Lên phương án ứng phó dịch bệnh, sự cố môi trường mùa mưa lũ

07-10-2023 16:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị cần xây dựng phương án và thực hiện có hiệu quả.

Tỉnh Quảng Bình đang bước vào mùa mưa, bão năm 2023. Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt, UBND tỉnh này có công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống.

Quảng Bình lên phương án ứng phó dịch bệnh, sự cố môi trường mùa mưa lũ - Ảnh 1.

Quảng Bình bước vào mùa mưa lũ 2023.

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tổ chức phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, ruồi, muỗi... phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh, có phương án dự phòng thuốc, vật tư, máy móc, hóa chất. Hướng dẫn các địa phương xử lý nước ô nhiễm sau lũ để người dân có đủ nước sạch sử dụng. Tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường khi nước đã rút, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong và sau mùa mưa bão và đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của đơn vị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương.

Quảng Bình lên phương án ứng phó dịch bệnh, sự cố môi trường mùa mưa lũ - Ảnh 2.

Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị ngập sâu trong đợt lũ lịch sử năm 2020.

Các đơn vị thực hiện chế độ trực ban phòng chống lụt bão theo kế hoạch, chuẩn bị thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất khử khuẩn, trực cấp cứu 24/24...

BS. Phạm Văn Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết, đơn vị xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong công tác phòng, chống bão lũ. "Trung tâm chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh… Cùng với đó chỉ đạo các trạm y tế tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân bảo đảm an toàn thực phẩm, nước sạch… trước, trong và sau bão lũ", BS. Chung nói.

Huyện Lệ Thủy là địa phương có nhiều vùng bị ngập sâu trong mùa mưa lũ, ngoài việc chuẩn bị về thuốc men, cơ sở vật chất, trang thiết bị, Trung tâm Y tế chỉ đạo các trạm y tế có nguy cơ ngập sâu lên nhiều phương án di dời trang thiết bị để bảo đảm khám, điều trị.

Quảng Bình lên phương án ứng phó dịch bệnh, sự cố môi trường mùa mưa lũ - Ảnh 3.

Các đơn vị chuẩn bị hóa chất xử lý nước ô nhiễm sau lũ để người dân có đủ nước sạch sử dụng.

Đơn vị này chỉ đạo các trạm y tế xây dựng kế hoạch khám chữa bệnh ban đầu cho người dân trước, trong và sau mưa lũ. Tổ chức vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát sau lũ. Các đơn vị y tế tại huyện Lệ Thủy cũng chủ động xây dựng phương án khám, chữa bệnh trong mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng".

UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động nắm bắt tình hình, chủ trì, phối hợp với đơn vị khác có biện pháp kịp thời xử lý, giải quyết các sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sau mỗi đợt bão, mưa lũ.

Các đơn vị xây dựng phương án xử lý môi trường không để dịch bệnh bùng phát sau lũ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện việc điều tra, thống kê, đánh giá các khu vực có nguy cơ xảy ra cố môi trường tại các lưu vực sông, hồ, đập chứa, các công trình thủy lợi, thủy điện, khu vực nuôi trồng thủy hải sản...

Chủ động thực hiện cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu, đảm bảo không xảy ra các sự cố. Hướng dẫn các địa phương, cơ sở chăn nuôi xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật chết do bão, lũ lụt đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch bệnh và các quy định liên quan.

Quảng Bình lên phương án ứng phó dịch bệnh, sự cố môi trường mùa mưa lũ - Ảnh 5.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hướng dẫn tiêu hủy gia súc, gia cầm, động vật chết do bão, lũ lụt đảm bảo đúng quy định.

Với các địa phương, đơn vị khác, dựa theo chức năng, nhiệm vụ được phân công hoặc theo quy định của pháp luật chủ động triển khai công tác chuẩn bị và các biện pháp phòng ngừa, ứng cứu, khắc phục sự cố hiệu quả. Không để xảy ra sự cố môi trường tại các đơn vị, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao như: các nhà máy, xí nghiệp, trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở xử lý chất thải, bệnh viện, thủy điện...

Thực hiện phương châm "4 tại chỗ", trong đó xác định phương án cụ thể đối với từng khu vực, cơ sở nguy cơ cao xảy ra sự cố môi trường. Đề cao tinh thần cẩn trọng, tích cực, không để bị động, bất ngờ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Các bệnh viện đầu ngành sẵn sàng hỗ trợ y tế miền Trung khi có bão lũCác bệnh viện đầu ngành sẵn sàng hỗ trợ y tế miền Trung khi có bão lũ

SKĐS - Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM (như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Hà Nội, BV Đại học Y Dược TP.HCM...) chuẩn bị phương án sẵn sàng tham gia hỗ trợ y tế miền Trung khi có lệnh.

Video: Mưa lũ dâng cao, người dân di dời trong đêm, nhiều bản làng bị chia cắt.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn