Khi tình thân không còn
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là những đồng minh thân cận trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng đến thời điểm này, hồ sơ về những căng thẳng giữa hai nước đang ngày càng dầy thêm, quan hệ Mỹ Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển biến phức tạp.
Những mâu thuẫn bắt nguồn từ trong quá khứ kéo đến hiện tại, đó là khi Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố IS tại Trung Đông, đối tác mà Mỹ lựa chọn hợp tác là “kẻ thù” của Thổ Nhĩ Kỳ - là lực lượng người Kurd ở Syria, hay việc Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ mọi cảnh báo từ Mỹ, mua các loại vũ khí tối tân của Nga, hoặc động thái Thổ Nhĩ Kỳ “kết thân” với Nga, Iran trong việc kiểm soát khu vực cũng khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”….
Trong một động thái mới nhất, ngày 29-10 , Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan chiến dịch quân sự của Ankara tiến công lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria với 403 phiếu thuận và 16 phiếu chống. Theo đó, sẽ cấm bán vũ khí của Mỹ cho Ankara phục vụ chiến dịch tại Syria; xác định vai trò và đưa ra các biện pháp hạn chế đối với các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch này; trừng phạt các đối tượng nước ngoài cung cấp vũ khí cho các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Dự luật cũng yêu cầu chính quyền Washington áp đặt lại các biện pháp trừng phạt chống Ankara, vốn được gỡ bỏ sau khi hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn hôm 17/10.
Binh sĩ Mỹ quay trở lại Syria
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ đặc biệt nghị quyết về công nhận tội diệt chủng trong vụ thảm sát người Armenia giai đoạn 1915-1917 dưới thời Đế chế Ottoman. "Chúng tôi sẽ coi cáo buộc này là sự xúc phạm đối với quốc gia chúng tôi", Tổng thống Erdogan nói. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ Mỹ tại thủ đô Ankara, ông David Satterfield để phản đối hai nghị quyết trên. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ động thái trên của Hạ viện Mỹ, đồng thời kêu gọi Mỹ tránh làm tổn hại thêm quan hệ giữa hai nước.
Đằng sau quyết định bất ngờ của Mỹ quay trở lại Syria
Sức ép từ trong nước về việc bảo vệ người Kurd, cộng thêm việc phải nhận nhiều chỉ trích của các thành viên NATO về việc làm suy yếu liên minh chống khủng bố tại Trung Đông, đồng thời tạo lợi thế cho Nga làm chủ “cuộc chơi” ở khu vực, Tổng thống Mỹ lại có một quyết định “không giống ai” khi đem 500 quân quay lại vùng chiến sự Idllib, Syria.
Có vẻ là Mỹ “thay đổi chiến thuật” trước động thái quyết liệt của Nga và chính quyền Syria, cùng với sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ dường như nhận ra vẫn còn lợi ích ở khu vực Syria hay đây chỉ là hành động nhằm xoa dịu dư luận trong và ngoài nước là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Theo lý giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quyết định điều 500 quân và các trang thiết bị khí tài trở lại Syria nhằm bảo vệ các mỏ dầu ở khu vực Đông Bắc Syria – nơi chiếm tới 90% sản lượng dầu mỏ của nước này- rơi vào tay các tổ chức khủng bố. Điều Mỹ lo ngại hơn cả là nhóm người Kurd bắt tay với chính quyền Syria, liên minh này sẽ gia tăng sức mạnh với sự hậu thuẫn của Nga, chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên cái bắt tay của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran trong xây dựng ủy ban Hiến pháp của Syria hôm 30/10 cho thấy vai trò của Mỹ ở khu vực đang bị lu mờ, thay vào đó là nước Nga.
Trong những năm gần đây, liên minh Mỹ - Thổ vốn được ràng buộc bằng quan hệ quân sự, tình báo và thương mại đang ngày càng suy yếu. Một số thành viên NATO còn đặt vấn đề về việc Thổ Nhĩ Kỳ nên rời khỏi tư cách thành viên. Việc Mỹ quay trở lại Syria còn có lý do lo ngại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể trả thù đồng minh người Kurd khi thủ lĩnh IS vừa vị tiêu diệt. Một lực lượng nhỏ quân Mỹ đồn trú tại Syria với mong muốn làm cân bằng với sự hiện diện của Nga ở khu vực là điều bất khả thi.