Bệnh dại có 2 thể: thể cuồng và thể liệt. Thể cuồng, ngay khi bị nhiễm virus, nếu không tiêm vaccine dại kịp thời, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là sốt cao, đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương.

Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hành vi hung hăng, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, lú lẫn, co thắt cơ bắp, ngưng tim.

Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn. Ở thể này, người bệnh sẽ chết chỉ sau 1 tuần kể từ ngày phát bệnh.

Thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu, rối loạn đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết.

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.

Xử trí khi bị động vật cắn để phòng bệnh dại

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị, do vậy việc tiêm vaccine là biện phát dự phòng và cách điều trị duy nhất giúp người bệnh thoát khỏi cửa tử.

Khi bị chó, mèo cắn hoặc nghi ngờ có tiếp xúc với chó, mèo có nhiễm dại, cần:

- Ngay lập tức rửa vết thương với xà phòng và nước trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, nếu có.

- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị càng sớm càng tốt.

Lưu ý, tránh sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm. Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương

Cách phòng bệnh dại

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, khi con vật đã được xác định mắc bệnh dại phải tiêu hủy ngay (trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy) để ngăn chặn sự lây truyền bệnh sang súc vật khác và lây truyền sang người.

- Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại.

- Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh.

- Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.

- Tiêm bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu hủy những con chó, mèo nếu không tiêm.

- Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc phải thực hiện nghiêm ngặt việc xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.

Sát thủ gây ra chết "êm ái" trong các vụ cháy Sát thủ gây ra chết 'êm ái' trong các vụ cháy

SKĐS - Khí CO được cho là nguyên nhân chính gây tử vong trong các vụ cháy nổ, đốt than trong phòng kín. Loại khí này không màu không mùi, khi vào cơ thể với hàm lượng lớn có thể gây ra tử vong ngay lập tức mà không hề có phản ứng bảo vệ nào trước đó.


T. Anh
Ý kiến của bạn