Hà Nội

Liên kết nguy hiểm giữa tăng cholesterol và đái tháo đường

15-02-2017 13:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy bệnh đái tháo đường có liên quan chặt chẽ với tăng cholesterol máu, sự kết hợp này làm gia tăng đáng kể khả năng của một cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng cho thấy bệnh đái tháo đường có liên quan chặt chẽ với tăng cholesterol máu, sự kết hợp này làm gia tăng đáng kể khả năng của một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Chính mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 yếu tố nguy cơ đái tháo đường và tăng cholesterol máu làm tăng mức cảnh báo cho dự phòng, điều trị và tiên lượng bệnh, có nghĩa là nếu bị bệnh đái tháo đường, phải cực kỳ thận trọng về việc kiểm soát cholesterol máu.

Mối liên kết giữa insulin và cholesterol

Insulin là một hormon đóng vai trò trung tâm trong cơ thể, có tác dụng chuyển hóa cả đường và chất béo thành năng lượng. Vì vậy, khi có rối loạn nội tiết hay tác dụng của insulin, cả cholesterol và triglycerid cũng sẽ bị ảnh hưởng, không chỉ một mình glucose bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu cho thấy rằng mức độ cao của insulin trong máu có xu hướng ảnh hưởng đến số lượng các hạt cholesterol trong máu. Nồng độ insulin cao tác dụng làm tăng lượng cholesterol LDL, là “cholesterol xấu”, làm thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa bám trong lòng động mạch và giảm số lượng các hạt cholesterol HDL, là “cholesterol tốt”, giúp làm sạch các mảng xơ vữa, trước khi các mảng xơ vữa bị phá vỡ ra, làm tắc mạch gây ra một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Bệnh đái tháo đường cũng có xu hướng làm cho nồng độ triglycerid cao, một loại chất béo lưu thông trong máu.

Tương tự như vậy, cholesterol cao cũng có thể là một yếu tố dự báo của bệnh đái tháo đường. Nồng độ cholesterol cao thường thấy ở những người có sự đề kháng insulin, kháng insulin xuất hiện ngay cả trước khi bệnh đái tháo đường biểu hiện một cách đầy đủ các triệu chứng. Khi nồng độ LDL bắt đầu tăng lên, các chuyên gia khuyên bạn nên chú ý để kiểm soát lượng đường (glucose) trong máu và bắt đầu một chế độ ăn uống và tập thể dục để giúp ngăn chặn bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch.Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường.

Đối với những người bị bệnh đái tháo đường týp 1, kiểm soát lượng đường trong máu có thể tạo ra một sự khác biệt lớn. Kiểm soát đường máu tốt có liên quan đến nồng độ cholesterol máu gần như bình thường, tương tự như nồng độ cholesterol máu ở những người không bị đái tháo đường. Nhưng những người bị bệnh đái tháo đường týp 1 không kiểm soát tốt đường máu, quan sát thấy tăng nồng độ triglycerid và nồng độ HDL thấp, góp phần vào sự phát triển của tình trạng tắc nghẽn động mạch.

Đái tháo đường týp 2: Một nguy cơ đặc biệt cao khi có cholesterol cao

Những người bị bệnh đái tháo đường týp 2 có xu hướng tăng triglycerid, giảm HDL và đôi khi tăng LDL. Các rối loạn lipid máu này có thể tồn tại ngay cả khi mức đường trong máu được kiểm soát - chỉ ra một khả năng cao hơn phát triển các mảng xơ vữa. Trong thực tế, mảng bám hình thành trong lòng động mạch của bệnh nhân đái tháo đường týp 2 thường có nhiều chất béo và ít chất xơ hơn so với ở những người bị bệnh đái tháo đường týp 1, dẫn đến nguy cơ cao hơn của một bong tách mảng bám làm nghẽn mạch, gây ra một cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo kiểm tra nồng độ cholesterol ít nhất mỗi năm một lần, hoặc thường xuyên hơn nếu có cholesterol cao và không kiểm soát được bằng dùng thuốc. Đối với những người bị bệnh đái tháo đường và không có bệnh tim mạch vành, khuyến cáo rằng nồng độ LDL trong máu là dưới 100mg/dL, nồng độ HDL trên 50mg/dL, và triglycerid dưới 150mg/dL. Khuyến cáo đề nghị đường máu, mức độ ít hơn 7% (<7%) với thử nghiệm HbA1C.

