Một vùng cấm bay đã được thiết lập tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libya, và các vùng lân cận nhằm ngăn chặn lực lượng do tướng Khalifa Haftar cầm đầu có những "hành động quá khích".
Động thái này diễn ra sau vụ đụng độ giữa lực lượng bán quân sự và các chiến binh Hồi giáo khiến 43 người chết và hơn 100 người bị thương. Đụng độ thường xuyên xảy ra tại Benghazi giữa quân đội và phiến quân vốn bị cáo buộc tội sát hại các nhân viên an ninh. Tuy nhiên, vụ đụng độ này khiến chính phủ quan ngại khi tướng Khalifa Haftar sử dụng máy bay và binh lính để tấn công vào các nhóm Hồi giáo khủng bố khi chưa được phép của chính quyền trung ương.
Vụ việc xảy ra hôm 16-5, khi lực lượng "quân đội quốc gia" của tướng Khalifa với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng tấn công vào các binh sĩ Hồi giáo Ansar Sharia tại Benghazi, tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố. Tướng Khalifa còn dọa sẽ tiếp tục chiến dịch cho đến khi Benghazi "không còn bóng khủng bố". Tuy nhiên, khó khăn lại chồng chất khó khăn khi Thủ tướng lâm thời Libya Abdullah Al-Thinni coi lực lượng của tướng Khalifa là "bất hợp pháp", đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
Thành phố phía đông Benghazi là trung tâm của cuộc nổi dậy chống ông Gaddafi. Có thể thấy, quyết định lập vùng cấm bay lần này là nỗ lực ngăn chặn các lực lượng bán quân sự mới sử dụng sức mạnh không quân chống lại lực lượng dân quân Hồi giáo ở Benghazi. Đó chắc chắn không ai khác là lực lượng của tướng Khalifa, người từng sống lưu vong tại Mỹ và trở về Libya vào năm 2011 để chỉ huy các lực lượng mặt đất trong chiến dịch tấn công do NATO hậu thuẫn nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi.
Thực tế cho thấy, các nhà lãnh đạo Libya đang nỗ lực hết mình để mang lại sự ổn định cho đất nước kể từ khi cựu Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước khi nội bộ quốc gia Bắc Phi đang chia rẽ nghiêm trọng. Một hiến pháp mới theo như kế hoạch vẫn còn chưa "thành văn" và cả nước đã có 3 thủ tướng kể từ tháng 3 đến nay. Một số người cho rằng, tướng Khalifa đang nổi lên như một nhân vật có thể giúp đưa đất nước thoát khỏi tình trạng chia rẽ hiện nay, điều mà chính quyền trung ương không làm được.
Nhưng một số khác cáo buộc, chiến dịch này đẫm máu tại Benghazi vừa qua là dấu hiệu cho thấy ông Khalifa chuẩn bị đảo chính, giống như tuyên bố của Chỉ huy trưởng quân sự của chính phủ Nuri Abu Sahmain.
Theo CA Đà Nẵng