Hà Nội

Lên non thưởng một chén trà tình

26-12-2020 13:41 | Đời sống
google news

SKĐS - Người thành cổ Lucerne, Thụy Sĩ, từ thế kỷ 16 đã từng chốt rằng: “Không phương thuốc gì chữa nổi bệnh tương tư” (Amor Medicabilis Nuliis Herbis), dẫu biết thế nhưng riêng với tình đơn phương của người với trà Shan cổ thụ, chẳng ở gần nhau, nhưng bao đời vẫn trọn tình chung, quấn quít.

Trà ép bánh Tà Xùa – thuộc dòng trà sống - của niên vụ 2020

Lá trà là một phương thuốc quý, chưa cần khẳng định về khía cạnh phân tích khoa học, mà có thể thấy ngay trong tín ngưỡng dân gian Việt, tục thờ Mẫu từ xa xưa đã thờ vị tiên cô thuộc hàng thứ tám trong Thánh Cô Tứ Phủ, gọi là Cô Tám Đồi Chè, lời hát văn sử dụng trong hầu giá Cô Tám khi lên đồng có đoạn nói về dược tính quý giá của cây trà: “… Có tiên cô Tám hái chè non trên ngàn. Lá chè làm thuốc làm thang. Búp chè trị bệnh trần gian cô cứu người…”

Đề cập đến tục uống trà, hành trình lý tưởng là tìm về gốc tích khởi phát của trà, nơi  những dãy núi cao thuộc dải trà Shan tuyết cổ thụ, kéo dài từ Đông sang Tây Bắc, qua các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên… ở đó, là bạt ngàn rừng trà Shan tuyết cổ thụ bản địa, với trăm năm, thậm chí là ngàn năm tuổi đời, mọc trên các vạt rừng nguyên sinh, hay quanh các bản làng nơi hai dân tộc chủ yếu của miền cao là H’mông và Dao sinh sống.

Mỗi chén trà được người H’mông ví như chén thuốc tiên


Nói về tập tính của giống trà Shan tuyết cổ thụ, đây là giống trà mọc tự nhiên, ở cao độ trung bình 1.000m trở lên so với mực nước biển. Và trong 54 dân tộc Việt, người H’mông là một tộc sống trên núi cao, gắn liền với vùng trà Shan cổ thụ. Từ xa xưa, người H’mông gọi trà là cây thuốc (tiếng bản địa là: xùa zề), là báu vật đánh rơi của đất trời. Tương truyền tổ tiên người H’mông phát hiện ra trà rất tình cờ. Có một cặp vợ chồng H’mông đi tìm vùng đất mới, qua bao núi đồi, khi chân đã mỏi, họ dừng lại dưới gốc cây cổ thụ, bắc nồi nước nấu ăn, vô tình cơn gió mạnh khiến các cành cây va đập, rớt vào nồi nước một chiếc lá, khi uống nước bỗng thấy trong người sảng khoái, tinh thần thoải mái, và từ đó người H’mông phát hiện ra đấy chính là trà.

Tập quán uống trà nguyên thủy và đơn giản ấy nay vẫn được áp dụng khắp nơi trên nước Việt. Vị trà tươi vừa có công dụng thanh nhiệt, kháng khuẩn, lại kích thích tiêu hóa, trị đầy hơi, chướng khí… cứ như một vị thuốc tiên của đất trời ban tặng cho con người.

Người H’mông Tà Xùa thưởng chén trà xuân nơi quần thể vùng trà được công nhận là cây Di sản Việt


Một trong những địa danh hiện nổi tiếng với trà Shan tuyết cổ thụ trên bản đồ trà Việt, ấy chính là “thiên đường Mây” Tà Xùa, một dải núi đẹp miên man thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Gọi Tà Xùa là xứ mây, cũng phải, bởi mây ở đây quanh năm ngày tháng, cứ quanh quất, nhẩn nha, khi chực chờ chụp xuống cả vạt rừng, khi lại thong dong trườn nhẹ miên man qua những dải núi, từ Hồng Ngài, Tà Xùa, chảy vào những vùng thung lũng tạo thành biển mây đầy ngoạn mục.

Mây núi Tà Xùa, không chỉ mang lại phong cảnh kỳ diệu, thần tiên, mà chính hơi lạnh, độ ẩm, cùng gió núi khi hòa quyện vào vùng trà Shan tuyết cổ thụ - một quần thể rừng trà được công nhận là Cây Di sản Việt Nam từ 2019 – lại vô tình trở thành nguồn dưỡng chất phi diệu, giúp cho búp trà thẩm thấu hương của trời, vị của đất, để tác thành thức lá thiên nhiên, dậy mùi hương, đậm chất vị, khác biệt rõ nét với những dòng trà Shan tuyết cổ thụ trên dải trà cổ Việt.

Trẻ con Bản Bẹ, phía xa là sống khủng long, điểm săn mây lý tưởng ở Tà Xùa


Có theo chân những chàng trai, cô gái người H’mông ở Tà Xùa vào rừng trà, xem họ tự tay ngắt từng búp non lộc trời trên cây trà đại thụ, mới thấm rõ mối tình sâu nặng giữa trà và người. Trà sống bên người, cần mẫn cho ra những búp tuyết tinh khôi mà chẳng cần đợi người chăm lo, săn sóc, bởi việc ấy đã có đất trời liệu định. Thật chẳng có một loài cây nào lại… dễ thương như trà. Thế nên, người không yêu trà mới là lạ, dẫu rằng đấy có yêu đơn phương, có tương tư đi nữa, thì cũng thật đáng được trọn một đời tương tư.

Theo những búp trà non từ quần thể cây trà Di sản Việt ở vùng trà Bản Bẹ - một điểm đẹp và khác lạ để ngoạn cảnh sống khủng long, nơi săn mây lý tưởng của khách xuôi khi đến với Tà Xùa –về đến nơi chế biến, những chàng trai, cô gái H’mông tay thoăn thoắt hái trà như Mùa Thị Tồng, Mùa A Vừ, Mùa A Sênh… lại trở thành người làm trà cao tay ở Tà Xùa, khi bản thân tiếp nhận tốt kỹ thuật hiện đại, ứng dụng máy móc để có thể tạo nên những thức trà với hương vị đậm say đến lay động lòng người.

Chén trà thơm ngát từ niên vụ 2020, với nguyên liệu một tôm hai lá, được gọi là Bạch trà Mây, lấy cảm hứng từ mây núi Tà Xùa, thực là một đặc sản nổi trội không chỉ của Tà Xùa mà cả tỉnh Sơn La. Và cũng thật bất ngờ khi biết rằng, thức trà Tà Xùa dù mới chỉ được 5 năm chính thức đưa vào chế biến theo quy chuẩn công nghiệp, nhưng đã từng dẫn đầu và chinh phục các thứ hạng cao tại các cuộc thi trà thế giới ở Pháp, Mỹ, Canada, Trung Quốc…

Trà ép bánh với sống (trái) và chín (phải) niên vụ 2020 của Tà Xùa


Nguyên liệu giá trị của trà Tà Xùa khi đem ép thành bánh, lại biến thành một thức trà diệu kỳ khác. Nhờ độ ép chặt, chất trà được bảo quản, lưu hương, các hoạt chất trong trà ít tiếp xúc với không khí, tiếp tục lên men, biến chuyển chậm, tạo thành những hương vị kỳ diệu gắn với thổ nhưỡng, khí hậu của riêng đất Tà Xùa. Những hương thanh ngát, tự nhiên, thoảng mùi trái cây tươi của dòng trà ép bánh sống, cho đến độ ngọt sâu lắng, hương thơm ngậy mùi mật của trà ép bánh chín… đang tạo nên những yếu tố bất ngờ trên bản đồ trà Việt. Bởi rằng, Tà Xùa cũng chính là nơi đầu tiên của cả nước tạo nên trà ép bánh hội tụ nguyên liệu bản địa, kỹ thuật bản địa và phẩm trà dành phục vụ riêng cho người yêu trà Việt Nam.

Nhìn những chàng trai, cô gái H’mông trên Tà Xùa nói về vùng trà, về những thức trà họ tự tay chế biến, cầm chén trà do các bạn H’mông trân quý thiết khách bằng ánh mắt đầy tự hào, giọng điệu tự tin, thật càng thấm thía và ngưỡng mộ hơn với những cụ trà nơi miền cao sương khói Tà Xùa.

Say cảnh đẹp Tà Xùa, say cái tình chân chất, thật thà, mến khách của người H’mông bản địa, và say hơn cả là chén trà thanh mát, đượm hương, tròn vị, nhấp từng ngụm mà cảm giác như đang trải lòng ra với mây núi, đất trời, như được phiêu du đời theo những áng mây trôi. Những cơn “say” của kẻ si trà cứ thế tiếp nối miên man, bất tận theo hậu vị sâu lắng của trà. Để rồi khi về lại miền xuôi, cầm trên tay chén trà từ mây núi Tà Xùa, lòng lại thêm thổn thức, xốn xang, mong vọng sớm đến dịp lên non cao thăm trà, gặp gỡ trà và quyến luyến với trà chẳng khác gì như một kẻ tình si.


Lam Phong
Ý kiến của bạn