Hà Nội

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ II - năm 2016: Chờ đợi Lời nói dối cuối cùng đến Giông tố

16-12-2016 14:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ II - năm 2016 (từ 17 - 23/12), 13 vở diễn chất lượng sẽ đến với khán giả Hà Nội.

Tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ II - năm 2016 (từ 17 - 23/12), 13 vở diễn chất lượng sẽ đến với khán giả Hà Nội. Đặc biệt, vở kịch Lời nói dối cuối cùng (kịch bản Lưu Quang Vũ, đạo diễn - NSƯT Chí Trung), sau 30 năm sẽ được dựng lại, có phong cách mới nhưng vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Bên cạnh đó, Giông tố chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng (Đoàn kịch nói Công an nhân dân, đạo diễn NSND Lê Hùng) cũng đầy hứa hẹn...

Lời nói dối cuối cùng - Vẹn nguyên giá trị, phong cách mới

Khán giả chờ đợi Lời nói dối cuối cùng không hẳn vì đây là tác phẩm sân khấu đặc sắc góp phần làm nên tên tuổi của Lưu Quang Vũ, mà cách đây 30 năm, vở dựng lần đầu bởi NSND Phạm Thị Thành tạo nên cơn sốt vé, được nhiều khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao. Công chúng đón chờ đạo diễn Chí Trung làm mới vở kịch thế nào và có thoát khỏi cái bóng khổng lồ từ lần dựng đầu tiên cách đây 30 năm.

Trong bản dựng cách đây 30 năm, NSƯT Chí Trung là một trong những diễn viên. NSƯT Chí Trung chia sẻ về phiên bản 2016, những giá trị và tính thời đại mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ muốn nói từ tác phẩm vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên, Lời nói dối cuối cùng cũng có một dáng dấp mới trong phong cách thể hiện.vở Lời nói dối cuối cùng

Cảnh trong vở Lời nói dối cuối cùng do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng.

Mạch chính của câu chuyện trong Lời nói dối cuối cùng xoay quanh 3 nhân vật chính. Đó là cô thôn nữ tên Lụa xinh đẹp, nết na; là anh công tử con phú ông tên Lãng đần độn, ngốc nghếch nhưng si mê Lụa mà đã bày ra những trò tán tỉnh kệch cỡm; là Cuội - kẻ cũng thích Lụa nhưng lại mắc “bệnh dối trá”. Trong đó, Cuội là kẻ đứng sau những màn thổi sáo, làm thơ của Lãng công tử. Cuội dùng sự nhanh nhẹn, hoạt náo cố gắng thay đổi cuộc đời mình và người xung quanh bắt đầu bằng những lời nói dối. Sự dối trá đó đã khiến Lụa không thể hiểu tại sao một tên công tử đần độn, núp bóng cha lại có những giây phút thăng hoa, bay bổng như vậy. Cho đến cuối vở kịch, Cuội mới nhận ra và đau khổ bởi chính sự dối trá của mình nhưng đã muộn. Với mạch chuyện đó, Lời nói dối cuối cùng vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự và truyền tải thông điệp: Sự trung thực hay lòng tốt của con người phải được xây dựng trên cơ sở của chữ “chân”, chứ không thể dùng sự xảo biện, dối trá để đạt được những mục đích tốt đẹp.

Lời nói dối cuối cùng lần này được dựng theo những phong cách mới. Theo ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, phần thiết kế sân khấu của vở diễn do họa sĩ NSƯT Doãn Bằng thực hiện với rất nhiều điểm sáng tạo khác biệt ở cách xử lý không gian sân khấu mở cũng như mảng thiết kế trang phục. Trong khi đó, phần âm nhạc do nhạc sĩ Quốc Trung đảm nhiệm, sáng tác theo phong cách dân gian đương đại. Những yếu tố mới này kết hợp với lối diễn xuất bình dị đầy nét hài hước, hóm hỉnh của các nghệ sĩ Thanh Sơn, Mạnh Dũng, Nguyệt Hằng, Minh Hằng, Sĩ Tiến, Đức Khuê, Thu Quỳnh, Minh Cúc, Trần Hoàng... tạo nên sự gần gũi, tương tác với người xem; hơn nữa thủ pháp sân khấu có tính chất giãn cách để khán giả đón nhận vở diễn như một câu chuyện được kể lại đầy sinh động.

Giông tố - Từ văn học bước lên sân khấu

Giông tố là tác phẩm văn học bất hủ làm nên tên tuổi của Vũ Trọng Phụng. Với những giá trị thời đại, Giông tố cũng đã được chuyển thể thành kịch bản sân khấu có cùng tên gọi do NSND Lê Hùng đạo diễn. Vở kịch này cũng sẽ được công diễn tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ II, năm 2016, và cũng đầy hứa hẹn tạo nên những luồng gió mới.

Dưới bàn tay đạo diễn của NSND Lê Hùng, Giông tố mang được cả bóng dáng của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, lại vừa nóng ấm hơi thở của cuộc sống hôm nay, khiến người xem thấy những gì vở diễn phản ánh đều rất hiện thực và gần gũi. Trên sân khấu vẫn hiện diện một nhân vật Nghị Hách “trọc phú” nhưng đầy mưu mô, đểu cáng, lừa lọc...; một thị Mịch hiền lành, sẵn sàng tìm đến cái chết vì bị nhục nhưng đã trở thành trâng tráo sau khi làm vợ Nghị Hách với cách nhìn đời, cư xử kênh kiệu, khinh đời của kẻ có tiền và quyền. Bên cạnh đó, khán giả còn được thấy nhân vật Vạn tóc mai - con rơi của Nghị Hách và là kẻ chỉ biết ăn chơi trác táng bước ra từ tác phẩm văn học. Nhưng thời nào cũng thế, vở diễn này cũng xuất hiện đại diện lớp người có học, có lương tri, dù họ vẫn phải chịu sự chi phối mạnh mẽ của xã hội, đó chính là nhân vật con trai Nghị Hách và Tri huyện Hải Vân...

Giông tố được tái hiện bằng nghệ thuật sân khấu đưa khán giả thấy chuyện xưa mà tới nay vẫn nóng hổi. Ở đó đầy rẫy những con người mưu đồ kiếm tiền bất chính, những vụ chạy án đẩy số phận con người vào bước đường cùng và những người có phẩm cách vẫn đang cố chống lại vòng quay đó của xã hội...  Nhưng cái gì cũng có giá của nó, luật nhân quả đã tới với sự tàn ác, lối sống ích kỷ của Nghị Hách khi vợ hắn ngoại tình, các con loạn luân... như một cơn giông tố cho chính gia đình Nghị Hách.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn