Liên thông kết quả xét nghiệm ở BV lớn nhất miền Bắc ra sao?

19-08-2017 12:09 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sau hơn nửa tháng triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế, TS. Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai cho rằng, đây là những bước đầu tiên để tiến tới liên thông toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh.

Xây dựng kho chuẩn dữ liệu cả quá trình điều trị

PV: 38 BV tuyến Trung ương đã bắt đầu thực hiện liên thông kết quả đối với 65 loại xét nghiệm khác nhau với thời gian tối đa khác nhau. Ông có đánh giá như thế nào sau một thời gian triển khai việc liên thông kết quả xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế tại BV Bạch Mai – nơi tuyến cuối tiếp nhận số lượng rất lớn bệnh nhân đến khám và điều trị?

TS. Dương Đức Hùng: Danh mục 65 xét nghiệm về huyết học, hóa sinh, vi sinh mà Bộ Y tế cho phép được liên thông kết quả xét nghiệm và liên thông có điều kiện so với tổng số các xét nghiệm BV Bạch Mai làm thì có thể nói đây là một con số không lớn. Mỗi năm, BV Bạch Mai tiến hành khoảng 11.153.993 xét nghiệm hóa sinh; 1.136.483 xét nghiệm huyết học và 1.400.000 xét nghiệm vi sinh.

TS. Dương Đức Hùng.

Để có con số chính xác và khách quan của việc liên thông kết quả xét nghiệm có lẽ cần có thêm thời gian, tuy nhiên theo tôi, đích hướng tới của việc liên thông này không chỉ là liên thông kết quả xét nghiệm mà còn là liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả siêu âm, và đặc biệt là liên thông các thông tin của người bệnh. Chúng ta mới chỉ đang ở những bước đầu tiên để tiến tới liên thông toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh, tiến tới một hệ thống y tế hiện đại.

Tôi cho rằng, việc liên thông kết quả xét nghiệm là bước khởi đầu rất đúng đắn của ngành y tế, và trong tương lai mỗi một BV sẽ xây dựng kho dữ liệu trong đó không chỉ có xét nghiệm mà còn có các vấn đề điều trị của người bệnh. Một khi các BV liên thông với nhau thì người được lợi đó chính là người bệnh và tiến tới là bác sĩ điều trị, bởi lẽ bác sĩ chỉ cần "bấm nút" là có thể truy xuất một cách hết sức rõ ràng, cụ thể, chính xác không chỉ một vài kết quả xét nghiệm mà là cả quá trình diễn biến điều trị trước đó của người bệnh ở các BV khác. Và lúc đó rõ ràng chất lượng khám chữa bệnh của người bệnh sẽ được cải thiện rất nhiều.

Các bác sĩ tiến hành xét nghiệm Hóa sinh và Vi sinh tại BV Bạch Mai.

Chấp nhận kết quả xét nghiệm hay không tùy thuộc vào tình trạng bệnh, BS điều trị sẽ quyết định

PV: Vậy giữa các BV có chuẩn xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép liên thông kết quả xét nghiệm thì bệnh nhân không phải tiến hành xét nghiệm lại, điều này có áp dụng với toàn bộ bệnh nhân khi đã tiến hành xét nghiệm ở BV được liên thông với BV Bạch Mai?

TS. Dương Đức Hùng: Để có thể dùng chung kết quả xét nghiệm thì điều đầu tiên là giữa các BV phải có chuẩn chung về tiêu chuẩn xét nghiệm. Trên thực tế đã có nhiều BV cùng tuyến chuyển bệnh nhân đến BV Bạch Mai mà không cần làm lại một số xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Việc sử dụng lại kết quả xét nghiệm có thể tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh, giảm được nhiều chi phí gián tiếp như thời gian đi lại, chờ đợi xét nghiệm của bệnh nhân. BV cũng không bị quá tải các xét nghiệm, tiết kiệm được nhân lực, thời gian của nhân viên y tế...

Tuy nhiên, từ thực tế điều trị cũng cho thấy, chỉ một số xét nghiệm có tính bền vững, ít biến đổi theo thời gian thì nếu có kết quả từ BV trước sẽ không phải thực hiện lại. Tuy nhiên cũng có những chỉ số thường xuyên thay đổi theo diễn biến tình trạng bệnh như công thức máu, men gan phải làm lại, thậm chí là xét nghiệm về nhóm máu vẫn cần phải làm lại trong trường hợp người bệnh phải truyền máu.

Trước mỗi người bệnh của mình, bác sĩ điều trị là người trực tiếp xem xét kỹ lưỡng và quyết định có nên chấp nhận kết quả xét nghiệm trước đó ở một cơ sở khám bệnh khác hay không. Có thể chấp nhận kết quả xét nghiệm nhưng cũng có thể chúng tôi phải cho làm lại lần 2, lần 3 thậm chí là nhờ thêm một đơn vị độc lập để làm xét nghiệm thì mới cho kết quả tốt và điều trị tốt được.

Tôi ví dụ như đang trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết như hiện nay, thậm chí có lúc chúng tôi phải xét nghiệm tiểu cầu cho bệnh nhân mỗi tiếng một lần, tiểu cầu “tụt dốc không phanh” trong khi buổi sáng xét nghiệm còn 70.000 thì đến trưa chỉ còn 30.000. Điều này cho thấy tình trạng bệnh biến đổi theo thời gian rất ngắn diễn biến bệnh và cần thiết phải xét nghiệm đi xét nghiệm lại, xét nghiệm liên tục để đáp ứng điều trị.

Trong xét nghiệm, chúng tôi phải thực hiện hết sức thận trọng và thẩm định kỹ càng. Đơn cử như kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với HIV thì không phải là cứ máy in kết quả ra là công bố ngay, mà chúng tôi phải thẩm định kỹ càng, sau đó lãnh đạo khoa, thậm chí là lãnh đạo BV mới được phép ký ban hành đảm bảo tính nhân văn và chính xác tuyệt đối.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai: Kết quả xét nghiệm ở BV Bạch Mai có thể được chấp nhận ở nước ngoài.

Việc liên thông kết quả xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế ban hành là quyết định đúng đắn, vừa thuận tiện cho bệnh nhân vừa đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí xét nghiệm, thủ tục hành chính…

Tuy nhiên danh mục kết quả xét nghiệm được liên thông phải có điều kiện cụ thể, trong quyết định đã quy định rõ: Quyền sử dụng kết quả xét nghiệm, quyết định có làm lại xét nghiệm hay không là toàn quyền của bác sĩ điều trị, tùy thuộc bệnh lý, diễn biến tình trạng lâm sàng của người bệnh. Tôi cho rằng, trong khám chữa bệnh, vấn đề an toàn người bệnh là quan trọng nhất, bác sĩ phải hết sức thận trọng. Do đó, nên liên thông giữa các BV có trình độ tương đương về độ chính xác trong xét nghiệm hoặc BV ở mức thấp hơn được sử dụng kết quả xét nghiệm ở BV mức cao hơn.

Ở BV Bạch Mai, các labo huyết học, hóa sinh, vi sinh đều đã đạt chuẩn ISO 15189, đây là chuẩn cao đạt trình độ quốc tế và kết quả xét nghiệm này được chấp nhận ở nước ngoài.

TS. Nguyễn Xuân Hiền Phó trưởng khoa Chẩn đóan hình ảnh, BV Bạch Mai:

Kết quả xét nghiệm liên thông rồi có làm lại nữa không? Tôi cho rằng chỉ có bác sĩ là người chịu trách nhiệm trước quyết định có nên làm lại xét nghiệm hay không. Việc này tùy theo thực tế điều trị chứ không thể cứng nhắc được, kể cả với các BV đồng hạng được phép liên thông kết quả xét nghiệm.

BS. Bùi Tuấn Anh, Trưởng khoa Hóa sinh, BV Bạch Mai:

Việc nội kiểm và ngoại kiểm được tiến hành thường xuyên tại các khoa Hóa sinh, Vi sinh, Huyết học của BV. Một ngày khoa Hóa sinh phân tích khoảng 2 đến 3 lần ở các mức thấp - trung bình - cao, xấp xỉ 2.000 xét nghiệm dành công tác nội kiểm. Còn công tác ngoại kiểm cũng được tiến hành hàng tháng rất nhiều, đây là một con số lớn mà không phải BV nào cũng đứng ra lo liệu được vật liệu nội kiểm, ngoại kiểm để đảm bảo tính chính xác trong xét nghiệm.

Dương Hải
Ý kiến của bạn