Lên kế hoạch thu hút lao động, doanh nghiệp gỗ sẵn sàng 'bứt tốc' sau giãn cách

31-10-2021 09:48 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Chịu ảnh hưởng không nhỏ từ làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, song các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, nội thất Việt Nam đang tích cực phục hồi chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 14,5 tỷ USD.

Hàng loạt doanh nghiệp phía Nam khôi phục sản xuất, trở lại "bình thường mới"Hàng loạt doanh nghiệp phía Nam khôi phục sản xuất, trở lại 'bình thường mới'

SKĐS - Các doanh nghiệp tại địa phương phía Nam đang nỗ lực vực dậy sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”, vừa sản xuất vừa phòng chống dịch.

Đối diện khó khăn, doanh nghiệp gỗ vẫn kỳ vọng tăng trưởng dài hạn

Trong gần hai năm xuất hiện dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đã khiến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ chịu ảnh hưởng không nhỏ cả về sản xuất lẫn xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao và đóng góp kim ngạch xuất khẩu đáng kể trong nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng tới hơn 60% so với cùng kỳ năm 2020 và là ngành có tăng trưởng ấn tượng nhất.

Do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư tại các tỉnh, thành phía Nam, kim ngạch xuất khẩu các tháng 7,8,9 đã giảm và chỉ còn tăng 32% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, đến cuối tháng 9, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt mức 12 tỷ USD.

Lên kế hoạch thu hút lao động, doanh nghiệp gỗ sẵn sàng "bứt tốc" sau giãn cách - Ảnh 2.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh thông tin các tỉnh, thành phía Nam, trong đó tập trung chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh là khu vực sản xuất, chế biến đồ gỗ lớn nhất cả nước, chiếm tới 70% chuỗi cung ứng đồ gỗ cả nước.

Chính vì vậy, từ tháng 7-9/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các tỉnh phía Nam đồng loạt phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để, hầu hết doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất cầm chừng theo mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm" với công suất dưới 50% thì sản lượng đồ gỗ giảm sâu, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cũng giảm theo.

Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific, cho biết trong thời gian giãn cách xã hội, công ty chỉ có thể tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" với khoảng từ 30-40% số lao động ở lại nhà máy.

Với số lượng nhân công hạn chế, năng suất làm việc bị giảm đáng kể, công suất sản xuất chỉ bằng 20-25% so với trước khi giãn cách.

Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, quy mô sản xuất bị thu hẹp, sản lượng hàng hóa không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên doanh nghiệp ưu tiên thực hiện những đơn hàng cần gấp, còn lại đều phải thương lượng với đối tác dời hoặc lùi thời gian giao hàng.

Tuy nhiên, nỗ lực duy trì sản xuất của doanh nghiệp trong 3 tháng qua đã đạt được mục tiêu không để đứt gãy hoàn toàn chuỗi cung ứng trong nước và giữ chân được những khách hàng quan trọng ở nước ngoài. Đó là thành công của ngành chế biến gỗ trong thời gian phải đối mặt với khó khăn do dịch COVOD-19 mang lại.

Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, mà các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng gặp khó khăn trong vừa qua. Ông Enie Koh, Giám đốc điều hành Công ty nội thất Koda, cho biết trong thời gian các tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội, nhiều khu vực phải phong tỏa, doanh nghiệp chỉ tổ chức sản xuất được cho 50% số lao động, công suất giảm hơn 50%.

Cùng với đó, chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển đều tăng là thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, công ty đã cố gắng giữ mối liên hệ thường xuyên với người mua hàng, cung cấp thông tin tình hình sản xuất để khách hàng yên tâm về khả năng đáp ứng đơn hàng ngay khi tình hình dịch tiến triển tốt hơn. Chính vì vậy, khi hoạt động sản xuất được khôi phục, doanh nghiệp không quá lo lắng về vấn đề đơn hàng.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhận định thực tế ghi nhận hoạt động của ngành chế biến gỗ, nội thất Việt Nam trong 2 năm xảy ra dịch bệnh cho thấy các doanh nghiệp có khả năng chống chịu rất tốt. Hoạt động hỗ trợ, định hướng của hiệp hội ngành nghề đạt hiệu quả cao, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và giữ được chân khách hàng kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất.

Dù còn nhiều thách thức như giá nguyên liệu nhập khẩu và chi phí vận chuyển tăng cao, song các chuyên gia nhận định, ngành gỗ Việt cũng có nhiều cơ hội và doanh nghiệp đã sẵn sàng để lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Thu hút, giữ chân lao động sau giãn cách để tăng sản xuất

Lên kế hoạch thu hút lao động, doanh nghiệp gỗ sẵn sàng "bứt tốc" sau giãn cách - Ảnh 3.

Hầu hết các doanh nghiệp đã quay lại sản xuất với giải pháp "3 xanh": nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh.

Khó khăn lớn hiện nay mà các doanh nghiệp phải đối mặt là thiếu hụt lao động có tay nghề bởi một lượng lớn người lao động đã về quê sau khi các tỉnh phía Nam bùng phát dịch COVID-19 và thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Qua khảo sát, số lao động của các doanh nghiệp ngành gỗ trước và sau giãn cách xã hội đã giảm 18% và có đến 43% doanh nghiệp được hỏi gặp khó trong vấn đề nguồn lao động.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai, cho rằng làn sóng người lao động hồi hương thời gian qua cho thấy có những bất cập trong chính sách an sinh cho người lao động ở những trung tâm kinh tế lớn. Không hẳn người lao động sợ dịch mà về quê, ở đây có bất cập về chính sách an sinh xã hội.

"Có những người làm việc 10 năm ở thành phố, các khu công nghiệp vẫn không có nhà, phải ở nhà thuê," ông Quân nói. Từ thực trạng đó, ông Quân cho rằng, trong quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, bên cạnh diện tích của các nhà máy, các địa phương, doanh nghiệp cần chú ý đến việc xây nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp để người lao động có thể an cư.

Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam chia sẻ, hiện doanh nghiệp có 60% lao động làm việc và đang khá khan hiếm nhân công. Bên cạnh tuyển dụng gấp công nhân, công ty cũng có chính sách hỗ trợ người lao động trở lại làm việc 1 triệu đồng/người. Công ty luôn ưu tiên với những lao động gắn bó với công ty, nhất là lao động làm việc trong thời gian "3 tại chỗ".

Ông Nguyễn Minh Nhật cho hay, đầu tháng 11, doanh nghiệp sẽ chuyển sang sản xuất "3 xanh". Để sớm phục hồi sản xuất công ty đã mua sắm thêm máy móc để tăng công suất, nâng chất lượng và giảm phụ thuộc nhân công lao động do thiếu hụt. Công ty cũng phân khu vực sản xuất theo từng nhóm để nếu có nhân công bị F0 sẽ dễ dập dịch.

Qua kết quả khảo sát nhanh trong tháng 10 từ các doanh nghiệp, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho biết, các doanh nghiệp đã có kế hoạch phục hồi sản xuất với việc thay đổi chiến lược kinh doanh; kiểm soát dịch hiệu quả trong sản xuất; tăng hiệu quả, quy mô chế biến.

Cụ thể là tinh giảm bộ máy, giảm chi phí cố định; đầu tư máy móc, giảm phụ thuộc vào lao động; tăng ca, tăng công suất; có chính sách tốt về hỗ trợ giữ chân, thu hút người lao động tốt; xây dựng nhà ở cho công nhân, chế độ lương, thưởng… Cùng với đó là áp dụng nghiêm ngặt quy định của cơ quan chức năng, tạo môi trường lao động an toàn; áp dụng các biện pháp y tế phù hợp.

Cùng với đó, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch BIFA, cho biết đã mạnh dạn đề xuất cho doanh nghiệp được chủ động chống dịch và hậu kiểm. "Bình Dương đã được bao phủ lượng vaccine mũi 1 đạt gần như 100%, mũi 2 gần đạt 70% thì không có lý gì giãn cách vì điều này chỉ gây ách tắc mà thôi. Vì vậy, việc cho phép doanh nghiệp doanh nghiệp sử dụng lao động chịu trách nhiệm về nguồn lực lao động an toàn dịch bệnh là điều rất nên làm và đã phát huy hiệu quả," ông Hiệp đề xuất.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nhận định nếu việc khôi phục sản xuất được đẩy nhanh, trong 3 tháng cuối năm mỗi tháng xuất khẩu đạt 800 triệu USD đến 1 tỷ USD thì ngành gỗ và lâm sản có thể đảm bảo mục tiêu mang về 14,5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm, thậm chí có thể sẽ cán đích xuất khẩu 15 tỷ USD.

"Các doanh nghiệp đã sẵn sàng bứt tốc sau đại dịch. Tuy nhiên, để có thể tái hoạt động như kỳ vọng, cần sự đồng hành của các địa phương trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng được liên tục, đặc biệt tại khu vực sản xuất trọng điểm bào gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh. Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động các tỉnh để họ có thể trở lại nhà máy làm việc trong thời gian sớm nhất", ông Bùi Chính Nghĩa khuyến nghị.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành y tế cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương thực hiện nhất quán quy trình hướng dẫn phù hợp, bao gồm cả việc xử lý nếu có F0. Chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lao động như sàn giao dịch lao động. Đồng thời, cùng doanh nghiệp hỗ trợ công nhân; thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không đứt gãy trong khâu vận chuyển.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

"Chìa khóa" để thu hút và giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19'Chìa khóa' để thu hút và giữ chân người lao động sau đại dịch COVID-19

SKĐS - Đảm bảo an sinh chính là chìa khóa để người lao động quay trở lại làm việc sau thời gian giãn cách kéo dài.


Tuấn Nguyễn
Ý kiến của bạn