Theo đánh giá của các chuyên gia, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV không chỉ giúp tiết kiệm được chi phí xét nghiệm mà còn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khi người dân không còn phải tốn tiền, mất thời gian để chờ đợi làm các xét nghiệm như nhau khi khám chữa bệnh...
65 loại xét nghiệm được liên thông kết quả
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, liên thông xét nghiệm thực chất là việc cơ sở khám chữa bệnh này công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác trong một số trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng trong một thời gian và trên cơ sở tình trạng người bệnh. Thực hiện được điều này có nghĩa là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả có thể được cơ sở khám chữa bệnh khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp. Nhưng để thực hiện được việc liên thông này, phòng thí nghiệm của các BV phải có chất lượng tương đương, đáp ứng các tiêu chí mà Bộ Y tế đã đưa ra. Theo đó, 38 BV thực hiện liên thông kết quả đều là các BV trực thuộc Bộ Y tế. Vì thế, đại diện các BV cho biết họ rất yên tâm khi thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các viện với nhau.
Tại Quyết định số 3148/QĐ-BYT ngày 7/7/2017 do Bộ Y tế ban hành, danh mục xét nghiệm áp dụng để liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm có 3 nhóm xét nghiệm được liên thông: huyết học, hóa sinh, vi sinh. Nhóm huyết học có 22 xét nghiệm có thể dùng lại, nhóm vi sinh có 26 xét nghiệm, nhóm hóa sinh có 17 xét nghiệm. Danh mục đều ghi rõ thời gian tối đa có thể dùng lại xét nghiệm từ 1-7 ngày. Có một số xét nghiệm, thời gian xét nghiệm còn hiệu lực để dùng lại tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh. Riêng xét nghiệm định lượng HbA1c có thời hạn tối đa đến 60 ngày nhưng trong một số trường hợp cụ thể tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh.
Có 3 nhóm xét nghiệm được liên thông: huyết học, hóa sinh, vi sinh. Ảnh: TM
TS. Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Bạch Mai cho biết, từ ngày 1/8, BV cũng đã liên thông kết quả xét nghiệm với nhiều BV TW khác. Đã có nhiều BV cùng tuyến chuyển bệnh nhân đến mà không cần làm lại một số xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. “Việc sử dụng lại kết quả xét nghiệm có thể tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất để liên thông kết quả xét nghiệm là giảm được nhiều chi phí gián tiếp như thời gian đi lại, chờ đợi xét nghiệm của bệnh nhân. BV không bị quá tải các xét nghiệm, cũng tiết kiệm được nhân lực, thời gian của nhân viên y tế” - TS. Dương Đức Hùng nói.
Tại BV Nhi TW, để thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, thời gian qua, BV Nhi TW đã tiến hành rà soát, đánh giá lại chất lượng của phòng xét nghiệm ở tất cả các lĩnh vực: huyết học, vi sinh, sinh hóa... và nâng cấp, hoàn thiện theo chất lượng ISO 15189 mà Bộ Y tế đề ra. Xét nghiệm nào đã được công nhận thì duy trì chất lượng; xét nghiệm nào chưa đạt phải nâng cấp, cập nhật. TS. Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc BV Nhi TW cho biết, một số xét nghiệm như: vi khuẩn bệnh lao, nhóm máu, chức năng gan, thận... nếu đã có rồi, người bệnh sẽ không phải xét nghiệm lại.
Bộ Y tế sẽ đánh giá việc thực hiện liên thông xét nghiệm trong tháng 8/2017
Tại hội nghị về vấn đề liên thông kết quả xét nghiệm do Bộ Y tế tổ chức cách đây không lâu, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa đưa ra thông tin, mỗi năm có tổng số 475 triệu xét nghiệm, trong đó, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các BV đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm, tăng nhanh hơn số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh. Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các BV đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện Bộ Y tế thí điểm mỗi chuyên ngành có từ 2-3 xét nghiệm được liên thông, sau đó từng bước mở rộng, xây dựng các danh mục xét nghiệm. Trong tháng 8/2017, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
Trước ý kiến cho rằng, việc liên thông xét nghiệm có thể sẽ khiến các bác sĩ bị “ép” dùng lại các kết quả xét nghiệm dù bệnh nhân cần phải xét nghiệm lại. Ông Nguyễn Trọng Khoa nói rõ: Quy định về việc liên thông kết quả xét nghiệm không phải để “bó chặt” các bác sĩ trong việc chỉ định xét nghiệm mà các bác sĩ vẫn là người có quyết định cao nhất trong điều trị. Nếu ca bệnh nào thấy cần phải xét nghiệm thì các bác sĩ vẫn có quyền chỉ định xét nghiệm. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cần nhớ không lãng phí nếu kết quả xét nghiệm vẫn sử dụng được”.
Từ thực tế điều trị, TS. Dương Đức Hùng cũng nói thêm, chỉ một số xét nghiệm có tính bền vững nếu có kết quả từ BV trước sẽ không phải thực hiện lại, nhưng có những chỉ số thường xuyên thay đổi như công thức máu, men gan phải làm lại, thậm chí là xét nghiệm về nhóm máu vẫn cần phải làm lại trong trường hợp người bệnh phải truyền máu.
TS. Lê Thị Minh Hương cũng cho rằng, việc công nhận kết quả xét nghiệm liên thông không cứng nhắc, mà áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, với những bệnh nhân chuyển đến, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà có thể công nhận kết quả xét nghiệm trong khoảng thời gian nào đó, làm giá trị tham chiếu. Quá trình điều trị, nếu bệnh nhân nặng hơn thì phải xét nghiệm lại.
Theo lộ trình thực hiện liên thông xét nghiệm, đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các BV trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.