Về Túng Sán ngắm vườn chè Shan tuyết cổ ở đỉnh cao 2.428m
Với độ cao và thổ nhưỡng đặc biệt, vùng chè cổ Túng Sán có nội chất tốt và giá trị thương phẩm khá cao so với các vùng chè khác.
Dãy núi Tây Côn Lĩnh có độ cao từ 1.000m đến 2.419m so với mực nước biển, nơi đây được coi là thủ phủ của cây chè shan tuyết, nhiều cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi thân mọc rêu, la đà trong mây suốt bốn mùa.
Từ trung tâm xã Túng Sán đi tới đỉnh dãy núi Tây Côn Lĩnh khoảng 15km, nếu đi xe máy (đường khó đi) khoảng 9km, leo bộ khoảng 6km sẽ lên tới những vườn chè cổ.
Là vùng đất có phong thổ khác biệt với những địa phương khác, xã Túng Sán quanh năm bao phủ bởi sương mây và gió mát. Chính điều kiện tự nhiên đã góp phần tạo nên chất lượng khác biệt của cây chè nơi đây.
Hiện tại, xã Túng Sán có gần 300 ha cây chè Shan tuyết, phần lớn trong số đó là cây chè cổ thụ. Với hơn 200 ha chè đang cho thu hoạch, Túng Sán là một vùng nguyên liệu đầy tiềm năng.
Để cây chè trở thành cây chủ lực mang đến hiệu quả kinh tế cho bà con nơi đây, chính quyền xã Túng Sán đã thành lập các nhóm sở thích sản xuất chè ở các thôn Hợp Nhất, Tả Chải…
Đồng bào người dân tộc Cờ Lao, Dao, Hoa là chủ nhân của vùng nguyên liệu chè đặc biệt này. Với kinh nghiệm sản xuất chè cổ truyền, cùng với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, trong đó có sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công của tỉnh và Trung ương, đã đưa danh tiếng vùng chè Túng Sán đến với nhiều người sành chè khắp cả nước. Giá thành chè búp tươi hiện dao động từ 13 - 40 ngàn đồng/kg, tùy chất lượng thu hái, giá chè khô thành phẩm từ 250 - 500 ngàn đồng 1 cân, góp phần đem đến nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.
Anh Min Sử Sảng (người dân tộc Clao) xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì cho biết: Gia đình anh đã mấy đời gắn bó với cây chè. Hầu hết diện tích chè của nhà anh đều phải dùng thang mới có thể leo lên để thu hái. Mỗi năm, thu hoạch ba vụ vào tháng ba, tháng năm, tháng bảy âm lịch. “Cây chè sinh trưởng tốt là nhờ khí hậu phù hợp, không phải chăm sóc hay bón bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Mỗi năm, chúng tôi chỉ đốn bớt cành để cây nảy cành và búp mới”, anh Min Sử Sảng nói.
Một du khách bên gốc chè Shan tuyết cổ tại Túng Sáng, Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Quy trình làm trà xanh bao gồm 4 bước: đầu tiên trà sau khi thu hái về sẽ được làm héo thông qua việc trải ra các dụng cụ như mẹt, nong, nia sau đó sẽ được sao trên chảo trong thời gian từ 5-7p đây là bước diệt men ( dùng nhiệt độ để làm giảm độ chát trong búp trà ), bước tiếp theo là vò cho búp trà dập và xoăn lại, rồi lại tiếp tục sao, sau đó mới định hình cánh trà ( bước này gọi theo từ ngữ chuyên ngành của dân chế biến là giai đoạn " vào cong " ), sau đó bước cuối cùng sẽ là sấy khô ( một số nơi còn gọi là đánh mốc, lấy hương )
Tỷ lệ làm trà xanh trung bình 4-5kg búp trà tươi mới làm ra được 1kg trà khô thành phẩm.
Ngày nay đã có máy móc hỗ trợ 1 phần nên bà con có thể áp dụng những phương pháp bán thủ công như sao trà bằng bom quay, bên dưới đốt lửa, bom được đấu mô tơ chạy điện hoặc 1 số nơi vẫn quay bằng tay, quá trình lấy hương cũng vậy, đã có tủ sấy hỗ trợ, còn trước đây mọi công đoạn đều thủ công hoàn toàn bằng tay từ khâu sao, vò, sấy đều làm trên chảo gang.