Tuần này đã ghi nhận nhiệt độ nóng nhất toàn cầu từng thấy, theo dữ liệu từ hai cơ quan theo dõi quan trắc thời tiết quốc tế.
Vào Thứ Hai đầu tuần, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01 độ C, đây là mức nhiệt cao nhất mà các trung tâm dự báo môi trường quốc gia Mỹ từng đo được (bắt đầu từ năm 1979).
Thế nhưng ngày hôm sau, ngay lập tức kỷ lục này đã bị phá vỡ. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào ngày Thứ Ba đã tăng lên mức kỷ lục 17,18 độ C.
Kỷ lục trước đó là 16,92 độ C vào giữa tháng 8 năm 2016.
Cơ quan về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus vào ngày 5/7 cũng đăng tải trên Twitter rằng Thứ Hai đầu tuần vừa qua là ngày nóng nhất toàn cầu (nền nhiệt toàn cầu cao kỷ lục) từng được ghi nhận.
Các chuyên gia cảnh báo, kỷ lục về nắng nóng và nhiệt độ cao trung bình toàn cầu còn có thể bị phá vỡ thêm vài lần nữa trong năm nay.
Robert Rohde - nhà khoa học trưởng tại trung tâm nghiên cứu trái đất Berkeley Earth đăng tải trên Twitter vào hôm 4/7 rằng thế giới "có thể còn chứng kiến thêm nhiều ngày ấm hơn nữa trong vòng 6 tuần tới".
Kỷ lục toàn cầu mới chỉ là khởi điểm, đây là một dấu hiệu nữa minh chứng trái đất nóng lên nhanh tới mức nào. Năm nay, hiện tượng El Nino cộng hưởng, tình trạng trái đất nóng lên do biến đổi khí hậu lại càng trầm trọng hơn.
"Kỷ lục này có thể sẽ bị phá vỡ, bởi cả mùa hè của bắc bán cầu vẫn còn ở phía trước và hiện tượng El Nino vẫn còn tiếp tục", chuyên gia về khí hậu Friederike Otto tại Viện Môi trường và Biến đổi khí hậu Grantham, Anh quốc cho biết.
Năm nay đã chứng kiến những kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ trên khắp thế giới với những hậu quả thảm khốc.
Tại Mỹ, bang Texas và miền nam nước này đã trải qua đợt nắng nóng khốc liệt vào cuối tháng 6, nền nhiệt nóng và độ ẩm cực cao. Thời tiết nắng nóng cực đoan cũng khiến ít nhất 112 người thiệt mạng ở Mexico kể từ tháng 3 năm nay.
Nắng nóng tàn khốc ở Ấn Độ cũng đã khiến ít nhất 44 người tử vong trên khắp bang Bihar. Trung Quốc cũng đã trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt và ghi nhận số ngày nắng nóng cao nhất.
Ở châu Âu, Vương quốc Anh cũng trải qua tháng 6 nóng nhất kể từ năm 1884.
Theo các nhà khoa học, khi khủng hoảng khí hậu gia tăng, rõ ràng các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Mời độc giả xem thêm video:
Xe container chở 22 tấn thuốc lá bất ngờ bốc cháy dữ dội trên đường cao tốc