Hà Nội

Lịch sử phát triển của y dược cổ truyền

14-12-2022 13:35 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Nền y học cổ truyền được bắt nguồn từ một nền y học dân gian phong phú. Thông qua thực tiễn nhiều đời, các kinh nghiệm được đúc kết thành lý luận phong phú.

Mặt khác các lý luận triết học duy vật cổ đại lại được các nhà y học cổ phương Đông vận dụng vào y học trong mọi lĩnh vực từ phòng bệnh đến chẩn trị, bào chế thuốc men, làm phong phú thêm cho kho tàng lý luận của y học cổ truyền.

Từ đó y học cổ truyền có một nền tảng vững chắc dựa trên hệ thống lý luận đã đươc ghi chép thành văn bản, trên cơ sở đó nền y học cổ truyền Việt Nam có điều kiện phát triển. Do vậy có thể khẳng định rằng đây là một nền y học của dân, do dân và vì dân. Nó có tính chất quần chúng rộng rãi, tính sáng tạo và tính nhân đạo sâu sắc. Nó tiếp thụ tinh hoa của nền y học nước ngoài, trong đó công đầu phải kể đến Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông người đã có công Việt Nam hóa nền y học cổ truyền Trung hoa vào Việt Nam. Chính ông là một tài năng, đã đúc kết và sáng tạo cái di sản quý báu vừa mang sắc thái phi vật thể và vật thể của nền y học cổ truyền Việt Nam. Nền y học cổ truyền Việt Nam dưới ánh sáng của các Nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam và được sự quan tâm của Bác Hồ vĩ đại, đã ngày càng được phát triển mạnh mẽ.

Y học cổ truyển Việt Nam thời thượng cổ

Căn cứ vào những di chỉ được khảo sát qua các hang người vượn ở Thần Khuyên, Thầm Hai (Lạng Sơn) Thầm Ồm (Nghệ An) những di tích sơ kỳ đá cũ ở núi Đọ (Thanh Hóa)… lưu vực sông Đồng Nai chứng minh rằng trên lãnh thổ Việt Nam con người đã từng sinh sống cách đây hàng chục vạn năm. Việc chứng minh phát triển thành người hiện đại ( Homo-Sapiens) ở Việt Nam diễn ra khá sớm qua việc chứng minh sự có mặt của họ ở Hang Hùm (Hoàng Liên Sơn), Kéo Lèng (Lạng Sơn), hang Thung Lang (Hà Nam Ninh) . Điều đó giúp ta hiểu rõ thêm về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Ngay từ xa xưa ông cha ta đã biết sử dụng cây cỏ trong việc bảo vệ sức khỏe của mình.

Lịch sử phát triển của y dược cổ truyền - Ảnh 1.

Hải Thượng Lãn Ông – Danh y nổi tiếng của y học cổ truyền Việt Nam.

Từ thời Hồng Bàng và các vua Hùng 2879-257 trước công nguyên, vào trước những năm 1110 trước công nguyên, đã có tục ăn trầu (nhai trầu với cau, vôi, và vỏ rễ) đồng thời có tục lệ nhuộm răng đen bằng cánh kiến đỏ, vỏ lựu, ngũ bội tử. Phong tục ăn trầu nhuộm răng còn có mục đích bảo vệ răng miệng, làm chắc răng, thơm miệng, tránh sâu răng, lại làm nở nang ấm áp cơ mặt, làm da mặt hồng hào tươi tắn.

Đã từ rất sớm, nhân ta đã biết dùng gừng, tỏi, ớt làm gia vị ăn hàng ngày vừa giúp cho việc tiêu hóa tốt, lại giúp cho việc phòng các bệnh đường ruột. Người dân miền núi có tục ăn ý dĩ và uống nước củ giềng để chống ẩm thấp và phòng chống sốt rét rừng.

Cuối thế kỷ thứ III trước công nguyên ở Nam Việt giao chỉ đã phát hiện các cây thuốc như sắn dây, gừng, giềng, đậu khấu, ích trí, lá lốt, sả, quế, quan âm, vông nem…

Năm 218 Tần Võ Đế dùng hoa Đậu khấu phá khí, tiêu đờm tăng tửu lượng rất hiệu nghiệm; hoa Sơn Khương trị khí lạnh sản xuất ở Cửu Chân Giao chỉ. Ông An Kỳ Sinh đã lấy xương bồ 9 đốt ở núi Lạng Giản (Đông Triều) phía đông thành Phiên Ngung ( Cổ Loa) uống rồi thành tiên. Hạp đằng (bàm bàm) còn gọi là Đậu voi dùng giải các loại thuốc độc, Tan lang (cau) ăn với trầu không: hồng hào, hạ khí, tiêu cơm. Sau đó là hàng loạt các loại vị thuốc khác đã được phát hiện và sử dụng như Mộc hương, An tức hương, Hương phụ, Giáng chân hương, Quế, Tê giác. Từ thế kỷ III trước công nguyên nhân dân nước Âu Lạc (tên nước ta thời đó) đã biết nấu rượu để uống làm thuốc.

Y học cổ truyền từ năm 179 đến năm 938

Từ năm 179 trước công nguyên, nước Âu Lạc đã bị sát nhập với nước Nam Việt của Triệu Đà, từ năm 111 trước công nguyên nhà nước ta đã bị nhà Hán thôn tính. Từ đó nước ta đặt dưới quyền đô hộ của các triều đại Hán, Ngụy, Tần, Tống, Tề, Tùy, Đường. Đến năm 938 sau công nguyên nước ta mới giành được độc lập. Trong thời gian này người Trung Quốc đã lấy nhiều vị thuốc của chúng ta đem về nước như Ý dĩ, Sử quân tử, Hoắc hương, Đậu khấu, Sắn dây, Sả… đồng thời nhiều thầy thuốc Trung Quốc cũng sang Việt Nam để hành nghề chữa bệnh. Năm 187-226 Đổng Phụng đã sang chữa bệnh cho Sĩ Nhiếp, năm 479-501 Lâm Thắng sang Việt Nam lấy thuốc ở Việt Nam đã chữa khỏi bệnh thấp, bụng trứng của vợ Âm Kiên. Thân Quang Tôn đã chữa bệnh buốt óc của Tôn Trọng Ngạc bằng Gừng khô, Hồ tiêu. Qua những sư kiện trên chứng tỏ rằng sự giao lưu y học cổ truyền giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có từ lâu .

Y học cổ truyền từ năm 938 đến 1884

1. Y học cổ truyền dưới các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý (938-1224)

Năm 938 nền độc lập của nhà nước phong kiến Viêt Nam được thiết lập mở đàu là nhà Ngô, tiếp theo đó là nhà Đinh, Lê,Lý. Song dưới các triều đại này chưa từng thấy tài liệu ghi chép về tổ chức y tế.

Đến nhà Lý nước ta có nhiều thầy thuốc chuyên nghiệp. Ở triều đình đã có Ty thái y. Trong đó có ngự y chuyên chăm sóc sức khỏe cho vua. Năm 938 vua Lý Thần Tông phát bệnh điên cuồng, mình mọc lông dài. Miệng gào thét đã được Minh Không thiền sư chữa khỏi băng cách tắm nước bồ hòn.

2. Y học cổ truyền dưới triều nhà Trần (1225-1399)

Trong thời kỳ này nền y học cổ truyền có một số đặc điểm sau:

– Có viện thái y học với chức năng chăm lo sức khỏe cho vua quan trong triều đình, đồng thời có nhiệm vụ quản lý y tế trong cả nước.

– Từ năm 1261 nhà Trần đã mở khóa thi để tuyển lương y vào làm việc ở viện Thái y. Viện Thái y đã chỉ đạo việc đào tạo thầy thuốc và có kế hoạch thu trữ cấp phát dược liệu, phục vụ chữa bệnh cho vua quan và quân đội. Viện Thái y đã thường xuyên tổ chức đi hái thuốc mọc hoang ở núi An Tử, Đông Triều. Lúc này Phạm Ngũ Lão , phụ trách trồng thuốc ở Phả Lại (vườn thuốc Vạn An và Dược Sơn xã Hưng Đạo, Chí Linh ngày nay) để tự túc thuốc men. Như vậy việc trồng thuốc và thu hái thuốc mọc hoang; ông cha ta cũng đã lãm từ sớm. Cũng từ đó xuất hiện ý thức sâu đậm trồng cây thuốc, có khi cả làng như Đại Yên ( Ba Đình – Hà Nội), Nghĩa Trai(Văn Lâm – Hưng Yên) mà ngày nay vẫn còn truyền thống. Song song với việc dùng thuốc; việc chữa bệnh bằng châm cứu cũng được tin dùng hơn trước.

– Năm 1362, vua Trần Dụ Tông đã cấp phát tiền gạo và thuốc viên Hồng ngọc sương hoàn để chống dịch cho dân ở hạt Tam Đới ( Phú Thọ) và phủ Thiên Trường (Nam Định).

