Thông tin trên được TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại hội thảo Khoa học chuyên ngành hóa sinh và Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Khoa Hóa sinh của Bệnh viện Bạch mai hôm nay - 8/11.
Mới đây sau 4 tháng thí diểm, Bệnh viện Bạch Mai triển khai bệnh án điện tử và là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của Bộ Y tế không dùng giấy, liên thông kết quả xét nghiệm.
Trước đó, người bệnh mất khoảng 3 giờ để nhận kết quả các xét nghiệm thông thường (huyết học, sinh hóa máu, nước tiểu...) thì nay giảm xuống còn 1 giờ, thậm chí có những xét nghiệm chỉ sau 15 phút người bệnh đã được trả kết quả. Ngoài ra, với một số xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, người bệnh chỉ cần quét mã QR để xem kết quả.
Trung bình, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 7.000-10.000 người bệnh đến khám ngoại trú và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Do đó, theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện rất chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân khi đăng ký và trong quá trình khám chữa bệnh được diễn ra nhanh nhất.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết, Khoa Hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai được thành lập từ năm 1954, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đến nay khoa đã trở thành chuyên khoa đầu ngành về hóa sinh lâm sàng trong cả nước. Trong 70 năm qua, Khoa Hóa sinh luôn nỗ lực không ngừng trong công tác chuyên môn, với số lượng và danh mục liên tục tăng qua các năm, đẩy mạnh phát triển các xét nghiệm mới và các xét nghiệm chuyên sâu.
Hiện nay, khoa đang thực hiện hơn 300 quy trình xét nghiệm với số lượng gần 10 nghìn xét nghiệm mỗi ngày, dự kiến sẽ triển khai thêm 38 danh mục xét nghiệm mới thời gian tới.
"Đáng mừng, theo sự phân công của Bộ Y tế, Khoa Hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai là một labo tham chiếu thuộc hệ thống các phòng xét nghiệm trong cả nước"- PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết.
Trong hàng chục năm qua, khoa không ngừng xây dựng và phát triển hệ thống chất lượng và chuyên môn, trở thành phòng xét nghiệm sinh hóa đầu tiên được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 15198 ở nước ta và đạt được những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khác của quốc tế, duy trì vị trí hàng đầu về chất lượng xét nghiệm.
Ngoài nhiệm vụ xét nghiệm hóa sinh phục vụ công tác chẩn đoán, theo dõi điều trị của tất cả các khoa, phòng của bệnh viện, Khoa Hóa sinh còn là phòng xét nghiệm tham chiếu cho các cơ sở y tế trên cả nước; tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo và tư vấn về công tác bảo đảm chất lượng cho tuyến trước, trở thành ngọn cờ đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được các cấp lãnh đạo giao phó cho chuyên khoa hóa sinh lâm sàng của ngành y tế.
Khoa Hóa sinh Bệnh viện Bạch Mai còn là cơ sở thực hành về hóa sinh lâm sàng của nhiều trường đào tạo về y dược như: Cao đẳng Y tế Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược (Đại học quốc gia Hà Nội), Đại học Tokyo Việt Nam…
Bên cạnh đó, khoa cũng đã được Bộ Y tế giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như tham gia đoàn thẩm định các bệnh viện, cơ sở y tế, là đầu mối xây dựng danh mục xét nghiệm; hướng dẫn quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật cho các xét nghiệm chuyên khoa hóa sinh...
Theo TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong hệ thống khám chữa bệnh, đối với lĩnh vực cận lâm sàng, hóa sinh là thực hiện các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu, dùng xét nghiệm để chẩn đoán, điều trị, đặc biệt là theo dõi điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, vai trò của Khoa Hóa sinh rất quan trọng.
TS Đức đề nghị Khoa Hóa sinh cần tiếp tục chủ động phối hợp với các khoa lâm sàng và các bác sĩ điều trị để thực hiện các xét nghiệm nhanh, kịp thời, phục vụ việc chẩn đoán, điều trị cho người bệnh thuận tiện nhất...
Tại hội nghị Khoa học chuyên ngành hóa sinh các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung trong lĩnh vực này như: Giải pháp nâng cao nguồn lực phát triển chuyên ngành hóa sinh; danh mục xét nghiệm, định mức xét nghiệm, bảo đảm chất lượng xét nghiệm; các yếu tố ảnh hưởng xét nghiệm định lượng troponin huyết thanh, huyết tương và một số lưu ý khi triển khai xét nghiệm; giá trị của calprotectin và anti vinculin phân biệt viêm loét đại trực tràng chảy máu và hội chứng ruột kích thích...
Dịp này, Bộ trưởng Y tế trao tặng Bằng khen cho Khoa Hóa sinh đã có thành tích xuất sắc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật xây dựng quy trình chuyên ngành hóa sinh lâm sàng; Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tặng Giấy khen cho 12 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật xây dựng quy trình chuyên ngành hóa sinh lâm sàng...