Lều tranh nuôi ước mơ

12-04-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Những túp lều đơn sơ nằm nghiêng nghiêng bên sườn núi được dựng lên bằng vài cây luồng, mấy cành cọ làm mái nhà che mưa nắng

Những túp lều đơn sơ nằm nghiêng nghiêng bên sườn núi được dựng lên bằng vài cây luồng, mấy cành cọ làm mái nhà che mưa nắng, cửa vào chỉ đủ cho 1 người chui. Ba bốn em nhỏ đang quây quần bên bữa ăn đạm bạc, vài hạt muối trắng, thêm vài lát gừng luộc làm thức ăn nhưng nhìn các em ăn lại thấy chén cơm ngon vô cùng… Ðó là hình ảnh của những học sinh tại xã Mường Lý (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá).

Tìm chữ vùng cao

Con đường mòn từ thị trấn Mường Lát đến trung tâm xã Mường Lý gập ghềnh với những con dốc tức, một bên là vực sâu, bên vách núi. Để tránh xảy ra nguy hiểm, chúng tôi buộc phải đẩy xe qua những cung đường trơn trượt còn vương dấu mưa rừng. Xuất phát từ thị trấn Mường Lát từ sáng sớm nhưng đến trưa chúng tôi mới đặt chân lên trung tâm xã Mường Lý. Nơi đây chỉ có tiếng chim hót và tiếng suối chảy róc rách, thi thoảng mới thấy lác đác một vài nóc nhà sàn nằm chênh vênh bên sườn núi. Cuộc sống hàng ngày của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn nên việc học hành của con em họ cũng ít khi được quan tâm. Có những bản cách trung tâm xã khoảng 30-40km đường rừng nên dù có nỗ lực đến mấy thì các em học sinh (HS) nơi đây cũng không thể hàng ngày đến trường.

Học sinh tự nấu ăn trong túp lều đơn sơ nghiêng nghiêng bên sườn núi.

Vào đến trung tâm xã Mường Lý, từ xa chúng tôi có thể nhìn thấy những túp lều tranh nằm san sát với nhau như một xóm, nằm nép mình bên những sườn núi. Đó chính là những ngôi nhà bán trú dân nuôi của hàng trăm học HS Trường tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) xã Mường Lý. Những căn lều tạm bợ được dựng bằng tre, luồng và lợp mái tranh, đứng ngoài có thể nhìn xuyên thấu vào trong, bởi bức vách đan bằng tre cách nhau cả gang tay. Địa hình nơi đây vốn phức tạp, nhà các em lại cách xa trường, có những em gia đình ở cách xa điểm trường chính 20 - 30km đường núi, để đến được trường học phải đi bộ mất cả ngày trời. Vì thế, muốn được học chữ, không còn cách nào khác là các em phải dựng lều trọ học ngay cạnh trường. Cứ vào đầu năm học, bố mẹ các em phải vào rừng chặt tre, luồng và tìm vật liệu ra sửa sang lều bạt cho con trọ học. Những túp lều đơn sơ đó là nơi các em tránh mưa nắng, tránh những trận gió mùa lạnh lẽo và là nơi các em tự chăm lo cho chính cuộc sống của mình. Giấc mơ đến với cái chữ thành hiện thực là nhờ những túp lều mỏng manh.

Các em HS đang độ tuổi mới lớn, ăn chưa no, lo chưa đến nhưng vì để biết cái chữ mà các em đã phải nỗ lực tự lo cho bản thân từ miếng ăn đến giấc ngủ và việc học tập. Như em Giàng A Sang, HS lớp 8A, Trường THCS Mường Lý do nhà xa trường hàng chục cây số, để được học chữ, cách duy nhất là bám trường: “Nhà em ở bản Suối Mau, cách đây khoảng chục km. Em ra đây học được hơn 7 năm rồi! Căn nhà này là do bố em dựng từ năm em vào lớp 6. Hơn 2 năm qua, em ăn học ở đây, khi nào được nghỉ hè em mới được về nhà. Cứ 2-3 tháng, bố em lại lên mang cho ít gạo để nấu cơm ăn dần”, em Sang nói. Căn lều Sang đang ở sau 2 năm che mưa che nắng đã xuống cấp dần, sàn nhà ọp ẹp, mái nhà cũng đã mục. Ngày nắng không sao, nhưng mỗi khi trời mưa xuống thì trong cũng như ngoài, Sang chỉ còn biết co ro chịu ướt cả quần áo, sách vở.

Hầu hết HS nơi đây đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài số tiền hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước dành cho HS miền núi thì hầu hết các em phải tự lo cho sinh hoạt riêng của mình. Hàng ngày, ngoài một buổi đến trường, còn lại các em tranh thủ vào rừng kiếm thêm các loại rau củ, bắt các động vật nhỏ như dúi, chuột… bổ sung thêm cho bữa cơm trắng “Nhà em ở xa lắm, đi bộ cả ngày mới đến trường được, em thích đi học lắm. Đi học biết nhiều thứ hơn ở nhà. Em mong sau này có thể làm thầy giáo về dạy ở bản mình. Nhưng mà nhà em nghèo lắm, không có tiền cho em ăn học. Đi học xa nhà nhưng bố mẹ không cho được gì cả, nhiều lúc em đói nhưng chả biết xin ai. Cũng tại em ăn khoẻ, gạo thầy cô cho ăn cả tháng nhưng em chỉ ăn hơn 2 tuần là hết thôi. Mỗi lần hết gạo em phải xin các bạn cho ăn cùng, không có thì đành phải nhịn đói”, em Hà Văn Chứ rụt rè tâm sự.

Chia sẻ những khó khăn của trường, thầy Mai Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý cho biết: “Thương các em lắm, nhiều hôm mưa gió lạnh nhưng các giáo viên cũng đảo một vòng xem các em sinh hoạt như thế nào. Hiện nay, 2 nhà bán trú với 20 phòng học đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, nhưng mỗi phòng cũng chỉ ở được 8 em nên không thể giải quyết hết nhu cầu cho các em HS của nhà trường. Hiện còn gần 100 em phải dựng lều lán trên các sườn đồi làm chỗ trọ học. Chính vì vừa học vừa phải tự kiếm sống nuôi bản thân giữa rừng núi hoang vu, sỏi đá khô cằn trong khi các em lại còn quá nhỏ nên mỗi kỳ nghỉ dài, một số em về nhà với gia đình rồi không quay lại nữa. Những lần như thế, chúng tôi lại phải băng rừng, lội suối đến tận nhà để động viên các em trở lại lớp”.

Bữa cơm với gừng luộc

Dù đã qua mùa đông giá buốt nhưng thời tiết trên vùng cao vẫn khắc nghiệt, sương mù giăng dày đặc khiến không khí mùa xuân vẫn lạnh lẽo. Thi thoảng, những cơn gió rít lên liên hồi, đập vào vách nứa rung lên cành cạch, gió lùa qua khe vách từng đợt. Mặc dù ngồi cạnh bếp lửa bên trong căn lều của hai em Giàng A Chứ và Giàng A Vó  nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được cái lạnh se sắt. Nhìn các em trong những manh áo mỏng, chúng tôi cảm thấy xót xa khi hình dung đến mùa đông vừa qua. Hẳn mấy tháng qua, các em phải gồng mình chịu đựng với cái lạnh cắt da, cắt thịt từ phương Bắc tràn về. Em Giàng A Vó tâm sự với chúng tôi về cách chống rét trong mùa đông: “Mùa lạnh, chúng em ở ghép lại với nhau, một căn lều bọn em gộp 4-5 bạn lại để các bạn không có chăn thì nằm với bạn có chăn. Với lại nằm đông sẽ có nhiều hơi ấm hơn”.

Để theo đuổi sự học, các em phải sống trong những dãy nhà tạm bợ.

Chúng tôi ghé qua thăm căn lều của em Hà Thị Chiên. Trong góc lều là nơi đặt bếp chỉ vài cái nồi con nằm chỏng chơ trông thật lạnh lẽo. Gần như lương thực hàng ngày không có gì dự trữ sẵn. Khi chúng tôi bước vào nhà, Chiên và một số bạn ở cạnh lều đang quây quần bên bữa cơm trưa. Bữa cơm của các em chỉ có nồi cơm nhỏ xới chia đều chắc mỗi em chỉ được hơn 1 bát, bên cạnh là ít muối cùng vài củ gừng luộc nhưng nhìn các em ăn vẫn rất ngon miệng. Thấy chúng tôi bước vào, các em ngơ ngác ngước nhìn với ánh mắt lạ lẫm. Chiên và nhanh bát cơm rồi đứng dậy mời chúng tôi ngồi lên chiếc giường kê sát khung cửa sổ, gọi là giường cho sang chứ thực ra nó được kê bằng những thân tre, ít nan nứa đập bẹp ghép lại với nhau làm chiếu. Chúng tôi hỏi Chiên: “Thức ăn thường ngày của các em chỉ có vậy thôi à?”, Chiên trả lời: “Vâng! Bọn em chỉ ăn như vậy thôi! Ở nhà em cũng chỉ ăn như vậy mà. Nồi cơm này do bạn Pó mang gạo sang nấu đó. Chứ nhà em hết gạo từ hôm qua rồi. Ở đây thi thoảng bọn em cùng góp gạo để nấu cơm, lỡ nhà bạn nào chưa mang gạo lên thì không bị đói”. Nghe Chiên nói mà chúng tôi thấy cay cay sống mũi. Dường như với các em HS ở đây, được cầm bát cơm là hạnh phúc rồi, chẳng cần phải sơn hào hải vị các em vẫn cảm thấy ngon. Mải miết hỏi chuyện với Chiên, khi chúng tôi quay sang nồi cơm đã sạch bách, chỉ còn trơ lại mấy củ gừng luộc, có vẻ cay quá nên các em chừa lại.

Không chỉ thiếu cái ăn, cái mặc mà HS nơi đây còn thiếu cả nước sinh hoạt. Mỗi khi cần nước sinh hoạt, các em phải đi bộ hàng trăm mét xuống các khe nước dưới chân núi múc từng can về làm nước sinh hoạt. “Mỗi lần đi múc nước mệt lắm, mùa nắng thì có thể xuống suối tắm được chứ mùa đông nước suối lạnh lắm không tắm được. Đường xa nên chỉ lấy được ít nước thôi, không xách nổi”, em Thào Thị Sa tâm sự.

Đem những điều vừa thấy đến ông Đinh Công Đại - Chủ tịch UBND xã Mường Lý, được biết: “Toàn xã Mường Lý hiện có hơn 300 em HS cấp tiểu học, THCS phải dựng lều lán quanh khu vực trường để trọ học. Do điều kiện còn nhiều khó khăn: Tỷ lệ hộ đói nghèo của xã còn chiếm hơn 70%, cao nhất tỉnh. Ở đây bà con thiếu đất canh tác lúa nước, cả xã chỉ có 6ha ruộng nước. Chủ yếu bà con trồng lúa nương, trồng ngô, trồng sắn mỗi năm cũng chỉ được một vụ mà lại phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, thường hay mất mùa nên thiếu lương thực triền miên. Vì thế, phần lớn số HS của xã chỉ học hết THCS, một số ít học hết bậc THPT là bỏ học đi làm ăn xa, hay ở nhà lên nương rẫy phụ giúp gia đình”.

Chủ trương đầu tư xây dựng nhà bán trú dân nuôi của Nhà nước đã góp phần san sẻ bớt khó khăn cho các em HS dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong học tập. Tuy nhiên, từ thực tế ở một số địa phương miền núi Thanh Hoá cho thấy, số lượng nhà bán trú được xây dựng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu về chỗ ở của HS, trong khi đó vẫn còn một lượng lớn HS cắm lều ở trọ quanh khu vực trường để học chữ đang phải đối mặt với bao nguy hiểm.

Phóng sự của Hùng Văn

 

 


Ý kiến của bạn