Qua danh sách phim vừa được công bố, khán giả kỳ vọng phim Việt sẽ lên ngôi, đồng thời đưa điện ảnh nước nhà tới gần bạn bè quốc tế, thu hẹp khoảng cách với những nền điện ảnh tiên tiến trong châu lục.
Có thể nói, LHP quốc tế Busan là một trong những LHP nổi tiếng và có uy tín của châu Á bên cạnh LHP Kim Mã (Trung Quốc), LHP Tokyo (Nhật Bản)... Kể từ khi được sáng lập năm 1996, mỗi năm LHP quốc tế Busan giới thiệu một chương trình phim đồ sộ khoảng 300 tác phẩm được tuyển chọn kỹ lưỡng, phản ánh bức tranh toàn cảnh của điện ảnh châu Á đương đại. Chính vì thế, các tác phẩm điện ảnh đến từ nhiều quốc gia của châu Á dự LHP Busan luôn được giới làm nghề quan tâm, khán giả đón đợi.
Tại LHP Busan 2019, có thể nói điện ảnh Việt “được mùa” khi phim Anh trai yêu quái (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng), Thưa mẹ con đi (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), Bí mật của gió (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), Bắc kim thang (đạo diễn Trần Hữu Tấn) tham gia hạng mục “Cửa sổ điện ảnh châu Á” - giải thưởng quan trọng và có giá trị nhất của LHP này. Có thể thấy, so với các LHP trước, năm nay điện ảnh Việt đã có nhiều tác phẩm được “chọn mặt gửi vàng” vì 2018 chúng ta chỉ có phim Vợ Ba, năm 2017 có Cô Ba Sài Gòn và năm 2016 có Tấm Cám: Chuyện chưa kể.
Trong số các bộ phim này mới chỉ Thưa mẹ con đi vừa ra rạp, tuy nhiên bộ phim của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã để lại ấn tượng vì đã chạm thật, chạm sâu và còn mở rộng thành câu chuyện gia đình với nhiều tầng bậc cảm xúc. Bộ phim này cũng mang lại cho người xem một câu chuyện vừa đủ tình và nghĩa, cả sự day dứt nơi khán giả. Đối với các phim còn lại sẽ ra mắt lần đầu ngay tại LHP Busan 2019 và sau đó sẽ công chiếu rộng rãi ở các rạp Việt. Bí mật của gió dưới bàn tay của đạo diễn trẻ tài năng Nguyễn Phan Quang Bình là một bộ phim lãng mạn, hài hước, giả tưởng về tình cảm của một cô bé mới lớn với một hồn ma đến từ quá khứ khi gia đình cô từ quê chuyển lên Đà Lạt thành phố của sương mù, bí ẩn và tình yêu. Nội dung bộ phim này đưa khán giả khám phá về tình bạn, những rung động đầu đời, tình yêu, tình cảm gia đình một cách lãng mạn, hài hước, dí dỏm... và lật lại những bí mật được chôn giấu nhiều năm qua.
Hứa hẹn tạo bất ngờ cũng cần kể tới phim Anh trai yêu quái khai thác đề tài gia đình, ngợi ca tình anh em làm lại từ bộ phim My annoying brother của Hàn Quốc. Trong phim, diễn viên Isaac và Kiều Minh Tuấn sẽ vào vai hai anh em cùng cha khác mẹ có một cuộc đoàn tụ “bất đắc dĩ” sau 10 năm xa cách. Cả hai vừa phải chịu đựng những thói hư tật xấu của nhau, vừa tìm cách hóa giải những mâu thuẫn trong quá khứ... “Câu chuyện anh em trong Anh trai yêu quái chắc chắn sẽ khiến khán giả khóc cười rất nhiều bởi sự đồng cảm từ khán giả” - đạo diễn Vũ Ngọc Phượng chia sẻ.
Với phim Bắc kim thang - đây là tác phẩm điện ảnh Việt duy nhất về đề tài kinh dị đến với LHP Busan 2019. Phim khai thác những yếu tố kinh dị xung quanh bài đồng dao Bắc kim thang, từ đó đạo diễn Trần Hữu Tấn phản ánh quan niệm “trọng nam khinh nữ” - một quan niệm đã và đang tồn tại trong nhận thức của người Á Đông. Thông qua bộ phim này, khán giả dễ dàng hình dung sự bất công đó đã dẫn đến cái chết của một cô gái và biến cô thành một con ác quỷ. Tuy nhiên, không dựa vào yếu tố con người để thể hiện quan điểm này, Bắc kim thang sử dụng một nhân vật mang tên “Con bù nhìn” để khai thác câu chuyện ở một góc nhìn mới hơn, khác biệt và táo bạo hơn.
Ngoài ra, dự LHP quốc tế Busan 2019 còn có 2 phim ngắn của Việt Nam: Ngọt, mặn (đạo diễn Dương Diệu Linh) tranh giải hạng mục “Phim ngắn châu Á” và Hãy thức tỉnh và sẵn sàng của Phạm Thiên Ân tranh giải hạng mục “Giới thiệu phim ngắn”. Trong khi đó, dự án Skin of Youth của đạo diễn Nguyễn Phương Anh, Picturehouse của Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Cuộc săn tàn nhẫn của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn tham gia “Chợ dự án”. Tác phẩm Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy Việt cũng vừa xác nhận dự tranh hạng mục New Currents (nhà làm phim mới châu Á) tại LHP Busan lần này.
Nhìn vào các phim Việt “đem chuông đi đánh xứ người” kể trên, nhiều người có niềm tin một trong số tác phẩm này hứa hẹn làm nên chuyện. Mỗi tác phẩm có dư vị và độ cuốn hút, cách thể hiện và khai thác đề tài khác nhau nhưng chất lượng được đặt lên hàng đầu. Quan trọng hơn, đây là dịp để giới làm nghề giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế và thay đổi ý nghĩ của nhiều người “phim Việt là vùng trũng trong châu lục” mỗi khi phim nước nhà đến với các sự kiện điện ảnh quốc tế.