Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết, sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan – ATLAS) trên bầu trời buổi sáng đang trở thành tâm điểm sự kiện thiên văn để theo dõi những ngày này. Lịch cụ thể như sau:
Ngày 30/9: Trong khu vực của chòm sao Leo (Sư tử), gần biên giới với chòm sao Sextans (Kính lục phân), sao chổi nằm cao khoảng 12 độ so với đường chân trời và cách Trăng lưỡi liềm cuối tháng khoảng 18 độ về phía đông nam.
Ngày 1/10: Do đang di chuyển nhanh về phía đông trên bầu trời, độ cao của C/2023 A3 sẽ thấp hơn qua mỗi buổi sáng. Vào ngày đầu tiên của tháng 10, sao chổi này nằm cao khoảng 11,5 độ so với đường chân trời. Bạn cũng có thể tìm thấy một mảnh Trăng lưỡi liềm rất mỏng ở cùng độ cao với nó và cách đó khoảng 13 độ về phía bắc
Ngày 2/10: Ngay sát biên giới giữa chòm sao Leo (Sư tử) và Crater (Cự tước), sao chổi C/2023 A3 tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là 2,6 và cao khoảng 11 độ. Trong một vùng trời tương đối ít sao sáng, đồng thời ánh sáng ngày mới đang dần chiếm ngự vùng trời này, bạn nên sử dụng bản đồ sao để việc xác định vị trí của sao chổi này trở nên dễ dàng hơn. Nó sẽ nằm cách Regulus, ngôi sao đánh dấu trái tim của con sư tử Leo khoảng 24 độ về phía đông nam
Ngày 3/10: Mặc dù độ sáng vẫn tiếp tục tăng lên, tuy nhiên, thời điểm này, việc quan sát C/2023 A3 đã khó khăn hơn nhiều khi nó không nằm cao quá 9,5 độ so với đường chân trời trước khi Mặt Trời mọc. Nó sẽ mọc lên từ sau 4 giờ 40 phút sáng ở hướng Đông. Lúc này, sao chổi ở cách Trái Đất 0,686 AU và đang trên hành trình tiếp cận gần hơn tới hành tinh của chúng ta
Ngày 4/10: C/2023 A3 sẽ di chuyển sang khu vực của chòm sao Virgo (Xử Nữ) vào cuối ngày 04 tháng 10, do vậy, vào buổi sáng ngày này, bạn sẽ tìm thấy nó ở gần biên giới giữa hai chòm sao Virgo và Leo. Nó sẽ cao khoảng 8,5 độ so với đường chân trời cùng độ sáng biểu kiến là 2,5. Thực tế, với điều kiện quan sát ở sát đường chân trời, một vật thể có thể mờ hơn từ 2 tới 3 cấp sao, do vậy, sử dụng một chiếc ống nhòm đi kèm sẽ giúp bạn tìm ra sao chổi này dễ dàng hơn
Ngày 5/10: Chỉ cao vỏn vẹn 6 độ, C/2023 A3 gần như bị nhấn chìm hoàn toàn trong ánh sáng ngày mới và chỉ có thể nhìn thấy thoáng qua nếu bạn sử dụng ống nhòm hoặc kính thiên văn hướng về phía gần sát đường chân trời. Tuy nhiên, nếu đúng theo dự đoán, đây là thời gian sao chổi này bắt đầu sáng lên nhanh chóng khi độ sáng được tăng cường bởi hiệu ứng tán xạ thuận
Ngày 6/10: Mọc lên từ sau 5 giờ sáng, nghĩa là bạn chỉ có khoảng 15 – 20 phút để quan sát trước khi bình minh tới, C/2023 A3 chính thức nói lời tạm biệt với người quan sát tại Việt Nam trên bầu trời buổi sáng. Kết thúc lần xuất hiện này với độ sáng biểu kiến (cơ sở) khoảng 2,1, nếu kết hợp với sự tăng cường từ tán xạ thuận là khoảng – 1,1. Đây thực sự là một màn kết đẹp của Tsuchinshan – ATLAS trước khi nó trở lại một cách rực rỡ hơn sau đó
Từ sau thời điểm này, C/2023 A3 sẽ biến mất tạm thời trên bầu trời buổi sáng. Nhưng rất nhanh sau đó, nó sẽ trở lại bầu trời buổi chiều từ sau ngày 13/10 với một màn trình diễn ấn tượng hơn
Độ sáng biểu kiến được đưa ra dựa trên dữ liệu từ COBS (Cơ sở dữ liệu quan sát sao chổi) và số liệu của các nhà thiên văn học thế giới công bố.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh tượng siêu bão Helene càn quét nước Mỹ: Hơn 40 người thiệt mạng, báo động nguy cơ vỡ đập | SKĐS