Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố có cản được bước ISIS?

15-12-2015 16:16 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 15/12, Saudi Arabia thông báo thành lập một liên minh quân sự Hồi giáo gồm 34 quốc gia chống chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, nỗ lực này có đủ để cản bước IS hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ.

Hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia dẫn một thông cáo chung cho biết liên minh trên do Saudi Arabia dẫn đầu, với trung tâm tác chiến chung đặt tại Riyadh để điều phối và hỗ trợ các chiến dịch quân sự. Trong số 34 quốc gia tham gia liên minh có các nước Arab như Ai Cập, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE); các nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Pakistan, cùng các nước Arab vùng Vịnh và châu Phi. "Một nhiệm vụ của liên minh là bảo vệ quốc gia Hồi giáo khỏi các tổ chức và các nhóm khủng bố thuộc bất cứ tôn giáo nào và dưới bất cứ tên gọi nào gây chết chóc và lũng đoạn với mục đích khủng bố người vô tội", thông cáo của chính phủ Saudi Arabia cho biết.

Ngoại trưởng Saudi Arabia đọc tuyên bố thành lập Liên minh chống khủng bố mới.

Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salmancho biết liên minh trên sẽ phối hợp các nỗ lực chống khủng bố tại Iraq, Syria, Libya, Ai Cập và Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh liên minh mới không chỉ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mà nhằm vào "bất cứ tổ chức khủng bố nào xuất hiện".

Saudi Arabia đã đối mặt với nguy cơ khủng bố ngày càng nghiêm trọng khi IS nhằm mũi dùi tấn công vào quốc gia này. Ngày 26/10 vừa qua, một vụ đánh bom liều xảy ra tại một thánh đường Hồi giáo ở thành phố Najran miền Nam Saudi Arabia, khiến 2 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Trong khi đó, theo SITE Intelligence Group - một tổ chức của Mỹ chuyên theo dõi các hoạt động khủng bố trên mạng, nhóm tự xưng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đã thừa nhận đứng sau vụ tấn công trên. Trong thông điệp đăng tải trên trang mạng Twitter, IS tuyên bố vụ tấn công nhằm vào giáo phái Ismaili , một nhánh Hồi giáo dòng Shi'ite ở Saudi Arabia. Trước đó, hồi đầu tháng 8 vừa qua, IS cũng đã tiến hành một vụ đánh bom liều chết nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo do lực lượng an ninh địa phương ở thành phố Abha phía Tây Nam Saudi Arabia sử dụng, làm ít nhất 15 người thiệt mạng. Trước đó, hồi tháng 5 cũng đã xảy ra 2 vụ đánh bom do IS nhận tiến hành nhằm vào các nhà thờ của người Hồi giáo dòng Shi'ite ở Saudi Arabia, làm tổng cộng 25 người chết.

Việc Saudi Arabia thành lập liên minh Hồi giáo chống khủng bố đầu tiên, theo giới phân tích, nhằm thực hiện nhiều mục tiêu. Thứ nhất, ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đe dọa quốc gia này và khu vực. Thứ 2, Saudi Arabiamuốn đưa ra thông điệp rằng thế giới Hồi giáo không phải là khủng bố và không dung túng cho chủ nghĩa khủng bố. Thứ ba, thông qua việc thành lập liên minh mới Saudi Arabia muốn khuyếch trương uy tín và ảnh hưởng tại khu vực trong bối cảnh Iran, một trong những đối thủ tiềm tàng của Saudi Arabia đang nổi lên mạnh mẽ sau khi ký kết thành công Thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây.

Trong một nỗ lực khuyếch trương ảnh hưởng, hiện Saudi Arabia đang dẫn đầu một liên minh khu vực mới chống phiến quân Hồi giáo dòng Shite tại Yemen, đồng thời tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích chống IS tại Iraq và Syria.

Đây cũng là động thái đầu tiên từ các nước Arab trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng hiện là kẻ thù chung của các nước vùng Vịnh Arap khi tuyên bố sẽ lạt đổ những nền quân chủ ở khu vực này, tiến hành hàng loạt vụ tấn công vào những nhà thờ Hồi giáo dòng Shi'itevà lực lượng an ninh các nước trong khu vực. Tuy nhiên, việc Iran không tham gia Liên minh Hồi giáo mới cho thấy những hố sâu mâu thuẫn giữa các cộng đồng Hồi giáo tại Trung Đông. Giới phân tích cho rằng, chừng nào còn những bất đồng như thế này thì chừng đó các nước Hồi giáo còn chưa bài trừ được chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.


N.Quang
Ý kiến của bạn