Lên Tà Tổng với bác sĩ “ba cùng”

27-02-2016 12:30 | Y tế
google news

SKĐS - Không ôtô, không cáng, bác Xá đã hướng dẫn mình và người nhà đóng máng, đặt vợ lên xe máy chở xuống Trung tâm y tế. Trời mưa, đường trơn, có đoạn phải bứt lá rừng trải xuống đường để đi.

“Không ôtô, không cáng, bác Xá đã hướng dẫn mình và người nhà đóng máng, đặt vợ lên xe máy chở xuống Trung tâm y tế. Trời mưa, đường trơn, có đoạn phải bứt lá rừng trải xuống đường để đi. Cứ thế, gần 8 tiếng mới đến nơi. Bác ấy đã cứu sống vợ mình...”. Câu chuyện khiến tôi thêm tò mò khi được biết “bác ấy” chính là bác sĩ Chu Pó Xá - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mường Tè.

Muốn học phải... lấy vợ

Bây giờ bà con ở bản Pa Thắng (xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu) vẫn còn truyền tai nhau chuyện Chu Pó Xá - người con của dân tộc Hà Nhì đã vượt mọi khó khăn, vượt qua bao hủ tục để tìm đến với cái chữ, trở thành bác sĩ chữa bệnh, cứu người.

BS. Chu Pó Xá.

Như bao gia đình người Hà Nhì ở vùng xa nhất, nghèo nhất của huyện Mường Tè, Chu Pó Xá sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 9 anh chị em (6 chị em gái và 3 anh em trai), là con thứ 3 nhưng là con trai cả. Từ nhỏ, Xá đã phải đi làm nương rẫy trồng lúa, trồng sắn... cùng bố mẹ nhưng cũng không đủ ăn. Cả năm nhà Xá chẳng có nổi một bữa ăn cơm trắng trọn vẹn mà phải độn sắn, độn củ mài, củ nâu. Không thể sống mãi như vậy được. Trong tâm trí cậu bé người Hà Nhì dần nhen lên một khát khao: phải thoát nghèo và chỉ có học mới thoát được nghèo. Vậy là Xá ấp ủ quyết định đi học cái chữ.

Năm 1986 khi tròn 15 tuổi, Xá nói với mẹ rất muốn đi học. Nhưng nhà nghèo, nếu đi học ở nhà ai là người đi làm nương, làm rẫy? Sau nhiều lần thuyết phục, mẹ cũng đồng ý nhưng “nếu con đi học thì phải... lấy vợ”.

Ăn hỏi xong, tháng 9 năm 1986, Chu Pó Xá ra huyện học từ lớp 4. Nhưng Xá đã quá tuổi nên không được học trường phổ thông dân tộc nội trú mà là phòng giáo dục bố trí cho học trường bổ túc cán bộ. Khi mới đi học, cả hai xã Ka Lăng và Thu Lũm (hai xã nghèo và xa nhất của Mường Tè, cách thành phố Lai Châu hơn 300km đường núi - pv) có 13 người nhưng đến khi hết lớp 8 ra trường (tháng 1 năm 1990) thì chỉ còn lại mỗi Chu Pó Xá. Lúc này, Xá không có điều kiện học lên cấp 3 nữa. Bố mẹ lại gọi về cưới vợ làm ruộng. Chàng trai trẻ người Hà Nhì đành gác lại giấc mơ về chân trời tri thức để cưới vợ, sinh con rồi làm ruộng nương và săn bắn thú rừng.

Những năm cuối thế kỷ trước, Mường Tè vẫn là một huyện nghèo, cổ hủ, người dân chưa được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Dân bản nơi Xá ở cứ mỗi khi ốm là nhờ thầy mo, thầy cúng hoặc dùng thảo dược truyền miệng. Nhiều người đã chết vì thế. Làm thế nào để có thể giúp bà con dân tộc mình được chữa bệnh mỗi khi đau ốm? Chỉ có thể là đi học. Lại một lần nữa, Xá đi học. Năm 1994, khi có thông báo tuyển sinh lớp trung cấp y sĩ của Trường trung cấp Y Lai Châu, Xá đăng ký ngay. Đây là lúc Xá căng thẳng, mất ăn, mất ngủ cả tháng. Tiền đâu ăn học 3 năm? Bố mẹ nghèo. Quay bên này, 1 vợ 2 con. Quay bên kia, đường sá xa xôi (từ nhà ra đến thị xã Lai Châu lúc bấy giờ phải mất 5 ngày đường). Khó khăn tứ phía bủa vây...

Nhưng tất cả không làm lung lay ý chí quyết tâm vì cái chữ của chàng trai có đôi mắt sáng ngời ấy!

Vươn lên từ một học sinh yếu...

