Thực trạng này đã gióng lên nỗi lo về ATTP, nhất là vào thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán đang đến gần và nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân đang gia tăng...
Heo bệnh, nầm hôi thối, chim sẻ không nguồn gốc được đưa lên bàn nhậu nếu vận chuyển trót lọtNgày 20/12, Ban Quản lý ATTP (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, vừa phát hiện và kịp thời ngăn chặn một vụ vận chuyển heo không đảm bảo chất lượng vào thành phố tiêu thụ. Theo đó, qua công tác kiểm tra và giám sát, Đội Quản lý ATTP số 9 thuộc Ban Quản lý ATTP phát hiện chiếc xe tải mang biển kiểm soát 51D-24858 vận chuyển thịt heo đã được giết mổ, phân mảnh (khoảng 40 con heo) có những dấu hiệu bất thường. Tất cả viền móng chân của heo đều có mụn nước đã vỡ gây viêm loét, các móng chân bị bong tróc, không còn bám chặt vào bàn chân. Ngoài ra, trên thịt heo còn xuất hiện các hạch sưng to, sung huyết, xuất huyết. Bước đầu đấu tranh, người vận chuyển lô hàng khai nhận, số thịt heo trên có nguồn gốc từ tỉnh Long An. Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã lập biên bản toàn bộ lô thịt heo nói trên, tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Trước đó, ngày 19/12, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị này vừa phát hiện đối tượng vận chuyển hàng tạ thịt lợn không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối đang trên đường đi giao cho các nhà hàng quán ăn.
Lãnh đạo Cục ATTP kiểm tra ATTP.
Tại cơ quan công an, qua kiểm đếm số thịt lợn nói trên khoảng hơn 200kg, người vận chuyển không xuất trình được giấy tờ kiểm dịch và chứng minh nguồn gốc số thịt lợn này. Đồng thời khai nhận số thịt lợn trên được thu mua từ các lò mổ gia súc tại tỉnh Hà Nam và đang trên đường mang vào một số nhà hàng quán ăn ở TP. Thái Bình tiêu thụ. Cơ quan công an đã lập biên bản, xử lý theo quy định của pháp luật và bàn giao toàn bộ số thực phẩm trên cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình tiến hành tiêu hủy.
Trước đó một ngày, qua công tác trinh sát, nắm bắt tình hình, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức vây bắt một số đối tượng tập kết hàng hóa có dấu hiệu khả nghi tại bãi đất trống thuộc khu vực thôn Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn). Tuy nhiên, lợi dụng đêm tối, đường đi quanh co, hiểm trở, các đối tượng đã vứt bỏ lại hàng tháo chạy thoát thân. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ số hàng hóa trên đều là nầm lợn cấp đông, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có biểu hiện mốc xanh và bốc mùi hôi thối, được đựng trong 11 thùng xốp bọc kín có tổng trọng lượng hơn 800kg.
Ngày 17/12, thông tin từ Trạm CSGT 5-1 (Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa phát hiện và bắt giữ chiếc xe khách chở hơn gần 130kg sản phẩm động vật không có giấy tờ đi tiêu thụ. Theo đó, vào khoảng 0h20’, sáng 17/12, tổ công tác Trạm CGST 5-1 đang làm nhiệm vụ trên QL 1A, đoạn qua địa phận xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (Nghệ An) thì phát hiện xe khách BKS 18B - 006.67 lưu thông theo hướng Bắc - Nam có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện trong thùng carton dưới thùng xe có chứa 128kg sản phẩm động vật (chim sẻ) đã qua chế biến. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Trần Văn Trường (SN 1975, trú tại tỉnh Nam Định) không xuất trình được các giấy tờ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của số sản phẩm nói trên.
Huy động mọi nguồn lực để đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán, lễ hội
Thời điểm cuối năm, không khí mua sắm trên thị trường đã sôi động hơn trước. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu giới thiệu các sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến người tiêu dùng. Trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dự báo sẽ tăng cao, Ban Chỉ đạo liên ngành TW về ATTP vừa ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019. Theo đó sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đăk Nông, Đồng Tháp, Tiền Giang từ ngày 1/1 - 25/3/2019.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, việc thanh tra, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP; phát hiện và cảnh báo các mối nguy về ATTP. Cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP. Cùng với đó, các địa phương thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh, thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Việc kiểm tra được triển khai trước, trong, sau Tết và lễ hội, tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương.
Về phía người dân, cũng cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP.