Hà Nội

Lịch sử là môn bắt buộc, học sinh không thi vẫn phải học

12-07-2022 10:48 | Xã hội
google news

SKĐS - Kể từ năm học tới đây, môn Lịch sử sẽ tăng thời lượng lên 52 tiết/năm học và trở thành môn học bắt buộc trong chương trình THPT. Điều này có làm chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường được nâng lên?

Quốc hội yêu cầu thiết kế môn Lịch sử bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọnQuốc hội yêu cầu thiết kế môn Lịch sử bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn

SKĐS - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký Nghị quyết số 63/2022/QH15 trong đó có những chỉ đạo liên quan đến công tác giáo dục - đào tạo.

Lịch sử sẽ là môn bắt buộc trong chương trình THPT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới với một số nội dung bắt buộc từ năm học này.

Theo kế hoạch thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng một số nội dung ở môn Lịch sử bậc THPT trở thành nội dung bắt buộc dạy và dạy học áp dụng từ năm học 2022 - 2023. Dự kiến, thời lượng phần bắt buộc 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy bắt buộc cho tất cả học sinh.

Lịch sử là môn bắt buộc, học sinh không thi vẫn phải học - Ảnh 2.

Môn Lịch sử sẽ trở thành môn học bắt buộc trong trường THPT từ năm học 2022-2023.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam rất ủng hộ chủ trương này, ông cho rằng, lịch sử là môn học quan trọng, mỗi công dân đều cần am hiểu lịch sử. Không phải chỉ học đến cấp THCS đã hiểu về lịch sử, ngay cả khi trưởng thành cũng cần những kiến thức của môn này. Lịch sử không gói gọn trong vài năm mà là hàng ngàn năm hình thành và phát triển của một đất nước. Lịch sử cũng không đóng khuôn trong một lãnh thổ quốc gia mà là cả thế giới.

"Chúng ta học lịch sử để hiểu về sự sinh tồn, phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc, không chỉ hiểu về nước mình mà hiểu về cả các nước khác trên thế giới. Lịch sử cần giữ đúng vị thế là một môn học quan trọng trong chương trình. Nhiều người vẫn cho rằng Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa là môn chính, các môn như Sử, Địa chỉ là môn phụ, nhưng trong xã hội hiện đại, bất cứ môn học nào, tri thức nào cũng cần, ở bậc phổ thông thì lại càng cần phát triển toàn diện, học không phải chỉ để thi", GS Phạm Tất Dong nói.

PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay quan điểm lịch sử phải là môn bắt buộc đã được ông đề cập nhiều lần từ năm 2015. Theo PGS Vy, môn lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc. Môn lịch sử cũng củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu.

"Nhiều người nói sửa chương trình lúc này là vội vàng, tôi cho rằng việc sửa không quá phức tạp. Trong đó sẽ có phần chủ đề và phần chuyên sâu. Phần chủ đề thì đã có sẵn các nội dung, dùng để dạy cho học sinh đại trà, phần chuyên sâu dành cho các em yêu thích hoặc hướng nghiệp có môn Lịch sử", PGS Nghiêm Đình Vỳ nêu quan điểm.

Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện khơi dậy truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Xét về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh trung học phổ thông có sự trưởng thành về nhận thức khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Và trên thế giới, Lịch sử trong chương trình THPT luôn là môn học bắt buộc.

Đổi mới dạy Lịch sử thế nào?

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, một chương trình cố định với quá nhiều các môn học bắt buộc đã không còn phù hợp và thậm chí là quá tải với đa số học sinh trong một trường trung học. Thay vào đó, các hoạt động giáo dục trong nhà trường phải trở nên đa dạng và linh hoạt nhất có thể để đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo cá nhân học sinh. Việc Lịch sử là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học thực ra không phải là quá nặng. Nhưng mấu chốt ở đây là đổi mới cách giảng dạy chứ không phải cứ là môn học bắt buộc thì học sinh sẽ thích học.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Thành viên tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục của Chính phủ cho rằng, để chất lượng dạy và học môn Lịch sử được cải thiện, cần có giải pháp thay đổi về cách kiểm tra đánh giá, tổ chức dạy học ra sao để học sinh dù không đi, xét tuyển đại học bằng môn này vẫn học Lịch sử, không có chuyện không thi sẽ không học.

Vấn đề đặt ra là cần dạy môn Lịch sử cho học sinh phổ thông thế nào để không nhạt nhòa như hiện nay. Không phải cái gì học cũng phải thi và không phải cứ thi mới cần học. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cũng như các nhà trường cần tính đến việc làm sao để gắn Lịch sử với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong cách tổ chức dạy học cũng cần thay đổi. Khi hướng nghiệp, các em không chỉ học về nghề nghiệp đó, mà còn được học về truyền thống của ngành nghề đó, tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên, sẵn sàng hy sinh trong công việc các em theo đuổi…

Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực giáo dục có nêu Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Lịch sử thành môn "bắt buộc": Cấp tốc sửa chương trình trong 1 thángLịch sử thành môn 'bắt buộc': Cấp tốc sửa chương trình trong 1 tháng

Với 52 tiết Lịch sử bắt buộc mỗi năm ở cấp THPT, Bộ GD-ĐT định chỉnh sửa, biên soạn tài liệu và thẩm định chương trình trong hơn 1 tháng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 12/7: Người Việt xếp hàng viết sổ tang tưởng nhớ và bật khóc trước di ảnh ông Shinzo Abe | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn