Hà Nội

Lên huyệt đạo Ngàn Nưa, uống nước Giếng Tiên

14-06-2014 11:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lên Ngàn Nưa, quê hương Bà Triệu, một con đường nhỏ sẽ dẫn quý vị đến Giếng tiên, lúc nào cũng đầy nước và trong vắt.

Núi Nưa là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa năm 248 chống quân Ngô, nơi căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn và triều đại nhà Lê, là hậu phương vững chắc của ta thời chống Pháp. Ngày xưa, núi Nưa có cây nứa mọc um tùm khắp nơi. Vì vậy, nhân dân địa phương quen gọi là núi Nứa. Ngày nay, đến núi Nưa không còn nhiều nứa, nhưng bù lại là những rừng cây tràm, cây keo tai tượng um tùm xen lẫn với những hồ nước tạo thành do quá trình khai thác mỏ crom khiến không gian nơi đây rất hợp với những buổi dã ngoại, cắm trại ngoài trời.

Núi Nưa nhìn từ Tân Ninh
Núi Nưa nhìn từ Tân Ninh

Nếu là dân “phượt” thì quá đơn giản, bạn có thể lên Ngàn Nưa thuộc xã Tân Ninh (Triệu Sơn, Thanh Hoá) bằng xe máy. Còn nếu rủng rỉnh, bạn hãy ở khách sạn Lam Kinh 4 sao và đi ôtô lên Ngàn Nưa cách thành phố Thanh Hóa 19km.

Khách du lịch ngồi thiền ở Huyệt Đạo Núi Nưa
Khách du lịch ngồi thiền ở Huyệt Đạo Núi Nưa

Nơi Bà Triệu cưỡi voi đánh cồng

Phủ Nưa có lễ hội kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng hai âm lịch. Nhưng đi vào những ngày đó thì khá đông đúc và ồn ào do khách thập phương tụ về. Nếu bạn thích leo núi thì không cần phải đắn đo vì núi Nưa chính là nơi thử sức. Trước khi lên đỉnh núi Nưa, chúng ta vào đền Nưa, là một ngôi đền cổ được xây từ thời Tự Đức. Trải qua nhiều biến cố, đến nay Phủ đền Nưa chỉ còn một hậu cung và nhà tiền đường vừa được tôn tạo và phần Nghi môn dẫn vào phủ hoa văn, kiến trúc rất đẹp mắt. Trong phủ hiện còn lưu giữ ba pho tượng quý thuộc tam tòa thánh mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải). Tuy không còn nguyên vẹn, nhưng ngày nay phủ Nưa vẫn là nơi tổ chức hội làng cầu nguyện và gửi niềm ngưỡng vọng tâm linh, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Đường lên Huyệt Đạo Núi Nưa
Đường lên Huyệt Đạo Núi Nưa
Đường vào Núi Nưa

Đường vào Núi Nưa

Huyệt đạo Ngàn Nưa - nơi giao hòa năng lượng của trời và đất

Leo núi Nưa theo đường mòn mất khoảng hơn 2 tiếng. Tất nhiên, vẫn có thể lên đỉnh Am Tiên bằng ôtô theo con đường mới mở. Nhưng hãy hành quân đi bộ để tận hưởng không gian thoáng đãng của một vùng quê yên bình. Dãy Ngàn Nưa được tạo thành từ bảy ngọn núi xếp liền kề tạo thế rồng cuốn, đầu nhô cao như đầu hổ vươn mình về biển Đông - là nơi đặt Am Tiên. Trong dãy núi Nưa, Am Tiên là nhánh tận cùng nhô ra cao nhất, nhưng đặc biệt trên đỉnh lại có nước: giếng Trình ở đầu phía Đông Bắc, giếng Tiên ở giữa, Động Đào là nơi tắm của các tiên nữ, xung quanh có cây hóp bao quanh, kín đáo nên nhân dân địa phương còn gọi là ao Hóp. Ngàn Nưa xanh ngắt chập chùng, đứng trên đỉnh núi Am Tiên cao gần 500m so với mặt nước biển, có thể quan sát cả một khu vực rộng lớn của huyện Như Xuân - Nông Cống - Triệu Sơn. Am Tiên là nơi linh thiêng, khi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa chọn Ngàn Nưa là nơi hiệu triệu nghĩa quân, bởi theo lời sấm truyền: đứng ở đây hét lớn tứ phía đều nghe rõ. Trên đỉnh núi Nưa, bà cho xây dựng Bích Vân cung tự nhằm bố cáo với muôn dân cuộc khởi nghĩa có sự trợ giúp của trời đất. Đền Nưa, Am Tiên nằm trong quần thể 17 di tích thắng cảnh của địa phương, có năng lượng trời đất giao thoa như một huyệt đạo. Đây cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam có mỏ crôm nên khí trường ở đây khá mạnh.

