Hội chọi dê của đồng bào dân tộc huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang trong tuần lễ Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang 2022.
Trong số vật nuôi của đồng bào vùng cao , con dê giúp đồng bào thoát nghèo và trở thành vật nuôi không thể thiếu trong mỗi gia đình. Con dê có khả năng chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng núi cao, sinh sôi nảy nở tốt lại ít tốn công chăm sóc.
Từ sự gắn bó với loài vật nuôi này, cùng với việc chăn thả dê, đồng bào đã nghĩ ra trò cho những con dê chọi nhau đem lại niềm vui cho cuộc sống vốn bình lặng nơi núi rừng.
Lễ hội chọi dê mang đến một không khí sôi nổi, vui tươi và tạo sân chơi bổ ích cho bà con các dân tộc vào những dịp lễ hội hay những ngày đầu xuân.
Hội chọi dê cũng là dịp để đồng bào các dân tộc như Tày, Mông, Dao, Kinh ở trong các bản làng thể hiện tinh thần đoàn kết khi họ cùng sinh sống trên một địa bàn, một rẻo đất.
Vì thế, hội chọi dê của đồng bào vùng cao có sự tham gia của nhiều dân tộc khác nhau.
Điều đó tạo nên sự đa sắc màu trong một hội thi hiếm có này.
Để có được hội chọi dê tưng bừng, ngay từ đầu năm, người dân trong bản đã phải nuôi dê chọi.
Dê chọi là giống dê đực khỏe mạnh, chân to,
đầu to, sừng dài, lông đen rậm.
Dê chọi được nuôi thả trên núi liên tục và cho ăn nhiều loại lá rừng để đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển của đôi sừng.
Đến gần ngày diễn ra hội thi, dê chọi được nhốt riêng chuồng và được chăm sóc rất chu đáo để có cơ hội giành được phần thắng. Hầu hết các bản đều tham gia chọi dê.
Điểm đáng lưu ý là khác với những lễ hội chọi trâu hay chọi bò, kết thúc hội chọi, những “đấu sĩ” dê không những không bị thịt mà ngược lại, tiếp tục được chủ dê chăm sóc chu đáo, băng bó vết thương trước khi thả về “đại gia đình”.
Khi những chú dê đực có trọng lượng từ 30-50 kg bước ra sới đấu, người xem được chứng kiến sự dũng mãnh và lối đánh rất lành mạnh, quân tử.
Sới chọi dê thường được dựng gọn gàng, bao quanh bởi một hàng rào khá đơn giản chứ không cầu kỳ, phức tạp như hội chọi trâu.
Những con dê tham gia lễ hội chọi dê cần vượt qua những yêu cầu chặt chẽ của Ban tổ chức: từ 3 tuổi trở lên, vóc dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh; có nguồn gốc rõ ràng, sống tại địa phương và được cán bộ thú y xã thẩm định kỹ lưỡng, tuyệt đối không mang dịch bệnh.
Những miếng hiểm như kẹp sừng,
bẻ sừng, kẹp chân,
quật ngã của những chú dê làm nóng không gian xới đấu.
Dù nhỏ con hơn trâu, nhưng khi vào sới chọi, những chú dê cũng rất quyết liệt “ăn thua”. Do đó, lễ hội chọi dê cũng diễn ra căng thẳng và quyết liệt không kém. Nhiều đòn đánh đẹp mắt, hiểm hóc, bất ngờ khiến người dân lẫn du khách đều tấm tắc khen ngợi. Vì thế, hội chọi dê thường mang lại những giây phút sảng khoái, vui tươi, lành mạnh .
Đặc biệt, qua hội chọi, địa phương sẽ phối hợp với các hộ gia đình có dê to khỏe để nhân giống và bảo tồn nguồn gen, qua đó thúc đẩy phong trào nuôi dê trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con.
Theo bà con sinh sống ở vùng cao, hội chọi dê gắn với ý nghĩa tâm linh nhằm mang lại sự may mắn cho những người chăn nuôi, cũng như phản ánh vẻ đẹp, tập quán văn hóa của đồng bào sinh sống tại vùng cao. Hoạt động này cũng là sân chơi thú vị để đồng bào dân tộc thể hiện tình đoàn kết.