Liên tiếp các trường hợp gục ngã khi đang chơi pickleball: Bác sĩ cảnh báo 'nóng'

04-12-2024 13:51 | Y tế
google news

SKĐS - Gần đây, nhiều trường hợp đang chơi thể thao thì bỗng nhiên ngã quỵ, sau đó ngừng tuần hoàn, thậm chí tử vong khiến không ít người bàng hoàng và lo lắng.

Liên tiếp các trường hợp đang chơi pickleball thì gục ngã

Tối 2/12, lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận ca cấp cứu một người đàn ông đang chơi pickleball cùng bạn bè thì bất ngờ bị choáng, ngã ra sân.

Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 18h10 cùng ngày, tại sân nhà thi đấu Cầu Giấy, Trần Quý Kiên, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Thời điểm này, nạn nhân mới vào sân chơi pickleball được khoảng 15 - 20 phút thì bị choáng, ngã ra sân nên những người chơi thể thao cùng gọi cấp cứu 115. Khi nhân viên y tế 115 đến hiện trường, nạn nhân đã ngừng tuần hoàn. Nhân viên y tế phải cấp cứu khoảng 15 - 20 phút, đợi bệnh nhân có mạch trở lại mới chuyển vào Bệnh viện E.

Liên tiếp các trường hợp gục ngã khi đang chơi pickleball: Bác sĩ cảnh báo 'nóng' - Ảnh 1.

Đang chơi pickleball, người đàn ông bất ngờ choáng ngã ra sân. Ảnh: MXH.

Trước đó, chiều ngày 8/10, anh L.A.T. (39 tuổi, ở Thanh Hóa) đang chơi pickleball cùng bạn bè, lúc ngồi nghỉ uống nước thì bất ngờ gục xuống. Anh T. được sơ cứu nhưng sau đó đã tử vong. Được biết, người đàn ông này có tiền sử bệnh tim.

Chiều 20/10, mạng xã hội Facebook cũng lan truyền một bài đăng kèm theo nhiều đoạn video clip có nội dung về việc một người đàn ông tử vong tại phòng tập gym ở Hà Nội.

Cụ thể, người đàn ông đã đến phòng tập gym vào tối 19/10 để rèn luyện sức khỏe. Quá trình tập luyện, người này bất ngờ có dấu hiệu xuống sức, ngất xỉu, có dấu hiệu bị đột quỵ. Người đàn ông này được nhân viên y tế cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Nguyên nhân gây đột quỵ khi chơi thể thao

Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, thể thao nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí, người tập có thể đối mặt với tình trạng nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...

Do đó, khi tham gia chơi thể thao cần chú ý tới sức khỏe của bản thân. Tình trạng đột quỵ khi chơi thể thao chủ yếu do người bệnh có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch. Hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột quỵ.

Cũng theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột quỵ khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.

Một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức, ví dụ như: hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại...

Những người bị hội chứng đó, có thể không hề có yếu tố khởi phát, nhưng tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh. Bình thường tim đập 70 - 80 lần/phút nhưng khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300-400 lần/phút gây tụt huyết áp, ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó.

Liên tiếp các trường hợp gục ngã khi đang chơi pickleball: Bác sĩ cảnh báo 'nóng' - Ảnh 2.

Người đàn ông được người xung quanh tiến hành hô hấp nhân tạo. Ảnh cắt từ clip

Cần làm gì khi phát hiện người chơi thể thao có dấu hiệu quá sức?

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, khi phát hiện người có dấu hiệu mệt lả khi tập luyện thể thao, cần nhanh chóng đưa người đó ra nơi thoáng, đánh giá xem còn tỉnh táo hay không. Nếu người này không tỉnh, không thấy dấu hiệu còn thở như phập phồng ngực, bụng thì xem như đã ngừng tuần hoàn. Cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực kết hợp thổi ngạt).

Cách hồi sinh tim phổi như sau: Đặt tay lên giữa ngực, vị trí ép đúng là ½ dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú, hai tay chồng lên nhau ép mạnh với tần số khoảng 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.

Có thể chấp nhận việc ép tim liên tục mà không cần thổi ngạt. Ép tim ngoài lồng ngực phải được làm liên tục cho đến khi đội xe cấp cứu 115 đến hiện trường.

"Song song với việc sơ cấp cứu ngừng tuần hoàn, cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có 1 mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân", PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải hướng dẫn.

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải cũng cho hay, với những trường hợp bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, sau khi nghỉ ngơi, nếu người bệnh tỉnh nhưng vẫn yếu, mệt lâu, mệt khác thường, hay có hồi phục nhưng không hoàn toàn, thì cần được đưa đến thăm khám tại cơ sở y tế.

"Tốt nhất trước khi chơi các môn thể thao gắng sức nhiều, mỗi người cần được kiểm tra sức khoẻ, được bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khỏe xem có thể tham gia được hay không. Trong quá trình chơi thể thao, cần ghi nhận, theo dõi các dấu hiệu của cơ thể. Nếu có các biểu hiện không bình thường như khó thở, đau ngực, mệt xỉu, ngất… cần đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Tại các cơ sở thể dục, thể thao cũng cần được trang bị nhân lực và trang thiết bị y tế để kịp thời sơ cứu, hỗ trợ có hiệu quả, khi không may người tập xảy ra biến cố", PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh.

Xem thêm bài viết:

Thông tin chính thức từ California Fitness & Yoga về vụ khách tập gym tử vongThông tin chính thức từ California Fitness & Yoga về vụ khách tập gym tử vong

SKĐS - Liên quan đến vụ việc một người đàn ông tử vong tại phòng tập gym California Fitness & Yoga tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội xảy ra vào tối ngày 19/10, chiều ngày 21/10, California Fitness & Yoga đã có thông tin chứng thức về sự việc.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn