Hà Nội

Lẹo mắt, làm sao để không tái phát?

28-03-2017 14:39 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Cháu thỉnh thoảng lại bị lên lẹo ở mí mắt, cháu tự uống thuốc và chữa mẹo nhưng sau một thời gian nó lại tái phát.

Cháu thỉnh thoảng lại bị lên lẹo ở mí mắt, cháu tự uống thuốc và chữa mẹo nhưng sau một thời gian nó lại tái phát. Xin hỏi bác sĩ có cách để bệnh không tái phát.

Nguyễn Hải Hà (Thái Nguyên)

Lẹo mắt là chứng viêm cấp tính, do một loại tụ cầu khuẩn xâm nhập tuyến chân lông mi hoặc vi khuẩn như staphylocoque gây nên. Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi, sau 3-4 ngày lẹo mưng mủ và vỡ. Lẹo rất hay tái phát, lan từ mi này sang mi khác, có khi sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn dễ bị lên lẹo là do: viêm mi mắt, dùng khăn chung hoặc dùng quá nhiều mỹ phẩm (kẻ viền mắt). Bệnh thường tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh đúng cách (rửa mắt bằng nước muối, không tự ý nặn mủ ở lẹo...). Rửa mắt, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý. Chườm nóng có thể giảm triệu chứng đau đối với các tổn thương sớm. Sử dụng thuốc mỡ điều trị lẹo mí mắt theo chỉ định của bác sĩ. Luôn rửa tay trước khi tra thuốc mỡ cho mắt hay tra thuốc nhỏ mắt. Các thuốc này phải được giữ gìn sạch sẽ, lọ thuốc mới sử dụng (không dùng thuốc đã dùng dở và để lâu), không để thuốc chạm vào mắt, mí mắt. Nếu phải tra thuốc mỡ kháng sinh cho mắt thì nên thoa một lớp mỏng trên mụn lẹo ở mí mắt trước khi đi ngủ.

Chú ý: không nên chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo hướng dẫn, vì những phương pháp này dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp, những tổn thương này đều tồn tại dai dẳng, khó chữa trị.  Nếu thấy lẹo sưng đau, mắt khó nhìn, chảy máu... hãy tới bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và tư vấn cách điều trị phù hợp.

ThS. Hà Hùng Thủy


Ý kiến của bạn