Tam Quan đền Nưa
Tam Quan đền Nưa

Trên dãy Ngàn Nưa, những ngày đẹp trời, quang mây, đứng ở Am Tiên có thể nhìn thấy biển Sầm Sơn, tàu thuyền ra vào cảng Hới, đền Độc Cước, chùa Cô Tiên. Những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân ở miền Bắc, trên đỉnh núi này thường xuyên có một đơn vị quân đội trực chiến, vì giữ được đỉnh núi này thì bảo vệ về chiến lược được cả một vùng rộng lớn của khu vực Bắc Trung Bộ. Đến Am Tiên, du khách được nghe kể về những trận chiến đấu ác liệt trên núi Nưa của nghĩa quân Bà Triệu. Người nữ tướng anh hùng trải qua thời gian đầu chiêu mộ binh mã gặp nhiều khó khăn. Phải chống lại quân địch mạnh như thế chẻ tre. Đã bao lần nghĩa quân đánh nhưng đều bị thất bại. Vào thời đó, có một nhà pháp sư rất giỏi khuyên Bà Triệu nên tìm một huyệt đạo để tế trời đất và các vong linh thần thánh. Theo lời pháp sư, bà đã lập đàn tế trời ở Am Tiên và quả nhiên những trận sau đó liên tục dành thắng lợi. Vào thời của Bà Triệu, mỗi khi luyện tập các tướng lĩnh thường ra đây thắp hương và thề sống chết với quân địch. Cạnh ngôi đền có một huyệt đạo tạo thành một giếng nước rất trong. Giếng này dù nắng hay mưa cũng không bao giờ cạn. Đây là một huyệt đạo lớn của đất nước nói chung và của Thanh Hoá nói riêng. Một đất nước có nhiều huyệt đạo cũng giống như trên cơ thể con người các huyệt phải được liên thông với môi trường bên ngoài. Sự cân bằng trong cơ thể cũng như sự cân bằng trên mảnh đất hình chữ S. Huyệt đạo phải là nơi dẫn xuất những tinh hoa và sinh khí của vũ trụ, tiếp nhận vào trong cơ thể người cũng như vào trong lòng hình chữ S của nước Việt Nam. Một con đường nhỏ có bậc được đổ bằng bê tông sẽ dẫn quý khách đến Giếng tiên, lúc nào cùng đầy nước và trong vắt. Người ta kể lại rằng, các tướng sĩ sau khi đánh giặc mệt mỏi chỉ cần uống nước là sức khoẻ lại hồi phục luôn. Ngày nay, các bà các cô mỗi khi đi lễ Am Tiên về người nào người nấy đều mang theo những can nước trên đỉnh núi Nưa. Rất nhiều nhà ngoại cảm đã lên Am Tiên và họ cũng cảm nhận được huyệt đạo ở nơi của nghĩa quân Bà Triệu oanh liệt năm xưa. Có nhiều người đã đến Am Tiên để thiền, tập yoga và đều không muốn rời xa nơi đây như là một địa điểm để giao hoà cùng trời đất xứ Thanh.

Hào khí của Ngàn Nưa, nơi hội tụ huyệt đạo thần tiên của một thời lịch sử oai hùng. Nghe trong gió ngàn có tiếng gươm khua cùng lời ru của mẹ năm nào: Ru con con ngủ cho lành, để mẹ gánh nước rửa bành ông voi, muốn coi lên núi mà coi, coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng... 

Bài và ảnh: Quốc Anh


Ý kiến của bạn