Anh nhớ lại quãng thời gian học y. Vất vả, khó khăn vô cùng. Khi học phổ thông, khó khăn chỉ là về giao tiếp, học tập, đặc biệt là viết chính tả. Nhưng học y còn khó hơn, có nhiều từ chuyên ngành rất khó hiểu, chưa kể mấy năm về nhà lấy vợ, làm nương Xá gần như quên hết chữ. Lúc bấy giờ, chỉ có một quyển giáo trình của giáo viên, còn học sinh hoàn toàn chép bằng tay, nhiều thầy cô lại đọc quá nhanh. Có bài không kịp chép, Xá bỏ trống. Năm đầu tiên học y, Xá nằm trong 6 học sinh yếu của lớp.

Không thể để học kém chỉ vì không thông thạo tiếng phổ thông, Xá tự nhủ và quyết không để phí công phí của như vậy được. Kể từ đó, tất cả các buổi trưa, buổi tối, anh tranh thủ mượn vở của bạn bè, những người học giỏi, một mình ngồi trên lớp tra cứu từng câu, từng chữ điền lại những chỗ bỏ trống và so sánh các lỗi chính tả. Ngày tổng kết năm học thứ hai, thầy cô và các bạn vô cùng kinh ngạc và thán phục khi nhìn kết quả học tập của Xá: anh nằm trong 7 học sinh tiên tiến của lớp. Khi tốt nghiệp, Chu Pó Xá là 1 trong 5 học sinh có bằng giỏi của trường.

BS. Chu Pó Xá chia sẻ: “Sau khi học y sĩ đa khoa tôi được giữ lại Trung tâm y tế huyện. 2 năm sau, tôi đi học tiếp để hoàn thiện cấp 3 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại Điện Biên (khi chưa chia tách tỉnh Điện Biên - Lai Châu). Rồi học bác sĩ đa khoa tại Trường đại học Y khoa Thái Nguyên”. Lúc này bố mẹ can ngăn, vợ phản đối quyết liệt không cho đi học nữa vì gia đình quá khó khăn, con thì nhỏ. Một lần nữa, anh lại năn nỉ, rồi động viên, rồi hứa hẹn với bố mẹ, vợ con. Hơn 1 tuần dùng đủ cách, kể cả “khổ nhục kế”, cuối cùng gia đình cũng đồng ý cho anh đi học. Sau đó, BS. Xá lại tiếp tục đi học 2 năm chuyên khoa ngoại. Chu Pó Xá trở thành vị bác sĩ đầu tiên người Hà Nhì ở xã Ka Lăng và Thu Lũm như thế!

Đến nay, BS. Chu Pó Xá được phân công phụ trách mảng điều trị của bệnh viện, 2 phòng khám đa khoa khu vực, 14 trạm y tế xã, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Y tế kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở y tế, Trưởng cơ sở điều trị methadone.

Thêm nhiệm vụ, thêm bao lo toan cũng chẳng làm vị bác sĩ người Hà Nhì chùn bước!

BS. Chu Pó Xá khám bệnh cho người dân.

Bác sĩ “ba cùng”

Đoàn công tác lên Tà Tổng của chúng tôi gặp phải cơn mưa phùn. Trời lạnh 4 độ C. Sương mù dày đặc. Dưới chân, đất đỏ nhóp nhép. Đường núi như lươn bò. Quãng đường 23km lên Tà Tổng lầy lội như cháo loãng... Sau hơn 5km đi bộ, chúng tôi nhập với đoàn xe máy của cán bộ y tế xã lên đỉnh Tà Tổng, một trong những xã nghèo nhất của Mường Tè, Lai Châu. Đi xe máy nhưng chỉ là ngồi trên xe, nổ máy và đẩy xe đi bằng hai chân. Thi thoảng gặp vũng lầy, người ngồi sau lại nhảy xuống đẩy xe... Thế mà BS. Chu Pó Xá và những bác sĩ ở Trung tâm y tế cứ đều đặn hàng tháng, mùa nắng cũng như mùa mưa đều có các chuyến luân phiên đi khám bệnh, tư vấn, vận động bà con tại các bản xa trung tâm. BS. Chu Pó Xá nhớ lần đoàn của Trung tâm y tế huyện Mường Tè đến khám chữa bệnh tại bản Ló Mé và bản Lè Giàng (xã Tá Bạ - tên cũ là vùng Bắc Ka Lăng) vào đúng mùa mưa lũ cao điểm nhất. Ban đầu đoàn dự kiến khám trong 2 ngày, nhưng ngay đêm đầu tiên, một trận mưa to kèm lũ quét ập xuống, con đường vốn đã khó đi nay núi bị sạt lở, lầy lội chưa từng có. Không thể về theo dự kiến, cả đoàn ở lại bản, cùng ăn, cùng ngủ với dân 1 tuần sau mới về được.