Đối với những người bị bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch vành, bao gồm cả động mạch vành bị tắc hoặc có một cơn đau tim trước đó, Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo LDL dưới 70mg/dL. Để đạt được mục tiêu LDL rất thấp này có thể bằng cách dùng liều cao thuốc statin, nhưng cho thấy làm giảm đáng kể nguy cơ đau tim. Nồng độ triglycerid nên dưới 150mg/dL và HDL trên 40mg/dL. Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch vành hiện được khuyến khích để có mức HDL trên 50mg/dL.

Thuốc có hoạt chất colesevelam, đã được chứng minh làm giảm cả mức đường và cholesterol ở những người bị bệnh đái tháo đường týp 2. Colesevelam hoạt động bằng cách ngăn chặn ruột hấp thu các phân tử chất béo từ thức ăn. Mặc dù colesevelamlàm LDL thấp hơn, nhưng nó có thể làm tăng nồng độ triglycerid trong máu, do đó không nên sử dụng colesevelam ở những người có triglycerid máu cao.Nồng độ insulin cao làm tăng lượng cholesterol xấu, tăng nguy cơ nhồi máu và đột quỵ.

Nồng độ insulin cao làm tăng lượng cholesterol xấu, tăng nguy cơ nhồi máu và đột quỵ.

Hội chứng chuyển hóa và cholesterol

Hội chứng chuyển hóa gồm một chùm các rối loạn như kháng insulin, rối loạn lipid máu, huyết áp cao và béo phì, còn được gọi là hội chứng X. Các nghiên cứu đã tìm thấy rằng những bệnh nhân có mức HDL thấp và triglycerid cao - là những đặc điểm nổi bật của hội chứng chuyển hóa - có nguy cơ cao nhất bị một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Các nguy cơ khác nhau của bệnh tim mạch thường cùng tồn tại đan xen với nhau, cần được điều trị và điều chỉnh cùng lúc tất cả các yếu tố nguy cơ dự phần. Những người bị bệnh đái tháo đường - những người có nguy cơ cao của một cơn đau tim - sẽ phải đặc biệt cẩn thận về việc giữ cả lượng đường trong máu và cholesterol ở mức thấp. Nó cũng rất quan trọng để duy trì một trọng lượng khỏe mạnh và huyết áp bình thường, không hút thuốc và tập thể dục đều đặn.

Đường máu ảnh hưởng đến cholesterol?

Bệnh đái tháo đường cũng có thể làm tăng nồng độ cholesterol và triglycerid hoặc các chất béo hiện diện trong máu, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Bệnh đái tháo đường làm giảm lượng “cholesterol tốt” HDL. Khi nồng độ HDL được thấp xuống, “cholesterol xấu” LDL tăng, cũng làm tăng triglycerid. Mức HDL thấp kết hợp với triglycerid cao dẫn đến tăng sự tích tụ mảng bám trong thành động mạch, làm tắc nghẽn mạch và dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ báo cáo rằng hơn 65% bệnh nhân đái tháo đường chết từ một trong hai nguyên nhân: cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Làm thế nào để phòng ngừa đường máu tăng?

Một khi bạn đã được chẩn đoán bệnh đái tháo đường, bạn càng phải thận trọng hơn về kiểm soát cholesterol, triglycerid và huyết áp, cũng như lượng đường trong máu.

Kiến thức cơ bản của người bị bệnh đái tháo đường, cần nắm rõ 3 chữ cái ABC: kiểm tra lượng đường trong máu A1C (A), huyết áp (B: Blood pressure) và cholesterol (C). Kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cách để ngăn chặn lượng đường trong máu cao bao gồm: duy trì một trọng lượng khỏe mạnh; thực hiện một chế độ ăn uống nhiều chất xơ và ít chất béo; tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất là 5 ngày một tuần; bỏ hút thuốc lá nếu đang hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá; trao đổi với bác sĩ khi cần thiết điều trị.

Kiểm soát lượng đường và cholesterol trong máu và huyết áp của bạn là quan trọng ở nhiều khía cạnh của sức khỏe khi bạn mắc bệnh đái tháo đường. Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ về trong giới hạn bình thường sẽ giúp bạn giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tốt cho sức khỏe chung.


TS.BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn