Hà Nội

Lẹo mắt xử lý thế nào cho đúng?

11-09-2018 09:34 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Lẹo mắt là một nhiễm trùng cấp tính của tuyến bờ mi. Nguyên nhân gây lẹo chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn (Staphylococcus aureus) xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây nên…

Ngoài ra, nguyên nhân gây lẹo còn do sử dụng quá nhiều mỹ phẩm, sử dụng khăn mặt chung với người khác, viêm mi mắt, ăn nhiều đồ ăn cay nóng…

Lẹo mắt tạo ra một vùng lồi đỏ ấn đau ở vùng rìa của mi mắt, làm cho mí mắt đỏ, sưng và đau, mắt  nhạy cảm với ánh sáng, khó chịu khi nháy mắt, hoặc cảm thấy cộm như có bụi trong mắt. Có một đốm màu vàng nhỏ (mủ) ở giữa mụn lẹo.

Các loại lẹo bao gồm:

Lẹo bên ngoài: Là một nốt đỏ ở mi mắt, kích thước và độ rắn giống như hạt đậu, là do nhiễm trùng tuyến Zeis.

Lẹo bên trong: Là do nhiễm trùng tuyến meibom, thường kín đáo hơn, nằm ở mặt trong của mi mắt, tức là phần kết mạc của mi, khi lật mi ra chúng ta có thể nhìn thấy được, trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của lẹo.

Đa lẹo: Có rất nhiều đầu lẹo trên một mi hay cả hai mi, thậm chí hai mắt.

Lẹo mắt xử lý thế nào cho đúng?Lẹo mi ngoài mắt.

Ứng phó thế nào?

Thông thường lẹo tự mất sau một vài ngày hay một tuần mà không cần điều trị đặc hiệu. Thường sau 4 – 6 ngày, mủ vỡ ra và các triệu chứng tại chỗ giảm đi.

Để giảm bớt triệu chứng và đẩy nhanh tốc độ lành bệnh, ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể chườm ấm bằng cách: Đắp lên mi mắt vùng bị lẹo khăn ấm từ 10 đến 15 phút, 3 - 5 lần/ngày đến khi lẹo hết sưng. Chườm ấm sẽ giúp giải phóng các tuyến sụn mi tắc nghẽn và lấy sạch các chất tiết vàng tại mi mắt hoặc dùng kháng sinh tại chỗ. Hàng ngày nhỏ mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lý (loại dùng cho mắt).

Lưu ý, khi bị mụn lẹo tránh dùng tay gãi hay chà xát vào, vì làm vậy sẽ gây tổn thương cho mắt, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển khiến bệnh nặng hơn.

Trong trường hợp mụn lẹo to gây khó nhìn, không hết sau 1 tuần, tiết nước mắt nhiều, mụn gây đau, khó chịu… cần đến khám bác sĩ để được điều trị thích hợp.

Bác sĩ sẽ gây tê, chích rạch mụn lẹo lấy mủ ra. Người bệnh có thể tra, nhỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thường là các thuốc kháng sinh, kháng viêm… như polymyxin (thuốc có tác dụng diệt khuẩn, trị mụn lẹo ở mắt hiệu quả) hoặc trong trường hợp người bệnh bị đau do mụn lẹo hoặc do chích rạch có thể dùng thêm thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen…

Nên uống nhiều nước, ăn đồ mát, hoa quả. Kiêng những thức ăn cay, nóng.

Cách phòng tránh lẹo mắt

Hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, nhất là trước khi chạm tay vào mắt. Vệ sinh tay sạch sẽ giúp tiêu diệt nguy cơ sản sinh của loại  vi khuẩn gây lẹo này.

Không dùng tay dụi mắt, chà mắt vì vi khuẩn từ tay có thể xâm nhập vào mắt và gây nhiễm trùng mắt, kể cả khi tay sạch vẫn có thể gây kích ứng mắt.

Không dùng chung vật dụng với người khác, nhất là vật có tác động đến mắt làm tăng nguy cơ nổi lẹo như mỹ phẩm, cọ trang điểm mắt, khăn, kính mát hoặc các vật dụng cá nhân khác, đặc biệt là với những người đang bị lẹo hoặc có tiền sử bị lẹo.

Sử dụng mỹ phẩm và cọ trang điểm mắt hợp vệ sinh. Đồng thời, rửa sạch tay với xà phòng trước khi trang điểm mắt.

Đeo kính râm hoặc các loại kính bảo vệ khác trong môi trường bụi bẩn hoặc có chất phóng xạ. Đặc biệt, nếu bạn làm việc tại một công trường xây dựng hoặc trong xưởng sản xuất, bạn phải luôn luôn bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi các tác động từ môi trường.

Khi thấy mắt bị lộm cộm hay khó chịu hoặc cảm giác có tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn mí mắt, thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.


BS. Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn