Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16: Bất cập trong văn hóa lễ hội

18-12-2009 10:51 | Văn hóa – Giải trí
google news

LHP Việt Nam lần thứ 16 vừa qua đã có một số hoạt động và hội thảo khá đa dạng, thể hiện nỗ lực đổi mới và hội nhập của điện ảnh nước nhà, song vẫn còn nhiều bất cập trong văn hóa lễ hội so với các LHP Việt Nam và các lễ trao giải Cánh diều Vàng trước đây.

Mỗi kỳ liên hoan phim (LHP) quốc gia là một lễ hội của giới làm điện ảnh với bao nhiêu niềm vui phóng túng, hồn nhiên, được chia sẻ vô tư tới toàn xã hội. LHP Việt Nam lần thứ 16 vừa qua đã có một số hoạt động và hội thảo khá đa dạng, thể hiện nỗ lực đổi mới và hội nhập của điện ảnh nước nhà, song vẫn còn nhiều bất cập trong văn hóa lễ hội so với các LHP Việt Nam và các lễ trao giải Cánh diều Vàng trước đây.

Thiếu sự sôi động của lễ hội văn hóa

Ở các nước Châu Á, nhất là các nước XHCN trước đây, LHP thường được tổ chức theo kiểu lễ hội, với hàng ngàn người mang cờ hoa xếp hàng múa hát đón khách, với những đoàn xe chở đại biểu đi xem phim hay đi dự các hoạt động có cảnh sát đeo găng tay trắng dẫn đường hú còi inh ỏi trên đường phố. Ở các nước Âu-Mỹ, trừ những LHP lớn như Cannes hay các lễ trao giải thưởng lớn như Quả Cầu vàng, Oscar, các LHP phần lớn mang tính đời thường, trầm lắng, ít tính chất lễ hội sôi nổi và hoành tráng. Nhiều LHP quốc tế chọn địa điểm  ở xa các thành phố trung tâm để tránh bị chìm lấp trong cái náo nhiệt loạn hướng của nhịp sống đô thị nặng tính chất thương mại.

Dustin Nguyễn - Diễn viên nam chính xuất sắc.

LHP Việt Nam xưa nay dù tổ chức ở các địa phương khác nhau đều giữ được không khí sôi động của một lễ hội văn hóa, lôi cuốn sự chú ý tham gia của cả cộng đồng. Trong những không gian lễ hội, các đạo diễn tha hồ bày vẽ những trò diễn nghệ thuật, từ thả đèn trời đến múa cồng chiêng, công chúng tha hồ chen lấn hò reo bày tỏ tình yêu với phim ảnh và nghệ sĩ. Các lễ trao Giải Cánh diều Vàng những năm gần đây kết hợp được tính chất lễ hội của những LHP truyền thống với  sự sang trọng tôn vinh nghệ sĩ của lễ trao giải Oscar nên dù chỉ tổ chức trong khuôn viên Cung hữu nghị Việt Xô vẫn tạo nên cảm giác lung linh, hoành tráng và sôi động. Trong bối cảnh đó, khi LHP Việt Nam lần thứ 16 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, trong một không gian văn hóa hiện đại và phát triển nhất nước, nhiều người chờ đón một LHP sôi động hơn, sang trọng hơn những LHP trước đây. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. LHP Việt Nam lần thứ 16 đã diễn ra tản mạn và tẻ nhạt với rất nhiều bất cập về văn hóa lễ hội so với các LHP Việt Nam và các lễ trao giải Cánh diều Vàng trước đây.

Rất dễ nhận thấy LHP Việt Nam lần này không có được một không gian lễ hội với quảng trường rộng để cờ xí tung bay, để công chúng tụ hội gặp gỡ, giao lưu cùng nghệ sĩ. Nghệ sĩ Quyền Linh đã tỏ ý tiếc không có cơ hội giao lưu với công chúng trong đêm khai mạc vì khán giả đã bị các hàng rào ngăn cách với nghệ sĩ. Không gian đêm khai mạc LHP bị bó hẹp trong khuôn viên của White Place, một trung tâm hội nghị bị hạn chế về chiều cao, khiến các hình ảnh bị mini hóa, bị xé lẻ, băm vụn trong khuôn khổ bức tường thấp, mất đi tính hoành tráng, ấn tượng. Nếu tổ chức lễ khai mạc ở một sân khấu có chiều cao như Cung Việt Xô Hà Nội, LHP có thể thực hiện nghi lễ kéo cờ ngay trên sân khấu  như đã thấy trong LHP  lần thứ 11. Nhưng lễ khai mạc LHP lân thứ 16 không thực hiện được nghi thức kéo cờ như trong kịch bản công bố với báo chí, có lẽ vì trần nhà quá thấp. Lá cờ LHP chỉ được mấy người trẻ tuổi cầm bốn góc chạy quanh sân khấu,  mặc dù được giới thiệu là “Lễ rước cờ” nhưng nhiều nghệ sỹ lại đùa vui là “Lễ bưng cờ”. Một vài tờ báo không rõ vì muốn che đậy thực tế hay vì không có điều kiện vào dự lễ khai mạc để tác nghiệp nên vẫn viết bài chép lại kịch bản của BTC để kể về một “Lễ kéo cờ” không hề có (!). Thực ra, nếu BTC quan tâm tới tính chất trang trọng của nghi thức này thì vẫn có thể tổ chức cho nghệ sĩ kéo cờ ngoài sân trước sự chứng kiến của công chúng và truyền hình trực tiếp vào hội trường cảnh kéo cờ này.

Vì không gian sân khấu quá nhỏ không tương xứng với quy mô lễ hội nên tiết mục múa khai mào trong lễ khai mạc được dàn dựng rất công phu lộng lẫy, đầy màu sắc dân tộc, nhưng vẫn mang dáng dấp một tiết mục biểu diễn thời trang. Tính chất sàn diễn thời trang của sân khấu đêm khai mạc LHP được tăng lên khi các cô gái phần lớn là các người mẫu có tham gia một vài phim truyền hình xuất hiện đi lại trên sân khấu trong tư cách diễn viên điện ảnh mới nổi, khiến người xem liên tưởng tới các chân dài trong cuộc thi hoa hậu.

Nhìn vào giấy mời và các hình chiếu trên màn ảnh, thấy biểu tượng Bông sen đặt trong khuôn khổ mấy nét họa tiết trông vừa giống ngôi nhà, vừa giống biểu tượng Mecxedec,  một số nghệ sĩ điện ảnh đã nói vui: “Đây là điềm Bông sen Vàng bị nhốt”. Quả thực, các khuôn khổ nặng tính hành chính và thương mại đã bó hẹp những hoạt động mang tầm lễ hội của LHP lần thứ 16, không cho nó bùng nổ hồn nhiên như ở các LHP Việt Nam trước đây. Có những ứng xử tính toán không mang tầm lễ hội làm nghệ sĩ tổn thương. Như trong chương trình ghi rõ 17h30 ngày 10/12/2009 có tiệc chiêu đãi của Chủ tịch UBND TP tại khách sạn Rex. Nhiều nghệ sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng đi dự tiệc, nhưng đến nơi mới biết TP chỉ mời hạn chế một số quan chức của các đoàn, bó hẹp trong khoảng hơn một trăm đại biểu được mời đích danh chứ không phải tất cả đại biểu tham dự LHP như tiệc đêm khai mạc.

Tôn vinh lệch và tôn vinh ngược 

LHP Quốc gia và lễ trao giải Cánh diều Vàng là những dịp để tôn vinh các nghệ sĩ điện ảnh. Nhưng nếu như lễ trao giải Cánh diều Vàng đã được tổ chức một cách trang trọng, tạo được những khoảnh khắc sôi động, thăng hoa đầy tinh thần lễ hội tôn vinh nghệ sĩ, thì LHP lần này lại tạo cho nhiều nghệ sĩ những cảm giác bơ vơ lạc lõng trong những không gian nặng chất hành chính và thương mại.

Trong những đêm trao giải Cánh diều Vàng, hàng triệu người chứng kiến các nghệ sĩ dập dìu tíu tít trên thảm đỏ trước ống kính truyền hình trực tiếp với niềm vui của người trẩy hội. Nhưng trên thảm đỏ của Trung tâm Hội nghị White Place trước giờ khai mạc LHP lần này chỉ thấy lèo tèo những nghệ sĩ ít người biết đến, vắng mặt những “cây đa cây đề”, những gương mặt nghệ sỹ thuộc nhiều thế hệ. Trong lễ trao giải Cánh diều Vàng các nghệ sĩ gạo cội được tôn vinh một cách xúc động. Trong LHP lần này, các cô ca sĩ người mẫu xuất hiện trong vài bộ phim truyền hình lại được tôn vinh trên sân khấu như những nghệ sĩ điện ảnh. Mà cũng chỉ tôn vinh các diễn viên nữ, không thấy tôn vinh diễn viên nam. Trong một LHP quốc gia mà các diễn viên truyền hình nghiệp dư được tôn vinh, quảng cáo bất chấp các chuẩn mực nghề nghiệp đã khiến lễ khai mạc LHP lần thứ 16 phảng phất màu sắc thương mại, mất đi tính chất thiêng liêng sang trọng của nghệ thuật thứ Bảy đã thấy ít nhiều trong các LHP quốc gia và các lễ trao giải Cánh diều Vàng trước đây. Thậm chí, trong lễ khai mạc các nhà tổ chức LHP lần này còn để cho NSND Trần Phương và NSUT Minh Châu lên sân khấu tặng hoa cho hai diễn viên trẻ đóng trong hoạt cảnh minh họa trích đoạn phim Cánh đồng hoang (!). Thật là một màn tôn vinh ngược. Lẽ ra những diễn viên trẻ vô danh này phải tặng hoa cho hai nghệ sĩ đàn chị đàn anh mới phải.

 Đỗ Nguyễn Lan Hà - diễn viên nữ chính xuất sắc.

Ngay cả khi lễ  trao giải LHP được tổ chức ở một không gian rộng rãi thoáng đãng hơn là rạp Hòa Bình, các nghệ sĩ cũng không được tôn vinh đúng mực, thậm chí những người có giải thưởng còn bị lùa lên ngồi trên gác, rất bất tiện trong việc lên sân khấu khi được xướng tên. Trong các lễ trao giải điện ảnh trong và ngoài nước, khoảnh khắc cầm trên tay tượng Vàng, tượng Bạc là khoảnh khắc thiêng liêng, các nghệ sĩ được cất lời chia sẻ niềm hạnh phúc với đồng nghiệp, gia đình và khán giả. Nhưng  tại lễ trao giải LHP lần thứ 16, hầu hết các nghệ sĩ đều lặng lẽ lên nhận giải, rồi lặng lẽ trở về chỗ của mình,  hầu như không ai được nói. Chỉ có 4 nghệ sỹ đoạt giải phim nhựa xuất sắc, diễn viên nam chính nữ chính xuất sắc và đạo diễn xuất sắc là được cất lời mỗi người một phút. NSND, đạo diễn Huy Thành không nằm trong diện được phát biểu vẫn chủ động xông ra cầm  micrô nói vài lời thì bị nhắc nhở  ngay. Nghệ sỹ bị chìm đi trong một lễ khai mạc nặng tính thương mại và một lễ trao giải nặng tính chất hành chính khô khan, tẻ nhạt.

Các giải thưởng có đúng tiêu chí?

LHP lần này đã thể hiện rõ những nỗ lực hội nhập của điện ảnh nước nhà khi mời được nhiều đoàn điện ảnh nước ngoài trong đó có  Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... tham gia LHP và đóng góp ý kiến trong các hội thảo về phim ngắn, về huy động vốn sản xuất phim. LHP cũng tạo cơ hội để các nhà báo trao giải cho một phim truyện nhựa. Nhưng cách trao giải của BGK lại tỏ ra cũ hơn LHP lần thứ 15 và không đúng với tiêu chí “Vì một nền điện ảnh đổi mới và hội nhập” khi kết quả giải thưởng tôn vinh những phim có cách thể hiện cũ, tỏ ra thiếu công bằng với các phim tư nhân và các phim có đổi mới tìm tòi thể nghiệm về ngôn ngữ điện ảnh.

LHP lần thứ 15 tổ chức tại Nam Định đã trao giải Bông sen Vàng cho phim Hà Nội-Hà Nội hợp tác với Trung Quốc và trao giải Bông sen Bạc cho phim Dòng máu anh hùng của Hãng phim tư nhân Chánh Phương. LHP lần này dồn hết giải chính cho các phim của các hãng nhà nước sản xuất, mặc dù các hãng tư nhân cũng có phim xứng đáng đoạt giải cao. Ngay trong các phim nhà nước, Chơi vơi của Hãng phim truyện 1 cũng thể hiện nhiều yếu tố đổi mới trong cách thể hiện, mới hơn các phim được BGK trao giải cao, nhưng lại không nhận được giải thưởng nào. Điều nực cười là Chơi vơi không xứng đáng được nhận giải phim nhưng lại được BGK trao đến 3 giải cá nhân là giải Đạo diễn xuất sắc, giải Quay phim xuất sắc và giải Họa sĩ xuất sắc (?!). Sự tréo ngoe giữa các giải thưởng như vậy khiến người ta  nghĩ đến một sự sắp xếp, dàn xếp, can thiệp lộ liễu nào đó dẫn đến đảo lộn giải thưởng vào phút chót. Ngay cả giải báo chí trao cho Đừng đốt cũng khiến không ít người băn khoăn nghi hoặc vì khi bộ phim này vừa trình làng đã có nhiều bài báo thẳng thắn chỉ ra những bất cập. Các nhà báo sám hối, phân hóa hay thực ra giải thưởng mang tên họ cũng là một sản phẩm có tính định hướng, nhằm tạo ra một sự nhất trí tuyệt đối, tránh hội chứng “hậu LHP” trên công luận nước nhà?

Chính những bất cập và thiếu thuyết phục trong cách trao giải đó đã khiến LHP Việt Nam lần thứ 16 mất đi những niềm vui lễ hội hân hoan.

Kim Long


Ý kiến của bạn