Dưới thời nhà Trần xuát hiện một số thầy thuốc tiêu biểu:

– Phạm Công Bân (Cẩm Bình – Hải Dương) giữ chức Thái y lệnh, từ 1278 – 1314 ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho dân, ông còn bỏ tiền riêng mua sắm thuốc men dựng nhà nuôi dưỡng bệnh nhân nghèo bị tàn tật, hoặc trẻ em mồ côi cơ nhỡ.

– Tuệ Tĩnh còn gọi là Nguyễn Bá Tĩnh một tiến sĩ hoàng giáp, một nhà sư và một lương y nổi tiếng đã đề xuất thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt ông đã biên soạn cuốn Nam dược thần hiệu với 499 vị thuốc và các phương thuốc nam chữa 184 loại bệnh. Quyển sách của ông đã được Hòa thượng bản lai biên tập, bổ sung và in khắc lại năm 1761. Quyển Nam dược chính bản ( có tựa của chúa Trịnh 1717) gồm hai quyển Nam dược quốc ngữ phú gồm 590 vị thuốc, Trực giải chỉ nam dược tính phú gồm 220 vị. Sau này đổi tên là Hồng nghĩa giác tư y thư.

– Qua một số tác phẩm của Tuệ Tĩnh ta thấy nổi bật lên đạo đức và đường hướng y học của ông. Trong thời kỳ này nhiều vị thuốc được phát hiện như Hoàng nàn, Hoàng đằng, Hoàng lực, Độc lực, Tân lang, Lá đơn đỏ, Vỏ lựu… Đồng thời Tuệ Tĩnh đã bước đầu chia bệnh ra 10 khoa.

3. Y học cổ truyền thời nhà Hồ và thời thuộc Minh ( 1400 – 1427)

Trong thời kỳ này, triều đình có chủ trương chữa bệnh rộng rãi cho dân. Lập Quảng tế thự, tổ chức các cơ sở chữa bệnh ở địa phương. Trong thời kỳ này có Nguyễn Đại Năng (Hải Dương) giữ chức tá nhị ở viện Thái y, ông đã biên soạn châm cứu tiệp hiệu diễn ca, vận dụng 120 huyệt để chữa nhiều bệnh hiểm nghèo (sốt rét, động kinh) ngoài ra còn có Vũ Toàn Trai (Hải Hưng) , Lý Công Tuấn (Tiên Sơn, Bắc Ninh) đều là những người biên soạn các tác phẩm châm cứu giá trị.

4. Y học cổ truyền dưới triều Lê (1428- 1788)

Dưới triều Lê, Lê Nhân Tông chú trọng phát triển nền y học cổ truyền nước ta. Lúc này đã có quan hệ trao đổi sản vật để lấy thuốc Bắc của Trung Quốc. Nhà Lê quan tâm đến sức khỏe của nhân dân.

Luật Hồng Đức đã dưa ra quy chế nghề y, trừng phạt những thuốc vụ lợi. Cố tình chữa bệnh dây dưa hoặc chữa khoán, có quy chế vệ sinh xã hội, nghiêm trị những người chế và bán thuốc độc. Cuốn "Bảo sinh diên thọ toàn yếu" hướng dẫn giữ vệ sinh, luyện tập vận động thân thể để tăng tuổi thọ. Về tổ chức y tế ở triều đình có viện Thái y đứng đầu là Đại sứ, giúp việc có tránh phó ngự y chữa bệnh cho vua. Chánh phó lương y để chữa bệnh cho hoàng gia và quan lại, ở sáu viện có các phòng thuốc do các Viên tư dược và Trưởng dược phụ trách giữ kho và phân phối cấp phát. Ở Viện thái y còn có khoa huấn luyện y học. Ở các tỉnh có Tế sinh đường có các kháng chẩn để khám bệnh và chức sứ trông coi kho thuốc và cấp phát thuốc. Các tránh phó lương y trông coi sức khỏe cho các tướng sĩ trong quân đội.

Trong thời kỳ này có các lương y nổi tiếng như:

+ Nguyễn Trực chuyên chữa về bênh trẻ em bằng xoa bóp, bấm huyệt, đốt bấc; có các phương pháp trị bệnh sỏi, đậu mùa.

+ Chu Doãn Văn (Thanh Trì) có các y án trị bệnh ngoại cảm và biên soạn 4 thiên lý luận cơ bản rất súc tích.

+ Hoàng Đôn Hòa (Thanh Oai – Hà Tây) đã thành công trong việc dùng thuốc hoàn chế sẵn và dược liệu trồng tại chỗ để chữa bệnh đặc biệt là bệnh sốt rét và thổ tả.

Hải Thượng Lãn Ông – Danh y nổi tiếng của y học cổ truyền việt nam

Ngoài ra còn hàng loạt các danh y khác như Nguyễn Đạo An, Lê Đức Vong, Đào Công Chính, Tạ Chất Phác, Trần Hải Yến… đã có nhiều công lao đóng góp cho nền y học cổ truyền. Đặc biệt trong thời kỳ này, nổi bật lên như một ngôi sao sáng trong nền y học cổ truyền Việt Nam đó là danh y Lê Hữu Trác (1720-1791) Hải Thượng Lãn Ông (Hưng Yên). Ông đã để lại một pho kinh nghiệm quý báu, đúc rút qua nhiều thế hệ của các nhà y học cổ truyền trong và ngoài nước (Trung Quốc) với bộ sách khổng lồ Lãn Ông tâm lĩnh sau đổi thành Hải thượng y tông tâm lĩnh 28 tập , 66 quyển để phổ cập đào tạo thầy thuốc, lưu truyền cho hậu thế. Để ghi nhớ công ơn ông, Nghành Y tế Việt Nam đã lấy ngày mất của ông 15-1 (âm lịch) làm ngày truyền thống của những người hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền Việt Nam.

5. Y học cổ truyền dưới triều Tây sơn (1789- 1802)

Kết quả của sự chia cắt đất nước lâu dài ( Trịnh – Nguyễn phân tranh)làm nhân dân vô cùng khốn khổ, bệnh tật phát triển, thái y viện đã tăng cường việc chống dich ở các địa phương. Đã thành lập Nam dược cục; mời các lão y về nghiên cứu thuốc Nam, đứng đầu là lương y Nguyễn Hoành ( Thanh Hóa) ông đã biên soạn 500 vị thuốc cỏ cây ở địa phương và 130 vị về các loại chim, cá, kim, thạch, đất, nước.

6. Y học cổ truyền dưới triều Nguyễn (1802 – 1905)

Nhà Nguyễn dựa vào Pháp lập các Tế sinh đường ở các tỉnh đổi thành Ty lương y. Những người tàn tật nghèo khổ được nuôi dưỡng ở Dưỡng tế sự các tỉnh. Viện thái y có quy định cụ thể các chức vụ như bào chế, kiểm tra, đóng gói, sắc thuốc… 1856 Tự Đức có mở trường dạy thuốc ở Huế. Nhà Nguyễn có đặt quy chế riêng về nghề y, trừng phạt các thày thuốc chữa sai gây tử vong hoặc cố tình gây nguy hiểm cho người bệnh. Luật Gia Long quy định trừng phạt những vụ chữa bệnh trái phép gây chết người.

Y học cổ truyền dưới thời Pháp thuộc

Sau khi chiếm được nước ta, người Pháp tổ chức y tế nước ta theo cách tây y. Có các nhà thương ở thành phố, bệnh xá ở tỉnh lỵ, lúc đầu đều cho thầy thuốc nhà binh phụ trách. Từ 1905, các bệnh viện, bệnh xá do giám đốc y tế của 3 kỳ lãnh đao dưới quyền thanh tra y tế Đông Dương. Các Ty lương y ở Nam triều bị giải tán. Y học cổ truyền không còn nằm trong hệ thống y tế nhà nước. Tuy vậy những người dân nghèo đa phần ở nông thôn và miền núi vẫn phải chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Y học cổ truyền bị thực dân pháp chèn ép, đè nén. Pháp hạn chế số người hành nghề y học cổ truyền, ở Nam bộ cấp thẻ môn bài không quá 500 người hành nghề y học cổ truyền. Mặc dù vậy y học cổ truyền vẫn cố gắng tìm cách hoạt động để giữ gìn vốn quý của cha ông. Ví dụ Hội y học Trung Kỳ thành lập ngày 14/9/1936 đã phát hành 46 số tạp chí y học.

Y học cổ truyền từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay

Sau khi giành được chính quyền, Bác Hồ và Đảng ta đã quan tâm đến nền y học cổ truyền. Trong thư gửi cán bộ y tế ngày 27/2/1955 Bác Hồ viết "Y học phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc Bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây"

Những chỉ thị 101 TTg ngày 15/3/1961, 21CP ngày 19/2/1967 và 26CP ngày 19/10/1978 đã quy định "Trên cơ sở khoa học thừa kế và phát huy những kinh nghiệm tốt của đông y và kết hợp với tây y tăng cường khả năng phòng bệnh, chữa bệnh, và tiến tới xây dựng nền y học Việt Nam"

Điều 49 chương III, hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có ghi "Phát triển và hoàn thiện hệ thống bảo vệ sức khỏe nhân dân trên cơ sở kết hợp y học, dược học hiện đại với y học cổ truyền"

Ngày 4/11/1955 Bộ Y tế có công văn 9126 YD/PBCB hương dẫn các địa phương khai thác và sử dụng thuốc nam.

Ngày 12/4/1956 Bộ Y tế tổ chức Phòng đông y trong Vụ chữa bệnh chuyên trách nghiên cứu đông y.

Theo nghị định số 339 NV/DC ngày 3/6/1957 của Bộ nội vụ, Hội Đông y Việt Nam, sau chuyển thành Hội Y học cổ truyền Việt Nam, nay là Hội Đông y Việt Nam được phép thành lập với mục đích đoàn kết các người làm nghề và nghiên cứu đông y, đông dược và phối hợp với Bộ y tế trong công tác lãnh đạo giới đông y về tư tưởng nghiệp vụ.

Vụ đông y được thành lập giúp đỡ Bộ y tế lãnh đạo công tác đông y trong toàn Ngành y tế. Đồng thời theo nghị định số 238/TTg cùng ngày của Phủ Thủ tướng, Viện nghiên cứu đông y, sau chuyển thành Viện y học cổ truyền Việt Nam, hiện nay là Bệnh viện y học cổ truyền trung ương được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng các phương pháp chẩn đoán bệnh, trị bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc, nắn bó gãy xương bằng phương pháp đông y, dùng phương pháp khoa học hiện đại chứng minh so sánh. Sau này hàng loạt viện nghiên cứu khác của YHCT Việt Nam được thành lập: Viện châm cứu, Viện YHCT quân đội.

Cho đến năm 2005 các tỉnh thành phố đều có Bệnh viện y học dân tộc, 259 khoa y học dân tộc trong các bệnh viên đa khoa cả nước, cho tới hiện nay cả nước có hơn 10.000 phòng và tổ chẩn trị YHCT, và 257 cơ sở sản xuất thuốc đông dược với các dược liệu trong và ngoài nước. Riêng trường đại học dược Hà Nội đã đào tạo được hơn 200 dược sĩ chuyên khoa dược liệu, các trường trung cấp đào tạo hơn 4000 y sĩ y học cổ truyền. Hiện nay đang tiếp tục đào tạo lại và đào tạo sau đại học về dược học cổ truyền như các hệ cao học, nghiên cứu sinh, chuyên khoa 1, 2 về dược học cổ truyền. Để đi sâu vào nghiên cứu YHCT, năm 2005 nhà nước đã thành lập Học viện YHCT.

Hiện nay để có đủ thuốc cổ truyền phục vụ cho việc điều trị bệnh ở các tuyến, nhất là tuyến cơ sở, Bộ y tế chủ trương việc trồng cây thuốc tiến hành theo các hướng: vừa trồng cây thuốc, kết hợp với cây ăn quả, cây làm cảnh, cây rau, và nhất thiết phải đưa lại lợi ích kinh tế cho người dân, đây cũng là hướng đưa lại công ăn việc làm cho người dân, cải thiện đời sống cho dân, gớp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.

Tóm lại dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam với phương châm đúng đắn của Bộ y tế chúng ta sẽ vươn tới một nền y tế Việt Nam có tiền đồ rực rỡ. Điều đó càng được thể hiện rõ nét trong nghị quyết lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, các nghị quyết hội nghị lần thứ 3, nghị quyết hội nghị lần thứ 4 của của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, nghị quyết số 37/CP ngày 20/6/1996 của Chính phủ về "Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời gian 1996 – 2000 và Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam".

Đồng thời có chiến lược phát triển YHCT từ 2005 – 2010. Phấn đấu tới 2010, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được 60% nhu cầu của bệnh viện, trong đó có 30% số thuốc được sản xuất trong nước là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và thuốc YHCT. Để đáp ứng được yêu cầu đó sẽ có kế hoạch ưu tiên xây dựng vùng nuôi trồng và chế biến dược liệu, nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất thuốc. Trên cơ sở thừa hưởng vốn quý của nền YHCT lâu đời của dân tộc ta với một sự kết hợp khéo léo thích hợp thành tựu y học hiện đại của thế giới, chúng ta sẽ có một nền y tế thật độc đáo, thật Việt Nam. Nhất là trong giai đoạn hiện nay Nhà nước đã có Chính sách quốc gia về thuốc YHCT và chiến lược hiện đại hóa nền YHCT Việt Nam. Đó là những điều kiện tiếp sức, làm đà cho YHCT Việt Nam phát triển trong thế kỷ 21.


An Nhiên
Ý kiến của bạn