Một bản báo cáo của của Liên hợp quốc vừa công bố cho thấy, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chi cho hàng xa xỉ nhiều hơn cả cha mình. Năm 2012, tổng cộng có tới 645,8 triệu USD được chính quyền nước dùng mua sắm hàng xa xỉ, gấp đôi trước đây.
Đây là một phần nội dung trong bản báo cáo về tình hình nhân quyền tại Triều Tiên do Ủy ban điều tra của Liên hợp quốc thực hiện. Theo đó, các khoản chi cho hàng xa xỉ của chính quyền Bình Nhưỡng năm 2012, một năm sau khi ông Kim Jong-un tiếp quản chức vụ từ cha, đã lên tới 645,8 triệu USD.
Trước đó, khi còn sống, các dữ liệu cho thấy nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il của Triều Tiên trung bình chi khoảng 300 triệu USD mỗi năm cho hàng xa xỉ.
Trong số những món hàng được Triều Tiên nhập khẩu có hàng chục chiếc ô tô hạng sang Mercedes-Benz cùng các nhạc cụ, trong đó có nhiều chiếc đàn piano chất lượng thượng hạng.
Dù vậy, bản báo cáo không chỉ ra bằng cách nào số hàng này được đưa vào Triều Tiên, bởi quốc gia này vốn bị Liên hợp quốc cấm vận nghiêm ngặt, nhằm ngăn tình trạng cung cấp “hàng xa xỉ” cho chính quyền.
Theo bản báo cáo, ông Kim đã chi một số tiền lớn xây một rạp hát riêng cho mình cùng khoảng 1.000 đồng minh thân cận nhất. Các nhà phân tích cho rằng nhà lãnh đạo trẻ này đang tìm cách dùng tiền lôi kéo các thành viên chủ chốt trong chính quyền, nhằm củng cố quyền lực.
Trong buổi điều trần trước Ủy ban của Liên hợp quốc, một cựu quan chức của Bình Nhưỡng đã đào tẩu cho biết, ông Kim có được ngoại tệ mạnh để chi tiêu thông qua hoạt động bán rượu cho các quốc gia Hồi giáo, và vận chuyển ngà voi từ châu Phi về Trung Quốc.
Những nội dung trong bản báo cáo của Liên hợp quốc phần nào có cơ sở, bởi cựu vận động viên bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, người từng đến Bình Nhưỡng hồi tháng 10, đã miêu tả cuộc sống của ông Kim là bữa tiệc “bảy sao”, với rượu cốc tai chảy tràn, mô tô nước trên hòn đảo riêng và cả những du thuyền hạng sang.
Trong bản báo cáo gần đây nhất, Tổ chức nông lương Liên hợp quốc hồi tháng 11 năm ngoái khẳng định, Triều Tiên vẫn là một trong 34 quốc gia cần viện trợ lương thực để nuôi sống người dân. Cơ quan này ước tính khoảng 2,8 triệu người Triều Tiên “dễ bị tổn thương”, phải đối mặt với “sự vật lộn không ngừng với tình trạng suy dinh dưỡng”.