Chẳng vậy mà bất kỳ một đứa trẻ nào cũng rất mong Tết và thích Tết, khi mà Tết đến trẻ không chỉ được ông bà, cha mẹ, những người họ hàng thân thích…,trao tặng tiền lì xì, mà các em còn được ăn ngon, được mặc những bộ áo quần mới đẹp đẽ, và được nghỉ học đi chơi, đi hội xuân…
Chuyện trẻ nhận tiền lì xì bấy lâu nay vẫn được coi là "phải phép" hay có văn hóa, đó là khi những đứa trẻ ấy biết nói lời cảm ơn đối với chủ nhân của những phong bao tiền lì xì đỏ thắm đã ban tặng cho chúng.
Để những đứa trẻ biết nói lời cảm ơn như thế, theo tôi nghĩ thì rất ít đứa trẻ tự hình thành trong đầu thói quen đầy khích lệ nhu vậy, mà đó là quá trình uốn nắn, dạy bảo của cha mẹ trẻ.
Khi trẻ nói lời cảm ơn, tất nhiên không chỉ người lớn tặng tiền lì xì cho trẻ cảm thấy vui, mà cha mẹ trẻ cũng cảm thấy hãnh diện vì con mình biết đối nhân xử thế, biết lĩnh hội sự giáo dục từ những điều nhỏ nhất, đó là một câu cảm ơn!.
Thế nhưng, trên thực tế thì có rất nhiều những đứa trẻ lại không làm được điều nhỏ nhặt ấy, khi mà chúng nhận tiền từ tay người lớn mà không nói được lời cảm ơn. Không ít đứa trẻ còn thô thiển một cách... vô tư đến thái quá, khi giật phong bao lì xì từ tay người lớn xong, chúng bóc luôn ra xem phong bao lì xì ấy đựng bao nhiêu tiền(?!), và khi thấy tờ tiền mệnh giá quá nhỏ bé, chúng nói toạc luôn rằng "mỗi 10, hay 20 ngàn đồng… bọ!"; hoặc là "mẹ ơi, bác A, chị B., cô C., lì xì mỗi 20 ngàn đồng, ít quá...".
Gặp trường hợp của những đứa trẻ ấy, những người lớn thường ái ngại và cảm thấy không được vui cho lắm, nhưng họ vẫn phải niềm nở ra mặt... Vẫn biết đó là lời con trẻ, mà con trẻ thì hay nói thẳng, nói thật, nhưng giá như cha mẹ của các bé chú tâm dạy bảo, uốn nắn các bé ngay từ lúc còn nhỏ thì các tình huống theo kiểu "sự cố" như trên trong chuyện trẻ nhận tiền lì xì Tết chắc sẽ không xảy ra. Lại có những trường hợp trẻ làm người lớn khó xử đến mức không biết phải xử trí tình huống ra sao, khi do điều kiện kinh tế không cho phép nên khi đi chúc Tết, nhiều người không thể có tiền để lì xì. Khi gặp trẻ, chúng đòi tiền lì xì, thậm chí là nói ngay trước mặt bố mẹ và cả khách tới chúc Tết.
Thực ra, việc cha mẹ dạy trẻ nhận tiền lì xì và nói lời cảm ơn là vẫn chưa đủ, mà theo tôi các bậc phụ huynh nên rèn con em mình vừa nói lời cảm ơn, vừa nói lời chúc mừng tốt đẹp tới những người lớn lì xì tiền cho mình. Ví dụ như cha mẹ nên dạy con những câu chúc mừng đại loại như: "Con cảm ơn! Con chúc ông, bà, cô, bác, chú... bước sang năm mới luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn!"; hay "Con xin, con cảm ơn! Một năm mới nhiều niềm vui sẽ đến với ông, bà, cô, bác...".
Vâng, chuyện lì xì của trẻ cũng như cách dạy trẻ nhận tiền lì xì ra sao cho phải phép tưởng là chuyện nhỏ, nhưng thực ra nó lại không hề… nhỏ một chút nào, bởi thông qua việc này mọi người có thể đánh giá được nền tảng giáo dục ở gia đình của trẻ có được tốt hay không, bởi nếu như bố mẹ có nghiêm khắc, có chú tâm dạy bảo, uốn nắn con cái từ những điều nhỏ nhất, như việc nhận tiền lì xì, thì con cái sẽ vào "nếp" và trở nên ngoan ngoãn, lễ phép, đối nhân xử thế đúng mực, luôn thể hiện là người có văn hóa, dẫu các em còn nhỏ...