Vất vả, khó khăn là thế, nhưng cũng chẳng thể so sánh được với sự cản trở của hủ tục lâu đời ở nơi đây. Cho đến bây giờ, BS. Chu Pó Xá vẫn không quên được lần đi khám bệnh cộng đồng tại bản Mu Chi và Pa Ủ (thuộc xã Pa Ủ, huyện Mường Tè). Cả xã đều là người dân tộc La Hủ (dân tộc La Hủ  nằm trong Đề án 3 dân tộc cần được bảo tồn của quốc gia). Bà con ở đây chưa chấp nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chính vì thế, khi bác sĩ đến khám, dân bản không chịu hợp tác. “Ngay lập tức, chúng tôi lên kế hoạch: khám cho gia đình trưởng bản trước. Quả nhiên, sau khi khám cho gia đình của trưởng bản, nhiều người dân đến xem và sau đó đã kéo hết bà con trong bản đi khám. Đáng nhớ nhất là lần khám này đã phát hiện một ca thai lưu 12 tuần”, BS. Chu Pó Xá chia sẻ. Không thể thực hiện việc điều trị ca bệnh tại chỗ được, anh lại giải thích, thuyết phục để gia đình đồng ý đưa bệnh nhân về bệnh viện huyện. Mất nửa buổi, gia đình mới chịu để bệnh nhân đi theo đoàn. Sau điều trị 6 ngày, bệnh nhân được ra viện. Kể từ chuyến đi đó, bà con không còn e ngại với bác sĩ và các phương pháp chữa bệnh hiện đại nữa.

Hạnh phúc là được chữa bệnh cho bà con

Gần 20 năm theo nghiệp cứu người, BS. Chu Pó Xá đã khám, chữa bệnh cho hàng nghìn bệnh nhân là người dân tộc. Chẳng có niềm vui nào sánh được khi đi bất cứ đâu cũng được người dân nhận ra mình, nhắc đến tên mình với sự trân trọng và biết ơn.

“Không ôtô, không cáng, bác Xá đã hướng dẫn mình và người nhà đóng máng, đặt vợ lên xe máy chở xuống Trung tâm y tế. Trời mưa, đường trơn, có đoạn phải bứt lá rừng trải xuống đường để đi. Cứ thế, gần 8 tiếng mới đến nơi. Bác ấy đã cứu sống vợ mình sau ca mổ...”. Câu chuyện của Vàng Và Ly chàng trai người Mông có vợ là Sùng Thi Páo được chính BS. Chu Pó Xá mổ cấp cứu khiến cho đường lên Tà Tổng vào ngày mưa dường như ngắn lại. Ly kể lần ấy, vợ anh bị đau bụng ra máu nhiều ngày, nhưng nghĩ là bệnh phụ nữ nên chỉ nghỉ ngơi ở nhà. Đến khi Páo ngất mới đưa ra Trạm y tế xã. “Cả gia đình mình rối loạn không biết làm cách nào thì bác trưởng trạm đã điện thoại xin ý kiến của bệnh viện huyện. Đúng hôm ấy, bác Xá trực nên vợ mình đã được cứu sống”. “Có gì đâu, cứ có bệnh là mình chữa thôi. Người bệnh cần mình mà” - BS. Chu Pó Xá cười hiền khi nghe Vàng Và Ly nhắc lại chuyện cũ. Anh nhớ lại, hôm đó khi nghe điện thoại của Trạm trưởng Trạm y tế xã Tà Tổng về trường hợp của bệnh nhân Sùng Thi Páo, anh đã xác định đây là trường hợp cấp tính có liên quan đến buồng trứng hoặc tử cung, bệnh nhân mất nhiều máu, có thể nguy hiểm đến tính mạng. BS. Chu Pó Xá hướng dẫn cho anh em cán bộ trạm phối hợp với gia đình khẩn trương chuyển bệnh nhân Páo xuống Trạm y tế xã Nậm Khao rồi cho xe cấp cứu đón từ Nậm Khao về bệnh viện huyện. Tại đây, mọi phương tiện cấp cứu đã sẵn sàng. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật do BS. Chu Pó Xá thực hiện đã thành công.

Câu chuyện về những lần vượt núi, băng qua mưa lũ, những ca bệnh khó... cứ trải dài theo con đường về Trung tâm y tế huyện. Lúc này, trời đã tối mịt. Phòng cấp cứu lại có bệnh nhân: 1 em bé 8 tháng tuổi người dân tộc Mông bị viêm phổi nặng. BS. Chu Pó Xá trở về công việc thường nhật. Gần 1 tiếng sau, anh thông báo: cháu bé đang được điều trị tích cực, nhưng tiên lượng rất xấu. “Chỉ vì nhà xa trạm y tế, lại ít kiến thức nên để con bệnh nặng mới đưa đi khám. Nghèo nên khổ vậy đấy!”, anh buồn rầu. “Đồng bào trên này còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, vất vả lắm... Sau này, tôi mong có một phòng khám miễn phí cho người nghèo ở ngay tại nơi đây...”.

Ngoài kia, gió lạnh buốt, mưa vẫn lây phây. Xa xa nơi lưng chừng núi, ánh đèn từ phía nhà sàn như ai kia đang ngóng chờ... Không hiểu sao trong tôi ngân lên câu hát:

“Mùa xuân, mùa xuân

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời…”.


Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn