Liên thông dữ liệu Dược Quốc gia: Vẫn còn nhiều khó khăn

09-04-2019 08:50 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Dưới sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, song song với hệ thống chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, mạng lưới kinh doanh (KD) phân phối dược phẩm tại Việt Nam đã phát triển như vũ bão.

Việc kết nối liên thông dữ liệu của các cơ sở kinh doanh dược phẩm sẽ giúp người dân được sử dụng cách dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đa dạng hơn với chi phí ngày càng hợp lý hơn.

Cần thiết phải kết nối liên thông dữ liệu các cơ sở kinh doanh dược phẩm

Trong thực tế, hệ thống KD, phân phối dược phẩm còn tồn tại nhiều nguy cơ có thể gây rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh như: Vấn nạn KD phân phối thuốc giả, thuốc kém chất lượng; Việc tự ý sử dụng thuốc, lạm dụng thuốc vẫn đang diễn ra phổ biến kéo theo hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh; hệ thống KD phân phối qua nhiều khâu trung gian khác nhau nên khó khăn trong việc quản lý kiểm soát chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc/xuất xứ cũng như giá cả của thuốc.

Nghị quyết số 20-NQ/TW đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 25/10/2017 đề cập rất rõ về việc quản lý hệ thống cung ứng thuốc trong tình hình mới, cụ thể là: “... Tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc...”.

Nhà thuốc không liên thông dữ liệu sẽ phải ngừng hoạt động.

Nhà thuốc không liên thông dữ liệu sẽ phải ngừng hoạt động.

Nỗ lực xây dựng hệ thống Dược Quốc gia và ban hành chính sách thực hiện

Thực hiện Nghị quyết TW20, Bộ Y tế đã ban hành chương trình hành động cụ thể bởi Quyết định số 1624 ngày 06/3/2018 đưa ra mục tiêu cụ thể: “... Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc kê đơn mà không có đơn, bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối mạng giữa cơ sở khám bệnh và nhà thuốc, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc...”. Ngày 17/08/2018, Quyết định số 5071/QĐ-BYT của Bộ Y tế đã được ban hành về việc “Kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn và bán thuốc theo đơn”. Cũng trong thời điểm này, việc triển khai tập huấn thí điểm ở một số tỉnh/thành được tiến hành để đánh giá thực tế, hoàn thiện phần mềm, quy trình.

Việc triển khai ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc sẽ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp CNTT, đem lại nhiều sự lựa chọn về sản phẩm hơn cho các nhà thuốc/quầy thuốc trong việc kết nối liên thông, đa dạng hóa các nhà cung cấp. Để đẩy nhanh tiến độ này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, ngày 28/12/2018 Cục Quản lý Dược đã ban hành Công văn số 24026/QLD-TTra về việc hướng dẫn tạm thời việc triển khai kết nối liên thông dữ liệu. Đây là văn bản có tính chất pháp lý quyết định trong việc liên thông dữ liệu. Dựa vào văn bản này, Sở Y tế các tỉnh/thành, các nhà cung cấp phần mềm và các nhà thuốc/quầy thuốc triển khai, tiến hành thực hiện theo các nội dung công việc của mình.

Vẫn còn những khó khăn

Lộ trình kết nối liên thông dữ liệu của các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện từ 01/01/2019 cho đến nay đã được hơn 3 tháng, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nhiều nhà thuốc/quầy thuốc còn chậm trễ trong việc tiếp cận danh sách các đơn vị cung cấp phần mềm đã được công khai tại website của Cục Quản lý Dược dẫn đến mất thêm thời gian xác minh, tìm hiểu và lựa chọn đơn vị cung cấp phần mềm. Không ít các nhà thuốc/quầy thuốc còn có tâm lý đối phó khi triển khai kết nối liên thông do còn thiếu nhận thức, hạn chế về kỹ năng tin học, chưa có kế hoạch đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin một cách đúng mức.

Ở tại một số tỉnh/thành, quy trình cấp tài khoản không kịp thời có thể kéo dài đến 7-10 ngày do trong quy trình cấp tài khoản không có quy định về thời hạn phải cấp tài khoản là bao lâu sau khi nhận được đề nghị từ nhà thuốc/quầy thuốc. Việc yêu cầu phải có địa chỉ IP tĩnh để kết nối liên thông dữ liệu lên hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” dẫn đến phát sinh chi phí thường xuyên và lâu dài trong suốt quá trình hoạt động KD của nhà thuốc/quầy thuốc.

Ngoài ra, tình trạng người dân vẫn có thói quen mua thuốc không có đơn, không có thông tin cá nhân khiến cho việc cập nhật đầy đủ dữ liệu để đảm bảo liên thông không hề dễ dàng.

Làm thế nào để triển khai thành công?

Để đảm bảo cho việc áp dụng triển khai thực hiện thành công nhà thuốc/quầy thuốc, cần lưu ý:

Tham khảo danh sách các đơn vị cung cấp phần mềm đã liên thông thành công được đăng tải tại website của Cục Quản lý Dược. Sản phẩm phần mềm được lựa chọn dựa trên những tiêu chí chính sau: Liên thông dữ liệu, cung cấp biểu mẫu sổ sách Thực hành tốt Nhà thuốc (GPP) và phục vụ cho nhu cầu quản lý hàng ngày của nhà thuốc/quầy thuốc. Để đáp ứng tất cả các tiêu chí trên, cần tìm sản phẩm đã trải qua nhiều năm triển khai thực tế, có tính chuyên môn cao đặc thù và có số lượng khách hàng đông đảo.

Nếu nhà thuốc chưa có tài khoản liên thông, cần tiến hành thực hiện ngay các thủ tục xin cấp tài khoản. Thủ tục và trình tự xin cấp tài khoản được thực hiện theo đúng quy trình do Sở Y tế địa phương ban hành.

Cần lưu giữ, bảo vệ tài khoản liên thông; yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm cần có cam kết rõ ràng trong việc sử dụng tài khoản liên thông. Trong trường hợp muốn thay đổi đơn vị cung cấp phần mềm, cần phải gửi thông tin tài khoản liên thông cho đơn vị cung cấp mới để đảm bảo việc kết nối liên thông dữ liệu không bị gián đoạn. Lưu ý rằng tài khoản liên thông và tài khoản để đăng nhập sử dụng phần mềm là hoàn toàn khác nhau.

Ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng vào quản lý cơ sở bán lẻ thuốc chính là đưa vào một phương thức quản lý mới, từ hoạt động thủ công sang hoạt động trên nền tảng công nghệ để đảm bảo công khai minh bạch trong kinh doanh. Tuy nhiên, nhận thức của các chủ cơ sở bán lẻ thuốc không dễ thay đổi, bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen khám bệnh, mua thuốc theo đơn nên việc triển khai thực hiện không hề dễ dàng. Song song với việc tuyên truyền thuyết phục, hỗ trợ thực hiện, cần có các chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm.


DS. Nguyễn Thế Đông
Ý kiến của bạn