Liên quan giữa ác mộng và bệnh tim

11-05-2015 07:17 | Y học 360
google news

SKĐS - Các cơn mơ về ác mộng khác nhau trên mỗi người. Một vài nghiên cứu thấy rằng một số bệnh lý tim mạch cũng hay gặp ở người hay có ác mộng.

Các cơn mơ về ác mộng khác nhau trên mỗi người. Một vài nghiên cứu thấy rằng một số bệnh lý tim mạch cũng hay gặp ở người hay có ác mộng. Bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến nguyên nhân gây ác mộng. Ác mộng ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch như thế nào? Cách nào có thể làm để giảm các cơn ác mộng?

Có ai trong đời không có một lần ngủ không mơ thấy ác mộng? Ác mộng có thể là những con ma tưởng tượng trong giấc ngủ thời tuổi thơ hay những giấc mơ về tai nạn chúng ta nhìn thấy khi đi đường, hoặc giả chúng ta thấy như có ai đó đè lên lồng ngực làm chúng ta không thở được, muốn vùng dậy khi đang ngủ, rồi chúng ta có thể mơ thấy người xưa tái hiện về.

Tại sao lại xuất hiện ác mộng?

Ác mộng thường liên quan đến những gì chúng ta đã trải qua hoặc nghe kể. Những hình ảnh này sẽ tái hiện lại trong giấc ngủ của chúng ta. Ác mộng khiến chúng ta phải bật dậy khi đang ngủ say. Sau cơn ác mộng, mọi người thường lo sợ và tim đập nhanh khi tỉnh giấc. Ác mộng thường hay gặp ở trẻ em, hơn một nửa trẻ em thỉnh thoảng có những cơn ác mộng. Với người lớn, cơn ác mộng có tần suất từ 2-8%.

Ác mộng ở người lớn thường không rõ nguyên nhân. Nhưng nó cũng có thể gây ra từ một số nguyên nhân sau:

Một số người có ác mộng thường sau những bữa ăn muộn về đêm. Điều này làm tăng chuyển hóa và các tín hiệu chuyển đến não nhiều hơn và não cũng hoạt động nhiều hơn. Một số thuốc dùng cũng có thể làm cho dễ gây ác mộng, nhất là những thuốc tác động lên não như các thuốc chống trầm cảm và các thuốc giảm đau dạng narcotics, các loại ma túy và một số thuốc hạ huyết áp cũng là nguyên nhân gây ra ác mộng. Rượu cũng là một nhân tố kích thích gây ra ác mộng. Mất ngủ cũng góp phần làm dễ bị ác mộng. Một số trạng thái tâm lý cũng góp phần gây nên mất ngủ như căng thẳng, trầm cảm là nguyên nhân của ác mộng. Những rối loạn căng thẳng sau chấn thương thường cũng hay có các cơn ác mộng kéo dài, nhất là những người bị những bệnh lý mạn tính. Một số cơn ác mộng là do các rối loạn giấc ngủ như hội chứng ngừng thở lúc ngủ hoặc hội chứng “chấn động khi ngủ”. Nếu các nguyên nhân trên được loại trừ đa phần ác mộng là do rối loạn giấc ngủ.

Có mối tương quan với bệnh lý tim mạch

Một nghiên cứu tại Thụy Điển cho thấy những người lớn tuổi có nhiều cơn ác mộng sẽ làm ngoại tâm thu xuất hiện nhiều hơn và những người này cũng thường hay có những cơn đau ngực do co thắt. Cũng nghiên cứu này, đau ngực và ngoại tâm thu tăng lên ở phụ nữ từ 40 - 64 tuổi hay có ác mộng và ngủ kém. Đau ngực do co thắt cũng xuất hiện tăng lên ở phụ nữ trung niên hay có ác mộng và đặc biệt cao ở những người tiền mãn kinh.

Hầu hết cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim xuất hiện vào sáng sớm. Việc thức dậy đột ngột với tần số tim nhanh sau ác mộng cũng làm xuất hiện nhiều hơn nhồi máu cơ tim vào thời điểm này.

Những người hay có ác mộng có thể do hội chứng ngừng thở lúc ngủ gây ra. Với những bệnh nhân có hội chứng này, tỷ lệ rối loạn nhịp tăng lên cao, đặc biệt là nhịp chậm và tình trạng rung nhĩ. Những tình trạng này có thể làm gia tăng đột tử và tăng tỷ lệ tai biến mạch não cũng như suy tim ở những bệnh nhân này.

Một số bệnh lý tim mạch như bệnh tim hoặc béo phì cũng gây nên mất ngủ và gây ra những giấc ngủ nhiều ác mộng.

Điều trị ác mộng như thế nào?

May mắn là chúng ta có thể từng bước làm giảm được các cơn ác mộng. Nếu cơn ác mộng là do thuốc gây ra, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để thay đổi thuốc hoặc giảm liều để tránh các tác dụng phụ của thuốc.

Nếu ngủ ác mộng không phải do bệnh mạn tính hay liên quan đến thuốc, việc thay đổi thói quen chứng minh có hiệu quả đến 70% những người ngủ gặp ác mộng như mệt mỏi, trầm cảm. Giữ cho ngủ và dậy đúng giờ là rất quan trọng. Tập thể dục đều đặn sẽ giúp làm giảm và hết ác mộng do nguyên nhân mệt mỏi và căng thẳng. Tập Yoga và một số thuốc cũng góp phần loại bỏ ác mộng. Cần lưu ý, việc bỏ rượu, cà phê và thuốc lá có thể giúp cho giấc ngủ tốt hơn.

TS.BS. Phạm Như Hùng (Viện Tim mạch Việt Nam)

 

 

 


Ý kiến của bạn