Hà Nội

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: Phim nhà nước thôi giấc ngủ đông

15-11-2019 07:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngày hội của những người làm điện ảnh - Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 sẽ diễn ra từ 23 - 27/11 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

So với mùa trước, LHP lần này cho thấy những tín hiệu vui vì nhiều phim điện ảnh chất lượng tranh tài, đặc biệt, phim của Nhà nước đã góp mặt để tạo thế cân bằng, sự đa dạng cho sự kiện điện ảnh lớn nhất năm tại Việt Nam.

LHP Việt Nam lần thứ 21 do Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) tổ chức với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Theo ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, đây là một trong những hoạt động văn hóa đặc biệt nhằm giới thiệu và quảng bá nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thông qua các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của Việt Nam. Năm nay, LHP thu hút 16 phim truyện, 9 phim khoa học, 29 phim tài liệu và 20 phim hoạt hình sản xuất trong hai năm trở lại đây tranh giải.

Như các sự kiện điện ảnh khác, thể loại phim truyện điện ảnh (phim chiếu rạp) dự tranh giải LHP Việt Nam lần thứ 21 được nhiều khán giả và giới làm nghề quan tâm. Bởi đây là hạng mục giải thưởng phản ánh sự phát triển của điện ảnh nước nhà và quy tụ nhiều tác phẩm chất lượng. Theo đó, dự tranh giải LHP lần này có 16 phim truyện điện ảnh đã, đang và sắp ra rạp: Khi con là nhà, 11 niềm hy vọng, Người bất tử, Tháng năm rực rỡ, Thạch Thảo, Song Lang, 100 ngày bên em, Anh thầy ngôi sao, Lật mặt: Nhà có khách, Cua lại vợ bầu, Nơi ta không thuộc về, Hạnh phúc của mẹ, Hai Phượng, Hợp đồng bán mình, Thưa mẹ con đi, Truyền thuyết về Quán Tiên. Đáng chú ý, nếu LHP trước hoàn toàn vắng bóng các phim điện ảnh của nhà nước thì ở mùa này, phim nhà nước có 4 tác phẩm tham gia với Truyền thuyết về Quán Tiên, Thạch Thảo; Nơi ta không thuộc về và Hợp đồng bán mình.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21Thạch Thảo - 1 trong 4 phim của Nhà nước dự tranh giải tại LHP Việt Nam lần thứ 21.

Ở những sự kiện điện ảnh Việt Nam gần đây như Cánh diều Vàng, LHP Việt Nam..., đã có nhiều người lo lắng vì thiếu vắng các tác phẩm điện ảnh do nhà nước sản xuất. Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang từng chia sẻ, sự thiếu vắng phim nhà nước khiến chúng ta có cảm giác như một mặt trận văn hóa có vai trò tuyên truyền hữu hiệu hiện nay đang bị buông bỏ. Vì thế, cần phải có những bộ phim nói về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Điều đáng mừng, như đã nói ở trên, LHP Việt Nam lần thứ 21 đã có 4 tác phẩm điện ảnh do nhà nước sản xuất tham gia tranh giải, đánh dấu sự trở lại và mở ta kỳ vọng phim nhà nước trong tương lai sẽ phát triển hơn nữa. Trên thực tế, 4 phim điện ảnh nhà nước sản xuất dự LHP Việt Nam lần thứ 21 đều là những tác phẩm được nhiều người kỳ vọng và đánh giá cao.

Ban tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 21 sẽ trao các giải thưởng: Bông sen Vàng, Bông sen Bạc cho các bộ phim xuất sắc (trừ phim remake); giải thưởng dành cho cá nhân xuất sắc: đạo diễn, tác giả kịch bản (trừ phim remake), nam/nữ diễn viên chính, nam/nữ diễn viên phụ, họa sĩ thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, âm thanh. Ngoài ra, một phim truyện chiếu trong “Chương trình phim toàn cảnh” sẽ được trao giải “Phim được yêu thích nhất” do khán giả bình chọn.

Hợp đồng bán mình của đạo diễn Ngọc Phong dù không quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng nhưng lại đề cập đến đề tài thời sự nóng hổi trong đời sống xã hội. Bộ phim này lột tả những góc khuất trong cuộc sống. Ở đó có chuyện đại gia bỏ cả trăm tỷ đồng để cứu sống cha của một cô gái trẻ đang đối diện với nợ nần và cái chết. Đổi lại, cô gái này sẽ phải ký vào một bản hợp đồng đặc biệt - làm vợ của vị đại gia này và không được ly hôn trong vòng 10 năm. Những nút thắt trong bản hợp đồng đầy kịch tính này dần dần được tháo gỡ, hứa hẹn dẫn dắt khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trong khi đó, Nơi ta không thuộc về (đạo diễn Đặng Thái Huyền) kể về hành trình đi thực tế, sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng để viết bài về Thung Ma - căn cứ bí mật cất giấu kho đạn thời chiến tranh, của nữ nhà báo quân đội Đông Hà. Cô muốn tìm hiểu về sự mất tích bí ẩn của tiểu đội trông coi kho, sau trận không kích năm xưa. Hành trình của nữ nhà báo mở ra nhiều câu chuyện ly kỳ.

Bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên được chuyển thể từ truyện ngắn Huyền thoại về Quán Tiên của nhà văn mang áo lính Xuân Thiều. Nội dung phim kể về những cô thanh niên xung phong của một binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Thạch Thảo của đạo diễn Mai Thế Hiệp đã từng tạo ra cơn sốt vé khi ra rạp với chủ đề học đường xoay quanh câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình thầy trò. Phim tạo ấn tượng vì câu chuyện gần gũi, giản dị và khơi lại nhiều ký ức đẹp đối với những người đã đi qua tuổi học trò.

Ngoài ra, tại LHP lần này, Ban tổ chức vẫn chấp nhận cho dòng phim remake (phim làm lại) từ kịch bản/phim nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, phim remake chỉ được xét các giải thưởng dành cho cá nhân (đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ, âm thanh, âm nhạc) chứ không có trong hạng mục giải chính cho phim và tác giả kịch bản. Điều này cho thấy, LHP Việt Nam lần thứ 21 cũng như trước đó đã, đang hướng tới một nền điện ảnh “thuần Việt”, đồng thời trao cơ hội, khích lệ sự sáng tạo với các nhà làm phim trong nước khi thể loại remake ở nước ta không ngừng phát triển và có những tác phẩm ăn khách.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn