Lên mạng khoe ăn nấm dại mà vẫn bình an, chuyên gia chống độc nói gì?

12-04-2019 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trên facebook đang chia sẻ thông tin về người phụ nữ đưa trên mạng xã hội về việc chị thấy trong vườn nhiều nấm mọc dại và đã hái về nấu canh ăn cùng với tương tamari, sau ăn 21h chị vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh.

Theo đó, chia sẻ của trang facebook có tên N.B nói rằng, chị ra vườn nhà thấy vườn nhiều nấm nên hái về nấu canh ăn.

“Nhìn giống nấm mỡ nhưng vừa ăn vừa run, cơ mà mình là chuyên gia giải độc nên chả sợ gì độc”, chủ tài khoản này quả quyết.

Chủ tài khoản này cũng chia sẻ "kết quả là ăn xong, sau 2h chả thấy gì, vẫn đi làm ầm ầm...Đến 21h sau cũng vẫn khoẻ mạnh bình thường".

Người phụ nữ này cũng cho biết, nếu có bị trúng độc, chị thề rằng "mình sẽ dùng tương tamari và 2 lòng đỏ trứng gà nhà mình nuôi giải độc là không bao giờ phải tới bệnh viện".

Nhiều người cho rằng việc làm này của chị là quá nguy hiểm vì rất khó phân biệt nấm độc và nấm lành.

Trên thực tế, tại các bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ngộ độc nấm, có trường hợp cả nhà cùng ngộ độc vì hái nấm mọc hoang ở vườn nhà hay trong rừng về ăn. Đáng nói trong đó nhiều trường hợp tử vong cả gia đình do ăn phải nấm độc mọc hoang ở vườn hoặc trong rừng.


Dòng " hướng dẫn giải độc nếu ăn phải nấm độc

trên tài khoản facebook"

Theo PGS.TS Phạm Duệ, Nguyên giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu biết về ngộ độc nấm, các loại nấm độc... rất quan trọng nhằm giúp giảm thiểu số vụ ngộ độc. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng cần phải biết chẩn đoán, xử trí ban đầu và điều trị sớm các trường hợp ngộ độc nấm này để tránh bệnh tiến triển nặng và dẫn tới tử vong.

Cũng theo PGS. Duệ có những loại nấm độc nhất (nấm độc tán trắng – Amanita verna, nấm độc trắng hình nón – Amanita virosa) cũng có màu trắng muốt và nấu ăn cũng ngọt “không cần mì chính” nhưng lại là loài nấm chính gây độc ở nước ta.

PGS. Duệ cho biết thêm, có người ăn phải nấm độc xuất hiện triệu chứng ngộ độc trong vòng 3 tiếng sau ăn, có người ngộ độc muộn thì trong vòng 6 tiếng, có những người sau khi ăn xong đến 10 ngày thậm chí 2 tuần sau mới xuất hiện ngộ độc. Vì thế, theo PGS  Duệ  - người đã 30 năm gắn bó với chuyên ngành chống độc, nghiên cứu về nấm độc và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn nấm hoang, nấm mọc dại trong vườn nhà hay nấm mọc trong rừng.  Bởi rất khó nhận biết nấm độc và nấm không độc, ngay cả chuyên gia về nấm cũng có thể bị nhầm nấm độc với nấm lành.

“ Nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau. Trong đám nấm lành cũng có nấm độc. Không phải nấm trắng là nấm không độc”. PGS Duệ nói.

Cũng theo chuyên gia chống độc, có thể mới đầu bạn ăn cây nấm mọc hoang trong vườn hay trong rừng bạn thấy cơ thể hoàn toàn bình thường không bị sao thì đó là bạn may mắn ăn phải nấm lành. Nhưng nếu lần sau tiếp tục ăn nấm mọc hoang thì nguy cơ "dính" nấm độc là không thế loại trừ, bởi nấm mọc hoang thì thường là nấm độc nhiều hơn là nấm lành.

"Tự nhiên ban tặng cho chúng ta những đồ ngon ngọt quý giá, nhưng tự nhiên cũng "cho" chúng ta cả những con rắn độc, những cây nấm độc trú ẩn dưới dạng ngon ngọt, hình dạng trắng muốt nấu lên ăn ngọt hơn cả mì chính", PGS Duệ bày tỏ quan điểm.

PGS Duệ cũng cho hay nếu muốn ăn nấm thì mọi người có thể tự trồng lấy ăn như nấm rơm, nấm kim châm, hoặc ra chợ mua giá thành cũng không quá đắt, bởi nếu không chẳng may ăn phải nấm độc, bị ngộ độc phải đi viện mất cả hàng trăm triệu lọc máu, thậm chí còn phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã thường xuyên đưa ra khuyến cáo cho người dân đề phòng nấm độc.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.

- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ

- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.

- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Ước tính trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Những loại nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc.

 

 


Tuệ Nguyên
Ý kiến của bạn