Hà Nội

Liên quan đến vụ ngộ độc tại Lai Châu: Gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc đã được tiêu hủy

19-02-2017 21:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo chính quyền huyện Phong Thổ, tính đến thời điểm này, 5 xã biên giới của huyện Phong Thổ gồm Ma Ly Chải, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Mồ Sì San và Dào San đã có 126 người đến các cơ sở y tế để kiểm tra theo dõi do ngộ độc và có biểu hiện bị ngộ độc rượu.

Liên quan đến vụ ngộ độc tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ- tỉnh Lai Châu, thông tin từ chính quyền huyện Phong Thổ cho biết, tính đến cuối giờ chiều ngày 19/2, đã có 105 bị ảnh hưởng bởi vụ ngộ độc này. Cũng theo chính quyền huyện Phong Thổ, tính đến thời điểm này, 5 xã biên giới của huyện Phong Thổ gồm Ma Ly Chải, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Mồ Sì San và Dào San đã có 126 người đến các cơ sở y tế để kiểm tra theo dõi do ngộ độc và có biểu hiện bị ngộ độc rượu.

Ông Dương Đình Đức- phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, sở dĩ trong những ngày qua việc nạn nhân đột biến tăng là do các cơ quan liên quan đã làm tốt công tác tuyên truyền. Việc tuyên tuyền cho bà con cũng như kiểm soát nguồn rượu đã được thực hiện ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra. Nhiều người thấy có biểu hiện đã đến các cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi, vì vậy mới xảy ra tình trạng xuất hiện thêm nhiều người có biểu hiện bị ngộ độc. Mặc dù vậy đến hiện tại tình hình đã cơ bản được khống chế.

Được biết, do được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động, cùng với sự phối hợp của các cơ quan truyền thông, ngày hôm qua (18/2) đã có hơn 60 người sử dụng rượu có chung nguồn gốc mua tại xã Sì Lởi Lầu sau khi khám sàng lọc tại y tế cơ sở đã về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu để kiểm tra.

Đến nay, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân ngộ độc do uống rượu tại đám tang và một số bệnh nhân uống rượu bên ngoài đám tang đang điều trị tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Lai Châu cơ bản ổn định. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, nơi cứu chữa cho bệnh nhân nặng của vụ ngộ độc trong và ngoài đám tang. Sau 6 ngày xảy ra vụ ngộ độc ngoài ba trường hợp vào cấp cứu trong hai ngày 17 và 18 /2 chưa ổn định, còn lại tình hình sức khỏe của các nạn nhân đã tốt lên rất nhiều. Số bệnh nhân điều trị những ngày đầu đã được chuyển sang khoa mắt và một số khoa phục hồi chức năng khác để tiếp tục điều trị các bệnh lý về di chứng.

Tại Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ có 46 bệnh nhân ngộ độc ở thể nhẹ những ngày qua, tình hình sức khỏe cũng đã hồi phục nhanh chóng và vào lúc 16h chiều nay (19/2) đã có 10 bệnh nhân ra viện.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và tuyến dưới cùng trao đổi chuyên môn khi thăm, khám cho nạn nhân của vụ ngộ độc tại bản Tả Chải                 Ảnh: Thế Anh

Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng đã thu hồi và tiêu hủy gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ở 8 xã biên giới, trong đó người dân tự nộp và tiêu hủy gần 1.000 lít. Đến nay, tình hình ngộ độc rượu trên địa bàn, đặc biệt là các nạn nhân liên quan đã được kiểm soát.

Chính quyền địa phương cũng đang chỉ đạo các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã tiếp tục tập trung và ưu tiên đặc biệt cho công tác thu dung, cứu chữa các nạn nhân vụ ngộ độc thực phẩm trong và ngoài đám tang, hạn chế tối đa tình trạng tử vong. Công tác khắc phục và các biện pháp phòng ngừa vụ ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp tục được địa phương duy trì triển khai.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đoạn chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của xã tập trung vận động nhân dân các dân tộc trên địa bàn không dùng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng, kiểm soát thật chặt chẽ các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng rượu, bia, nước giải khát cũng như là thực phẩm an toàn”-ông Dương Đình Đức nói

Trước đó, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lèng, sinh năm 1957, dân tộc Hà Nhì, ở xã Ma Ly Chải, Phong Thổ, Lai Châu tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến 22h tối cùng ngày ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau đó, gia đình tổ chức hậu sự của ông Lèng trong 3 ngày 11-13/2; theo phong tục, đồng bào trong bản đến ăn cơm, uống rượu. Đến chiều ngày 13/2 xảy ra hiện tượng nhiều người cùng bị đau đầu, buồn nôn giãn đồng tử và tử vong. Các nạn nhân đều uống rượu, ăn một số thực phẩm khác.

Được biết trong bữa ăn tại đám ma các ngày 11,12,13/2 tại nhà ông Lèng, các nạn nhân đã ăn cơm, thịt, đậu phụ, rau cải, một số người có uống rượu và ăn kẹo do Trung Quốc sản xuất. Theo các bác sỹ, nạn nhân cho biết họ uống rượu theo bát, mỗi người uống từ 1 đến vài bát. Đến nay đã có 8 người tử vong (tính cả ông Phu Vần Lèng) do liên quan đến vụ ngộ độc này.

Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng sau đó cũng cho thấy các mẫu rượu được kiểm nghiệm có hàm lượng methanol vượt ngưỡng nhiều lần

 

 

 

 


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn