Liên hoan Sân khấu kịch 2018: Đừng chạy theo giá trị ảo

20-04-2018 14:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đến hẹn lại lên, Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2018 đang diễn ra rầm rộ. Tuy nhiên, với những khán giả lâu nay yêu mến sân khấu kịch, xen lẫn trong sự hứng khởi vẫn còn những băn khoăn.

Chưa nhìn thẳng vào sự thật

Theo Ban tổ chức (BTC), quy chế liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 có nhiều điểm mở, như: Không hạn chế về đề tài vở diễn; không hạn chế số lượng vở tham gia cho các thành phần sáng tạo như tác giả, đạo diễn; chấp nhận các đơn vị có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật kịch nói từ 12 tháng trở lên; thời lượng vở chỉ từ 90-120 phút. Về vấn đề thời lượng, BTC cho rằng: Quy định về thời gian là một sự yêu cầu khắt khe hơn của Liên hoan năm nay, đòi hỏi các tác phẩm phải có sự tinh lọc trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng sự “khắt khe” ấy vô tình đã loại sân khấu Hoàng Thái Thanh ra khỏi cuộc chơi. Hoàng Thái Thanh được xem là điểm sáng đầy tự hào của sân khấu TP.HCM, nên sự vắng mặt của sân khấu này để lại nhiều nuối tiếc cho cả người làm nghề lẫn khán giả.

Nhiều ý kiến cho rằng những điểm mở này cho thấy BTC đã không nhìn rõ diện mạo thật sự của sân khấu kịch nói hôm nay. Số lượng đơn vị sân khấu xã hội hóa đăng ký tham gia chiếm 2/3 số lượng vở chưa phải là điều đáng mừng. Bởi, dù đã hoạt động hơn 12 tháng nhưng đó là những “sàn diễn chết”, chỉ hoạt động được một thời gian ngắn, thậm chí chạm mốc 12 tháng đã đóng cửa. Nay nghe tin liên hoan, lập tức quy tụ diễn viên, “cơm ghe bè bạn” đi thi chỉ để kiếm huy chương. Phần lớn các vở kịch được gấp gút dàn dựng đều chọn kịch bản cũ, thậm chí có vở đã hơn 20 năm như kịch bản Mẹ yêu của tác giả, đạo diễn Đoàn Bá, được đổi tựa để dự thi. Mục tiêu của các đơn vị tham gia liên hoan là những chiếc huy chương nhưng chất lượng vở diễn có tương xứng với từng chiếc huy chương hay không luôn là vấn đề bàn cãi.

Liên hoan Sân khấu kịch 2018Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2018 diễn ra tại Nhà hát Quân đội từ nay đến 26/4, có 22 đơn vị tham gia với gần 30 vở tranh giải.

Điều này tưởng như đã cũ, nhưng người trong giới sân khấu đã quá ngao ngán khi thấy vấn đề cốt lõi của liên hoan sân khấu thời gian qua. Đó là người làm nghề bị cuốn vào vòng xoáy tìm kiếm huy chương để đủ tiêu chuẩn được xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Một số đề tài được khuyến khích và ưu tiên tại liên hoan vẫn bị nặng tính tuyên truyền nên không phải sân khấu nào cũng hào hứng nhập cuộc. Các vở diễn tham gia liên hoan có hứa hẹn là tác phẩm bán được vé, vẫn thu hút khán giả sau liên hoan hay không gần như chẳng mấy ai quan tâm.

Cuộc chơi vẫn rộn ràng

Giới chuyên môn cho rằng nên chăng liên hoan cần có cuộc tọa đàm, hội thảo đánh giá thực chất các vở diễn dưới góc nhìn nghệ thuật được đặt trong bối cảnh đời sống sân khấu kịch nói đang lâm vào khủng hoảng khán giả như hiện nay để tìm ra giải pháp. Sân khấu sẽ vẫn giậm chân tại chỗ khi các lần liên hoan cốt chỉ để minh họa cho những quan điểm, chủ trương và thông điệp xa rời thực tế đời sống sân khấu mà BTC muốn truyền đạt. Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng nhận định, ngày nào cuộc chơi này vẫn còn bị “ám ảnh” bởi cách làm không vì niềm đam mê, lòng yêu nghề, tâm huyết, tận tụy với sàn diễn nhằm hướng tới phục vụ công chúng thực sự thì kết quả của những liên hoan chỉ là ảo. Dẫu sao, cuộc vui vẫn cứ diễn ra.

Ngoài những nhà hát, sân khấu quen thuộc với khán giả nhiều năm nay cả trong Nam và ngoài Bắc như Nhà hát Kịch Việt Nam, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân, Nhà hát Kịch TP.HCM, Nhà hát Thế giới Trẻ, Đoàn Kịch nói Nam Định, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn, Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn Kịch nói Hải Phòng, Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Nhà hát Tuổi trẻ, thì Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm nay có sự tham gia của nhiều sân khấu, công ty giải trí. Đó là Công ty CP SK&ĐA Vân Tuấn, Công ty TNHH Dịch vụ Giải trí Sân khấu BUFFALO, Công ty TNHH Một thành viên Xúc tiến thương mại và Tổ chức biểu diễn TKC, Công ty TNHH Giải trí Minh Nhí, Công ty CP TTQC Sài Gòn phẳng, Công ty TNHH Nụ cười mới, Công ty TNHH SK-ĐA Gia đình, Công ty TNHH Giải trí Hero film (Ước mơ xanh), CLB Sân khấu Thử nghiệm Hội NSSKVN, Công ty CP Công nghệ Giải trí Hồng Hạc, Công ty CP Đầu tư giải trí Phước Sang (SK Kịch Sài Gòn).

Nhiều đơn vị ngoài Bắc tham gia với hai vở diễn, như Nhà hát Kịch Việt Nam đem đến Liên hoan các vở Kiều, Bão tố Trường Sơn, Nhà hát Kịch Quân đội diễn các vở Sóng muôn đời thao thức, Khi con tốt sang sông, Nhà hát Kịch Hà Nội có Vùng lạnh, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nhà hát Tuổi trẻ có Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Nhà ô sin, Công ty CP SK&ĐA Vân Tuấn có Đàn bà dễ có mấy tay, Châu về Hợp Phố.

Các đoàn còn lại cũng đem đến những vở diễn đặc sắc nhất của mình như Gặp lại người đã chết, Người mẹ thứ hai, Yêu là thoát tội, Bản tình ca viết dở, Tình đồng đội, Thiên đường, Gương mặt kẻ khác, Hiu hiu gió bấc, Rặng trâm bầu, Tiếng vạc sành, Mua chồng 30 vạn, Đám cưới chùm, Lũ quỷ sống, Tiếng giày đêm, Dưới ánh đèn, Thiên thần nhỏ của tôi, Oan hồn.

Các vở diễn và diễn viên xuất sắc nhất sẽ được trao các Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. Ngoài ra, Liên hoan cũng trao giải thưởng Xuất sắc cho các cá nhân như đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ có các sáng tạo xuất sắc trong các vở diễn và giải dành cho đạo diễn trẻ có tuổi đời không quá 35.


Việt Sơn
Ý kiến của bạn