Liên tiếp 3 trẻ bị bỏng nặng do máy chạy bộ, bác sĩ đưa ra 8 khuyến cáo cha mẹ cần biết

30-05-2023 13:59 | Y tế

SKĐS - Ngày 30/5, các bác sĩ Đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi TW vừa tiếp nhận liên tiếp 3 trẻ bị bỏng nặng và hoại tử da do bị chà sát mạnh, mài vào dây curoa và nhiệt của máy chạy bộ tại nhà.

Hiểm hoạ từ máy chạy bộ tại nhà với trẻ

Trường hợp nhập viện gần đây nhất là bé trai N.M.K (3 tuổi, ở Nghệ An). Gia đình bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện, anh trai bé M.K (đang học lớp 3) bật máy chạy bộ để tập thể dục. Lúc này bé M.K đứng chơi bên cạnh anh đã vô tình làm rơi ti giả đang ngậm xuống phía dưới máy nên đã đưa tay lấy, khiến tay phải bị chà sát mạnh vào dây curoa của máy tập. Ngay sau tai nạn, bé M.K được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương sơ cấp cứu, điều trị và sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi TW.

Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, ThS.BS CKII Phùng Công Sáng – Phụ trách Đơn vị bỏng, phó Khoa Chỉnh hình – Bệnh viện Nhi TW cho biết, bé M.K nhập viện với chẩn đoán bỏng ma sát độ III và có dấu hiệu nhiễm trùng, tổn thương chuyển nặng và sâu hơn. Sau khi nhập viện, bé M.K được điều trị và chăm sóc vết thương hàng ngày, hiện tình trạng sức khỏe của bé đã ổn định.

Liên tiếp 3 trẻ bị bỏng nặng do máy chạy bộ, bác sĩ đưa ra 8 khuyến cáo cha mẹ cần biết - Ảnh 1.

Một trường hợp trẻ bị bỏng bàn tay do bé nghịch máy chạy bộ tại nhà khi bố đang chạy Ảnh: BVCC

Trường hợp thứ hai là bé gái B.A (30 tháng tuổi, ở Hà Nội) nhập viện ngày 13/5/2023. Tai nạn xảy ra vào buổi chiều cùng ngày, khi bố của bé đang tập thể dục bằng máy chạy bộ tại nhà. 

"Lúc này, do đang chạy bộ nên bố không biết cháu đi vào từ phía sau, thấy máy chạy cháu thích quá nên đã đưa hai tay nghịch. Sau tai nạn, cháu khóc thét, bố cháu quay lại thì đã thấy hai tay của bé bị kẹt phía dưới dây curoa rồi" – Bà của bé B.A nhớ lại.

"Bé B.A nhập viện với chẩn đoán bỏng bàn tay 2 bên độ III, rất may trẻ nhập viện sớm, điều trị kịp thời nên đã được ra viện ngày 22/5" – BS Sáng cho hay.

Đặc biệt nhất trong 3 trường hợp kể trên là bé gái T.T (3 tuổi, Hà Nội). Bố bệnh nhi chia sẻ, chiều ngày 10/5, bé T sang nhà bác của mình cạnh nhà chơi. Thấy  bác đang chạy bộ trên máy tập nên đã lấy tay nghịch máy. Hậu quả, bé bị bỏng ma sát ngón II, III, IV tay trái, tổn thương sâu các ngón tay, lộ gần hết phần gân cơ. 

Bé T.T nhập viện Bệnh viện Nhi TW trong tình trạng cấp cứu. Sau khi nhập viện trẻ nhanh chóng được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu nối gân cơ và phẫu thuật cắt lọc hoại tử. Trẻ được chăm sóc vết thương bỏng hàng ngày bằng các dung dịch sát trùng và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết với dinh dưỡng hợp lý. Kết quả, sau hơn 2 tuần điều trị, tình trạng vết thương bỏng của trẻ cải thiện, lành dần.

8 khuyến cáo của chuyên gia để trẻ không là nạn nhân của máy chạy bộ

ThS.BS CKII Phùng Công Sáng cho biết máy chạy bộ tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tổn thương cho trẻ em như trầy xước, bỏng, tổn thương lột da, dập nát gân cơ, gãy xương… Vì trẻ nhỏ với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ gặp tai nạn.

Qua đây, BS Sáng khuyến cáo, cha mẹ cần cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà. Khi dùng máy chạy bộ, các gia đình nên: Đặt máy ở nơi an toàn để hạn chế trẻ em đến gần, đặc biệt với trẻ nhỏ. Luôn đảm bảo không để trẻ em tự đến gần máy chạy bộ khi hoạt động, nhất là trẻ dưới 10 tuổi.

Liên tiếp 3 trẻ bị bỏng nặng do máy chạy bộ, bác sĩ đưa ra 8 khuyến cáo cha mẹ cần biết - Ảnh 3.

Máy chạy bộ tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tổn thương cho trẻ em như trầy xước, bỏng, tổn thương lột da, dập nát gân cơ, gãy xương...

Ngoài ra, để phòng tránh bỏng cho trẻ em trong một số trường hợp khác, cha mẹ cũng nên lưu ý:

  • Không cho trẻ chơi, nô đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện… 
  • Tránh để dụng cụ đựng nước nóng trong tầm tay với của trẻ em như nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống xả xe máy, hơi nồi cơm điện… 
  • Khi di chuyển nước nóng, thức ăn mới nấu,… cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng. 
  • Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. 
  • Cất giữ các chất dễ gây cháy bỏng vào tủ có khóa hoặc để ở những nơi ngoài tầm tay với của trẻ em. 
  • Không được để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp lửa đang đun nấu, cồn, xăng, hóa chất… 
  • Không nên để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh, luôn luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi trẻ tắm rửa.
  •  Luôn trông chừng trẻ đúng cách, cần thường xuyên để ý đến trẻ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.   
Dù chuyển từ bệnh nhóm A xuống nhóm B thì COVID-19 vẫn có tính đặc thùDù chuyển từ bệnh nhóm A xuống nhóm B thì COVID-19 vẫn có tính đặc thù

SKĐS - Mặc dù Việt Nam chưa chuyển đổi dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B.

Thái Bình
Ý kiến của bạn